Vậy là trước mắt sẽ có khoảng gần 100 CNLĐ tại KCN Bến Cát không phải thấp thỏm nỗi lo gửi, trông và đón con mỗi khi tăng ca, làm thêm giờ. Tại lễ khánh thành Trường mầm non 28-7, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, tuy số trẻ được gửi tại trường mầm non của KCN Bến Cát là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế là khoảng bốn nghìn cháu bé, nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp công đoàn trong việc chăm lo đời sống của NLĐ. Từ mô hình này, công đoàn kêu gọi sự hảo tâm, hỗ trợ của các doanh nghiệp (DN), chính quyền thị xã Bến Cát, UBND tỉnh Bình Dương nhằm đầu tư, mở rộng dự án giai đoạn hai để đón thêm 250 con của NLĐ trong thời gian tới.
Cùng với sự phát triển của các KCN-KCX trên cả nước, nhu cầu được gửi con vào những ngôi trường mầm non đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện nuôi dạy khoa học, bài bản của CNLĐ là rất lớn. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát năm 2011 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong số 10 tỉnh có KCN, KCX chỉ có 16,9% KCN, KCX có nhà trẻ mẫu giáo. Trong đó, trường công lập chỉ chiếm 39,9%, tư thục là 60,1%. Tại Nghị định số 29/2008/NĐCP của Chính phủ quy định về KCN, KCX và khu kinh tế nêu rõ: "Các KCN-KCX cần có các điều kiện thuận lợi hoặc có khả năng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, triển khai đồng bộ và kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển KCN với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội phục vụ công nhân làm việc trong KCN". Nhưng trên thực tế, tại các KCN, KCX các yếu tố trên chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có trường mẫu giáo cho con CNLĐ. Ở một số nơi, trong quá trình quy hoạch, những người có trách nhiệm dường như bỏ quên nhu cầu bức thiết này của NLĐ. Họ quên rằng đây là điều kiện cần và đủ để NLĐ yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài cùng DN.
Do không có trường mẫu giáo, lương công nhân còn quá eo hẹp, một số NLĐ đành gửi con về quê cho ông bà nội, ngoại chăm sóc, còn lại, đa số họ phải tìm đến các nhóm lớp tư thục với mức học phí rẻ, thời gian trông giữ trẻ linh hoạt, gần khu nhà trọ, tiện lợi cho việc đưa đón con. Trong số đó có không ít nhóm trẻ mở ra tự phát, chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động. Hơn nữa, vì thiếu các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định, dẫn tới những vụ bạo hành trẻ em đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận hết sức phẫn nộ, bức xúc.
Các nhà hoạt động công đoàn, chuyên gia giáo dục cho rằng Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo các bộ, UBND các tỉnh/thành phố khi phê duyệt hồ sơ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới, KCN và KCX cần quan tâm phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng các trường mầm non phục vụ con, em CNLĐ tại các KCN.
Các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ về quỹ đất để các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, nhà ở, trường học cho con em công nhân theo quy định.Việc bảo đảm trường lớp cho con em NLĐ tại các KCN, KCX, khu đô thị cần phải có kế hoạch và lộ trình. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có cả sự nỗ lực, chung tay của các DN.