Lãng phí và kém chất lượng là tình trạng chung của hệ thống quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chuyên ngành. Chính vì vậy, việc tái cấu trúc hệ thống quy hoạch thông qua Luật Quy hoạch là việc buộc phải đặt ra. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề về tư duy quản lý đã gắn chặt nhiều thập kỷ qua nên không dễ thay đổi.

Thay đổi tư duy quản lý nhà nước trong vấn đề quy hoạch là yêu cầu buộc phải đặt ra trước hàng loạt bất cập của hệ thống quy hoạch hiện hành

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, chỉ riêng kinh phí cho việc làm quy hoạch giai đoạn 2011 – 2020 lên tới gần 8.000 tỉ đồng. Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi. Từ các sản phẩm nông sản như tôm, cá, mía đường, bò sữa đến các sản phẩm công nghiệp như thép, cơ khí… đâu đâu cũng có quy hoạch.

Các bộ không muốn bỏ quy hoạch sản phẩm, ngành

Với vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị xóa bỏ quy hoạch ngành hoặc sản phẩm cụ thể. Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông, thay đổi quan trọng nhất trong dự thảo Luật chính là xóa bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể. Những quy hoạch như làm bao nhiêu tấn cá tra, bao nhiêu ha tôm đến giai đoạn hiện nay không còn phù hợp. Cái đó do nhu cầu thị trường quyết. Các dạng quy hoạch ngành, sản phẩm thường tạo cơ chế xin – cho.

Tuy nhiên, kiến nghị trên của Bộ KH-ĐT đã gặp phải sự phản đối khá quyết liệt của nhiều bộ. Đáng chú ý hơn cả là phản ứng của Bộ Công thương. Theo văn bản do thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký, bộ này đã bác bỏ kiến nghị quan trọng nhất của dự thảo Luật Quy hoạch là bỏ các quy hoạch sản phẩm, ngành. Bộ Công thương cho rằng, các quy hoạch như thép, cơ khí hay các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu bia, thuốc lá, phân bón, xăng dầu… “nhất thiết phải lập quy hoạch” mới đảm bảo công tác quản lý nhà nước, định hướng cho nhà đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực của các DN.

Cùng quan điểm phản đối xóa bỏ quy hoạch chuyên ngành, Bộ Xây dựng cũng gửi văn bản cho rằng, dự luật quy định Bộ KH-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch trong phạm vi cả nước là… thiếu cơ sở. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, cần có sự đánh giá khách quan, toàn diện vai trò quy hoạch thời gian qua. Quy hoạch xây dựng là không thể thiếu, phải làm riêng biệt. Đây là cơ sở và công cụ quản để lý đầu tư. Việc thu hút đầu tư đạt được trong lĩnh vực xây dựng thời gian qua chính là nhờ có quy hoạch.

Mặc dù, Bộ NN-PTNT hiện đang bị kêu ca nhiều nhất về quy hoạch sản phẩm, ngành nhưng Bộ này cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với việc phải bỏ quyền lập các quy hoạch ngành cụ thể. Theo Bô NN-PTNT, quy định như dự thảo là “không đầy đủ”.

Khắc phục việc đan xen lợi ích nhóm khi làm quy hoạch

Thực tế, dù phản đối xóa bỏ quy hoạch chuyên ngành, nhưng Bộ Xây dựng khó có thể trả lời được câu hỏi vì sao chất lượng quy hoạch của ngành mình thời gian qua lại yếu đến vậy? Việc nay đào đường làm đường nước, mai đào lên làm đường điện, vừa lấp xong ngày kia lại đào làm đường viễn thông… cho thấy quy hoạch tách biệt, ngành nào biết ngành ấy. Sự chồng chéo và thiếu gắn kết đang tạo nên tình trạng lãng phí vô cùng lớn.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua mặc dù có quy hoạch, tình trạng nông dân phải đổ bỏ nông sản vẫn diễn ra. Các quy hoạch cụ thể như hồ tiêu, cà phê, cao su hầu như cơ quan nhà nước không điều hành được, thường xuyên bị phá vỡ. Hay các quy hoạch thép, nhà máy đường… thường xuyên phải điều chỉnh…

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, thay đổi tư duy quản lý nhà nước trong vấn đề quy hoạch là yêu cầu buộc phải đặt ra trước hàng loạt bất cập của hệ thống quy hoạch hiện hành.

Với việc không còn quy hoạch ngành hoặc sản phẩm, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, chỗ nào cần phát triển thì xây dựng đề án phát triển, lĩnh vực nào cần quản lý thì đưa các tiêu chuẩn, điều kiện để quản lý, thậm chí điều kiện để được làm, như điều kiện chất lượng, hàm lượng, diện tích… Điều này công khai, DN biết phải đủ điều kiện gì họ sẽ được làm. Ví dụ, muốn nuôi tôm phải đảm bảo dòng chảy, môi trường, chất lượng sản phẩm… “Điều quan trọng là Nhà nước cần làm tốt việc cung cấp thông tin về thị trường, đưa khuyến cáo để nhà đầu tư, DN lựa chọn” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Theo đề xuất của Ban soạn thảo luật, chỉ còn 21 loại quy hoạch cụ thể được phép làm, trong đó có quy hoạch hệ thống đường bộ, đường thủy quốc gia; quy hoạch hệ thống cảng biển, quy hoạch hạ tầng du lịch… “Tinh thần của luật là chỉ cái gì sử dụng đến tài nguyên hữu hạn như mặt đất, tài nguyên… thì phải quy hoạch xem cái gì dùng ít đất nhất, hiệu quả cao nhất” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.

Mặc khác, để thống nhất quản lý quy hoạch, dự thảo luật quy định Trung ương sẽ có Hội đồng Quy hoạch quốc gia. Khi làm quy hoạch, các cơ quan sẽ phải ngồi cùng nhau chứ không phải làm đơn lẻ. Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, với một Hội đồng Quy hoạch quốc gia sẽ cơ bản khắc phục được việc đan xen lợi ích nhóm khi làm quy hoạch. Bởi vì, nhóm lợi ích muốn tác động sẽ không dễ. Đây là quyết định của cả hội đồng, có thể cả chục cơ quan.

Dự thảo Luật Quy hoạch sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 cuối năm 2015. Người dân và DN đang kỳ vọng, sau Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quy hoạch cũng sẽ tạo một sự thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước. Sự lãng phí và kém chất lượng của những bản quy hoạch trên giấy sẽ cơ bản được hạn chế.

Đổi mới theo hướng tích hợp đa ngành

Ông Vụ Quang Các – Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Có thể nói, phương pháp và nội dung quy hoạch của VN chưa đổi mới phù hợp với xu thế của thế giới. Bởi lẽ, đa số các quốc gia hiện nay đã đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng quy hoạch tích hợp đa ngành là chủ yếu. Sự tích hợp đa ngành này nhằm giải quyết xung đột ngày càng lớn về sử dụng không gian giữa các ngành trong một quốc gia. Trong khi đó, phương pháp và nội dung lập quy hoạch của VN vẫn được thực hiện theo phương pháp cũ, các quy hoạch được lập riêng rẽ (quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực… được lập ra một cách độc lập) nên chưa phát huy được hiệu quả của quy hoạch.

Mặt khác, cơ chế giám sát của cộng đồng đối với thực thi quy hoạch gần như chưa được thể chế hóa, người dân có phát hiện việc thực hiện trái quy hoạch thì cũng không biết nói với ai. Do đó, giải pháp được đưa ra trong bản dự thảo mới lần này là khung pháp luật và thể chế về quy hoạch cần được xây dựng thống nhất, có hệ thống, nhất quán, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và sự tham gia của người dân, DN nhằm tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của người dân, cộng đồng đối với quá trình thực thi quy hoạch.

Quan điểm của cơ quan soạn thảo Luật Quy hoạch là, quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo hướng đa ngành trên cơ sở tích hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch sử dụng tài nguyên. Phạm vi và nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia phải xác định những định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia và liên vùng.

Bên cạnh đó, nếu trước đây chúng ta làm quy hoạch là quy hoạch một cách riêng lẻ, ngành nào biết ngành đó thì trong dự thảo quy hoạch mới này, cơ quan soạn thảo thực hiện theo cơ chế thống nhất trên một bản quy hoạch chung, trên cơ sở đó các ngành nghề cần phải ngồi lại với nhau đưa ra những quan điểm ngành để tránh mâu thuẫn, tìm được tiếng nói chung. Như vậy, về cơ bản Dự thảo quy hoạch mới này không có nhiều thay đổi so với Luật quy hoạch cũ có khác chăng là khác trong cách thực hiện.

Kinh nghiệm tại Australia cho thấy, thay vì họ cấp giấy phép đầu tư cho các nhà đầu tư thì Chính phủ lại cấp cho họ “giấy phép quy hoạch” để yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc tuân thủ “sơ đồ quy hoạch” – là văn bản pháp lý thể hiện những quy định, chính sách, định hướng của Chính phủ trong phát triển. Và các quy hoạch này ở các cấp đều có sự thống nhất, đồng bộ, theo định hướng đã được đề ra ở quy hoạch cấp quốc gia. Khi đó, quản lý quy hoạch đang được thực hiện theo hướng chuyển từ quy trình quy hoạch dựa trên quản lý xây dựng sang quy trình quy hoạch dựa trên giá trị quy hoạch.

Quy hoạch tích hợp không có tính khả thi

Ông Đỗ Đức Duy –Thứ trưởng Bộ Xây dựng:

Cần khẳng định các mặt được của quy hoạch đã thực hiện là rất lớn dù không thể phủ nhận thực tế, hệ thống các quy hoạch hiện nay còn chồng chéo, phiền hà, chất lượng hạn chế, thiếu sự thống nhất giữa các quy hoạch. Do đó, đề nghị cơ quan xây dựng Dự thảo Luật Quy hoạch chỉ nên quy định có tính chất khung, không điều chỉnh chi tiết tất cả các quy hoạch theo hướng tích hợp như đề xuất. Theo quan điểm của đại diện Bộ Xây dựng, cần khẳng định rằng lập quy hoạch tích hợp như đề xuất trong dự thảo Luật Quy hoạch là rất khó triển khai và không có tính khả thi. Thực tế rất khó có một quy hoạch có thể tích hợp thống nhất mọi ngành, mọi lĩnh vực. Mỗi loại quy hoạch có yêu cầu về thông số, các chỉ tiêu kỹ thuật khác nhau; phương pháp luận, yêu cầu về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt khác nhau dẫn đến yêu cầu về sản phẩm quy hoạch khác nhau, yêu cầu quản lý khác nhau. Do đó không dễ dàng có thể tích hợp nghiên cứu đồng thời các quy hoạch.

Bên cạnh đó, yêu cầu về điều kiện, năng lực chuyên môn của tổ chức, cá nhân tham gia quá trình lập, thẩm định đối với từng loại quy hoạch rất khác nhau nên việc tổ chức lập quy hoạch theo hướng tích hợp sẽ rất khó thực hiện vì không có cơ quan nào có đủ năng lực thực hiện, cũng như không đáp ứng được yêu cầu giải quyết những bất cập nảy sinh trong các hoạt động quy hoạch. Mặt khác với mô hình tổ chức các cơ quan Nhà nước hiện nay, không cơ quan nào có đủ năng lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ, chuyên sâu các quy hoạch nếu được lập theo hướng tích hợp.

M.Thanh, Phan Nam ghi


Bá Tú (Diễn đàn doanh nghiêp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.