Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà văn hóa, kiến trúc sư cho rằng, việc các dự án nội mang tên ngoại nhiều như hiện nay là biểu hiện quay lưng với văn hóa Việt. Thậm chí, một số chuyên gia văn hóa còn nói thẳng, đây là sự sỉ nhục đối với văn hóa Việt của nhiều chủ đầu tư.
Quay lưng lại với văn hóa Việt

Tiến sĩ Lê Quý Đức, Viện Văn hóa phát triển Việt Nam cho rằng, xét về phương diện nào đó việc đặt tên các công trình, dự án bất động sản mang tên ngoại phản ánh xu thế hội nhập của nước ta với thế giới. “Chủ đầu tư muốn tên các công trình bằng tiếng nước ngoài để dễ dàng vươn ra, hội nhập với thế giới".

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng người đang chạy theo mốt và chủ đầu tư vì lợi nhuận quên đi cái hồn văn hóa Việt. "Dân mình cũng có xu hướng chạy theo mốt. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản lại chạy theo mốt mà quên đi cái hồn văn hóa Việt trong các công trình xây dựng”.


“Nói thật, với nhiều công trình mang tên nước ngoài thì ngay cả đến người trình độ như tôi cũng còn chẳng biết đến. Nó rất khó nhớ và xa lạ. Chắc chắn người dân sẽ cảm thấy hết sức lạ lẫm với các tên gọi này” – Tiến sĩ Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, để tránh tình trạng “ngoại’ hóa tên ở các dự án bất động sản trong nước hiện nay, các chủ đầu tư cần chú trọng đặt một cái tên phù hợp với người Việt Nam. Phù hợp với thói quen và lối sống, phong cách của người Việt, có như vậy cái tên đó sẽ dễ đi vào lòng người và tâm thức của người Việt Nam hơn.

“Một công trình phục vụ cho người nước ngoài đặt một cái tên nước ngoài là điều hợp lý. Nhưng những công trình được xây dựng cho người Việt thụ hưởng thì việc nên có một cái tên gần gũi là điều đáng phải quan tâm. Đó chính là văn hóa của dân tộc chúng ta”
- TS Đức giải thích.

Dự án xây dựng sính tên Tây: Sự sỉ nhục văn hóa Việt
Một công trình được xây dựng cho người Việt cần mang tâm hồn văn hóa Việt.

Không có lòng tự trọng

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) cũng đánh giá, một phần nào đó tên “tây” cho các dự án trong nước tạo cho người Việt niềm tin vào đẳng cấp của hàng ngoại. Tuy nhiên, trong đó cũng sẽ nảy sinh tâm lý hoài nghi ở các dự án mang nhãn ngoại. Bởi hễ cứ ra ngõ lại gặp công trình ngoại sẽ khiến người ta sẽ đặt câu hỏi, chất lượng ở những dự án ngoại này như thế nào?


“Đây không phải xu hướng tất yếu của hội nhập phát triển. Nếu một chủ đầu tư nào đó hoạt động trong lĩnh vực này muốn tạo dựng thương hiệu cho riêng mình thì cần phải tự khẳng định chính mình. Cái tên chỉ là hình thức bề ngoài, ban đầu. Nó không thể hiện được gì nhiều ở đây. Tôi cho rằng, trong thời gian tới nhà nước chúng ta cần có cơ chế, chính sách hoạch định, quản lý vấn đề này một cách cụ thể. Việc trao quyền “tự quyết” quá lớn cho các chủ đầu tư cũng là một vấn đề”, ông Thanh cho biết.

Dưới con mắt của một người làm xây dựng, Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, bày tỏ: “Tôi cho rằng đây là một vấn nạn của đất nước ta. Nó không chỉ phản ánh riêng về các dự án, các công trình sính ngoại mà đó còn là tâm lý sính ngoại chung của người dân chúng ta. Đó là một sự “sĩ diện”! Nhưng trước hết đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Tại sao lại đồng ý nó? Chúng ta bảo vệ văn hóa Việt Nam như thế nào? Đó là một sự “sỉ nhục” không có tự trọng”.

“Chúng ta cần tôn trọng ngôn ngữ của người Việt và trách nhiệm đầu tiên là các cơ quan quản lý nhà nước. Sự chủ quan và buông lỏng của cơ quan quản lý chính là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này. Cần phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành và đi đầu gương mẫu thực hiện vấn đề này" - Ông Vạn nhấn mạnh.
Theo Quang Tùng – Phan Mạnh (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0
Tham gia nhóm chat mua bán dự án