Ảnh minh hoạ
HĐND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Nghị quyết thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Việt Yên, ranh giới quy hoạch được giới hạn bởi phía Bắc giáp huyện Tân Yên; phía Nam giáp thành phố Bắc Ninh và thị xã Quế Võ; phía Đông giáp huyện Yên Dũng và TP. Bắc Giang; phía Tây giáp huyện Hiệp Hoà và huyện Yên Phong.
Diện tích quy hoạch khoảng 17.101,3ha; Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 305.000 người; đến năm 2045 khoảng 450.000 người.
Đô thị Việt Yên là đô thị thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang gắn với động lực phát triển chủ yếu gồm công nghiệp, đô thị và thương mại dịch vụ. Đồng thời là đô thị cửa ngõ và là đầu mối giao thông đường bộ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng Thủ đô Hà Nội.
Về tầm nhìn, chiến lược phát triển, phấn đấu đô thị Việt Yên trở thành thị xã trước năm 2025. Đến năm 2027 đạt tiêu chí đô thị loại III, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2030 với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 - 75%. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2045 đạt khoảng 75 - 85%.
Đô thị Việt Yên sẽ có khung chính được hình thành bởi các trục giao thông gồm cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, ĐT.398B, ĐT.398 và tuyến kết nối từ cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đến QL37 trên địa bàn xã Việt Tiến đoạn giáp với đô thị Hiệp Hòa.
Cấu trúc 1 tâm, 4 cực phát triển
Đặc biệt, với “cấu trúc đa trung tâm hình thành 1 tâm và 4 cực phát triển” và mô hình tập trung kết hợp phân tán để phát triển đô thị.
Đồ án Quy hoạch chung đô thị Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045 xác định 4 trục không gian chính hình thành các tuyến giao thông đối ngoại động lực, huyết mạch gồm: Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nối Hà Nội - Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; qua đô thị Việt Yên đoạn phía Nam từ cầu Như Nguyệt (xã Quang Châu) đến xã Tăng Tiến (phía Đông Nam) là trục động lực phát triển công nghiệp của Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung, kết nối các KCN và đô thị phía Đông Nam huyện. Trên trục này đã và đang hình thành nhiều KCN, CCN có quy mô lớn từ Quang Châu đến khu Song Khê - Nội Hoàng.
ĐT.398 nối các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng với QL37 qua địa phận Hải Dương và QL18 qua địa phận Bắc Ninh; qua địa bàn Việt Yên kết nối KCN Quang Châu, Tiên Sơn – Ninh Sơn với các vùng bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể phía Nam của huyện, đồng thời kết nối các KCN phía Tây của đô thị Hiệp Hòa đi vùng phát triển công nghiệp tại thành phố Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Trên tuyến này cũng đã quy hoạch, đang hình thành các KCN, CCN, khu đô thị, thương mại dịch vụ lớn.
Trục ĐT.398B (khu vực phía Bắc) kết nối từ Bắc Ninh (có cầu Hà Bắc 2 bắc qua sông Cầu) kết nối với QL37 tại xã Việt Tiến, tuyến vành đai 5 tại xã Việt Lập (huyện Tân Yên) đi thành phố Bắc Giang. Trên trục này hình thành các KCN Thượng Lan, KCN Minh Đức - Thượng Lan - Ngọc Thiện và các CCN Việt Tiến, Minh Đức. Ngoài ra còn hình thành khu logistics phía Bắc sông Cầu gắn với cầu Hà Bắc 2 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã Tiên Sơn, Việt Tiến, Minh Đức, Thượng Lan và Nghĩa Trung.
Trục Đông Nam - Tây Bắc (QL37): Đây là tuyến giao thông nối từ KCN Đình Trám đến Thái Nguyên đi qua 02 thị trấn Nếnh và Bích Động là trung tâm của huyện Việt Yên hiện nay. Trục này góp phần quan trọng cùng với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đưa huyện Việt Yên dần trở thành khu vực phát triển năng động nhất trong những năm qua. Đây cũng là trục kết nối vùng công nghiệp phía Đông Nam, KCN ở đô thị trung tâm và cụm công nghiệp phía Tây với đô thị trung tâm Bích Động, đi vùng phát triển công nghiệp đô thị Hiệp Hòa và khu vực phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên.
Các khu vực phát triển đô thị chủ yếu bao gồm: Đô thị trung tâm hiện hữu, trong đó Thị trấn Bích Động là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội, đô thị thương mại dịch vụ, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao khu vực trung tâm đô thị Việt Yên;
Đô thị phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và logistics: Nếnh, Tăng Tiến, Vân Trung, Quang Châu;
Đô thị phát triển mới chủ yếu tập trung ở các xã: Việt Tiến, Tự Lạn, Hồng Thái;
Đô thị sinh thái gồm Quảng Minh, Ninh Sơn;
Đô thị phát triển du lịch văn hóa tín ngưỡng, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại Vân Hà, Tiên Sơn.
Bốn hướng phát triển đô thị gồm: Hướng phát triển thứ nhất, đô thị Việt Yên được định hướng phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm là thị trấn Bích Động.
Hướng phát triển thứ hai về phía Nam và Đông Nam huyện, dọc trục cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và ĐT.295B: Phát triển công nghiệp tập trung và các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các KCN, CCN và dịch vụ vui chơi giải trí gắn với núi Nham Biền (một phần ranh giới thuộc xã Vân Trung);
Hướng phát triển thứ ba là dọc tuyến đường ĐT.398, bao gồm các chức năng về công nghiệp (KCN Tiên Sơn - Ninh Sơn, KCN Hòa Yên, CCN Quang Châu, CCN Tiên Sơn), logistics, gắn với dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa, tín ngưỡng (cụm di tích chùa Bổ Đà), du lịch thắng cảnh - sân golf Việt, du lịch văn hóa phi vật thể các làng quan họ Ninh Sơn và Nếnh, du lịch công đồng gắn với làng nghề truyền thống Vân Hà.
Hướng phát triển thứ 4 thuộc khu vực phía Bắc: Phát triển phân tán trên cơ sở các KCN, CCN, điểm dân cư hiện có, hình thành các điểm dân cư mới gắn với các KCN, CCN…
4 khu vực phát triển đô thị, 2 khu vực nông thôn
Đô thị Việt Yên được định hướng thành 4 khu vực phát triển đô thị và 2 khu vực nông thôn. Cụ thể: Phân khu số 1 (Khu đô thị trung tâm hiện hữu và cải tạo mở rộng), ranh giới gồm thị trấn Bích Động và một phần diện tích các xã Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn và thị trấn Nếnh với diện tích khoảng 2388,89ha, dân số dự báo khoảng 78.250 người;
Phân khu số 2 (Khu đô thị phát triển công nghiệp và logistics phía Đông Nam), ranh giới gồm toàn bộ diện tích các xã Vân Trung, Quang Châu, Tăng Tiến và ranh giới phần lớn thị trấn Nếnh, xã Ninh Sơn, xã Quảng Minh, Hồng Thái với diện tích khoảng 4.397ha, dân số dự báo khoảng 173.275 người;
Phân khu số 3 (Khu đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc), ranh giới các xã Tự Lạn và Việt Tiến, với diện tích khoảng 2095,6ha; dân số dự báo khoảng 35.900 người;
Phân khu số 4 (Khu đô thị du lịch văn hoá lịch sử ven sông Cầu), ranh giới gồm xã Tiên Sơn và Vân Hà với diện tích khoảng 1.829ha, dân số dự báo khoảng 42.000 người.
Khu vực dân cư nông thôn (khu vực ngoại thị) có 5 xã phân bổ ở hai khu vực: khu vực phía Bắc (xã Minh Đức, xã Nghĩa Trung và xã Thượng Lan) và khu vực phía Tây (xã Trung Sơn, xã Hương Mai) với tổng diện tích khoảng 6.489,14ha với tổng dân số dự báo đến năm 2045 khoảng 114.930 người.
-
Bắc Giang duyệt quy hoạch thêm một khu công nghiệp hơn 180ha
HĐND tỉnh Bắc Giang vừa thông qua đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu công nghiệp Yên Sơn - Bắc Lũng (phần mở rộng), huyện Lục Nam.
-
Bắc Giang trao chứng nhận đầu tư khu công nghiệp gần 1.500 tỷ đồng
UBND tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng S-Dragon và triển khai kế hoạch thực hiện Khu công nghiệp (KCN) Xuân Cẩm - Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa giai đoạn 1....
-
Trao chứng nhận đầu tư KCN 1.400 tỷ cung cấp việc làm 15.000 lao động giáp Hà Nội
UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai kế hoạch thực hiện Khu công nghiệp (KCN) Xuân Cẩm - Hương Lâm (Hiệp Hòa) giai đoạn 1.
-
Tin vui cho 20.000 lao động tại Bắc Giang
Tỉnh Bắc Giang sẽ có thêm khu công nghiệp 154ha, đáp ứng cho quy mô lao động dự kiến hơn 20.000 người. Đây là khu công nghiệp có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường; là khu công nghiệp tập trung, đa ngành với hệ thống hạ tầng kỹ...