Vậy vì sao lại có chuyện nghịch lý này? Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 19.12, bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: trong những điều kiện nhất định, địa phương có thể có những quy định cho phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ với thành phố Hà Nội thời điểm đó – nhà ở xã hội “lên cơn sốt”, nguồn cung không đủ mà mở rộng đối tượng quá sẽ dẫn đến cơ chế xin – cho, mặt khác, cũng là để nhà ở xã hội hướng đến đúng đối tượng. “Còn nay mai, khi đã tạo ra nguồn cung lớn, thì những quy định như của Hà Nội sẽ phải bỏ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, quan điểm, nhận thức đối với nhà ở xã hội cần phải được thay đổi. “Trước nay doanh nghiệp coi làm nhà ở xã hội như là làm công ích. Bây giờ, cùng với những khuyến khích từ chính sách, cơ chế ưu đãi của Nhà nước, thì doanh nghiệp nhận thấy đây là một thị trường thực sự hấp dẫn, đầu tư vào đấy là có lợi nhuận chứ đừng có tư tưởng coi làm nhà ở xã hội là “bố thí””, ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi, với gói lãi suất tới đây Nhà nước sẽ hỗ trợ, liệu người đủ điều kiện mua nhà xã hội có hấp thụ được không, và liệu nó có đến được với dân, ông Dũng cho rằng sẽ có mấy khả năng: một là lãi suất phải thấp, đồng thời Nhà nước, các địa phương phải hỗ trợ thêm lãi suất; hai là hỗ trợ đến đúng đối tượng cần mua nhà ở xã hội thông qua doanh nghiệp. “Ví dụ doanh nghiệp làm công trình/khu nhà ở xã hội mà ai đăng ký vào mua thì mới được đăng ký hỗ trợ vay với lãi suất thấp”, ông Dũng bày tỏ.
Còn về nới rộng điều kiện, theo lãnh đạo bộ này, trong nghị định nhà ở xã hội sắp ban hành đã nới rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Chẳng hạn, trước đây quy định người có nhà ở từ 5m2/người trở xuống thì nay nâng lên 8m2/người; hay là mua nhà xã hội sau năm năm thì có thể được bán, thay vì mười năm như quy định trước đây.