Dù dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể (KTT) Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) được triển khai từ năm 2002 nhưng đã mười năm trôi qua vẫn chưa khởi công. Tính đến thời điểm này, đã có 161/199 hộ chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng nhưng vẫn còn 38 hộ nhất định “một bước không đi, một ly không dời”.

Khu tập thể Nguyễn Công Trứ - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

Quy đổi diện tích lấn chiếm bằng diện tích tái định cư

Theo ghi nhận, khu tập thể (KTT) Nguyễn Công Trứ hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài 14 nhà tập thể bốn tầng thì phần diện tích cơi nới, lấn chiếm xung quanh các nhà tập thể tương đương diện tích 14 nhà chung cư, cơ cấu căn hộ không đồng nhất. Do đó, để chỉnh trang lại đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, năm 2002 thành phố Hà Nội lập dự án cải tạo, xây dựng lại KTT này và đã giao cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 7 Hà Nội làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch, sau khi được cải tạo, xây dựng lại, KTT Nguyễn Công Trứ sẽ là một khu nhà ở văn minh, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đầy đủ, khớp nối với quy hoạch chung của khu vực xung quanh, tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh. Bởi vậy dự án đã được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 7 đã thực hiện đầy đủ các bước khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch, xin ý kiến các ban ngành, quần chúng nhân dân và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dựa trên cơ sở thiết kế được duyệt và các cơ chế chính sách do Nhà nước quy định, đến nay chủ đầu tư đã tổ chức bốn đợt bốc thăm căn hộ và đã có 161/199 hộ chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 38 hộ chưa chịu bốc thăm và nhận tiền hỗ trợ. Họ yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ thêm tiền tái định cư và phải bồi thường cả diện tích đất lấn chiếm gắn với nhà chung cư và quy đổi bằng diện tích tái định cư.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Trường (ở căn hộ 53A2) cho biết, ông đồng ý với chủ trương cải tạo, xây dựng lại KTT, nhưng yêu cầu các cơ quan chức năng, chủ đầu tư phải gặp gỡ lấy ý kiến người dân, và đòi hỏi chủ đầu tư phải đưa ra văn bản thẩm định thiết kế trước khi tổ chức bốc thăm căn hộ.

Còn anh Nguyễn Văn Biên (ở tại căn hộ 42A1) yêu cầu chủ đầu tư phải bố trí diện tích làm kho chứa hàng vì gia đình anh là hộ kinh doanh, đồng thời đề nghị mức hỗ trợ tái định cư lên tới 200- 300 triệu đồng cho ba năm tạm cư.

Trong khi đó, ông Vũ Trọng Cung (ở tại căn hộ 56A2) đến nay vẫn chưa rõ đơn vị nào là chủ đầu tư dự án. Đồng thời đặt ra nghi vấn “KTT có tiếp tục được triển khai với quy mô xây dựng là 19 tầng nữa hay không, bởi việc xây nhà cao tầng tại bốn quận nội thành đã bị hạn chế”. Một số hộ dân khác thì băn khoăn không biết việc tái định cư sau này có được thực hiện có đúng như chủ đầu tư đã cam kết hay không.

Thực tế, do phải đầu tư lớn cho việc xây nhà tạm cư, chi trả bồi thường, chi phí quản lý nhà tạm cư, nên việc chậm di chuyển bàn giao mặt bằng để khởi công xây dựng không chỉ ảnh hưởng đến các hộ dân chấp hành, mà còn gây nhiều khó khăn đến doanh nghiệp. Vì thế trước những yêu cầu trái với chính sách trên của nhiều hộ dân, đại diện chủ đầu tư không thể đáp ứng được.

Bao giờ hết cảnh tạm cư ?

Trong khi hơn 30 hộ chưa muốn di dời thì hơn 100 hộ dân của KTT đã bàn giao mặt bằng và chuyển đến nơi tạm cư mong muốn dự án nhanh chóng hoàn thành để họ sớm được quay về nơi ở cũ, thoát khỏi cảnh ở tạm cư. Bởi lẽ vi là tạm cư nên điều kiện sống, học tập, làm việc của nhiều hộ dân cũng bị xáo trộn, ảnh hưởng.

Bà Dương Thị Trầm, 68 tuổi (hiện đang tạm cư tại P701 nhà CT2 Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) cho biết, bà hoàn toàn hài lòng về cách giải quyết của chủ đầu tư, cả chính sách tái định cư cũng như việc giải quyết chỗ ở tạm cư hiện nay. Song, sống ở nơi không phải ở nhà mình, ngoài sự bất tiện về hành chính thì cũng có rất nhiều hộ đang thực sự khó khăn trong việc kiếm kế sinh nhai, trong khi số tiền bồi thường hỗ trợ cho gia đình đã cạn.

Đa số các hộ đã di dời và bàn giao mặt bằng đều cho rằng đối với dự án xây dựng lại KTT Nguyễn Công Trứ, các chính sách Nhà nước đã giải quyết tốt, nhưng lại “thiếu kiên quyết” đối với những hộ không chấp hành di chuyển bàn giao mặt bằng để khởi công dự án. Ông Nguyễn Ngọc Hồ, 82 tuổi cho biết “Cuộc sống ở khu tạm cư dù tương đối tốt nhưng việc học hành của trẻ nhỏ, việc khám chữa bệnh người già đều khó khăn vì người ở một nơi, hộ khẩu một chốn. Tôi đề nghị Nhà nước cần kiên quyết cưỡng chế đối với những hộ cố tình không bàn giao mặt bằng. Bởi theo quy định đối với nhà chung cư cũ, nếu có từ 2/3 tổng số hộ chủ sở hữu đồng tình thì chính quyền có quyền cưỡng chế di chuyển để thực hiện dự án.”

Đại diện Ban giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng cho biết, đối với những băn khoăn của người dân do chưa hiểu rõ chủ trương, chính sách, chính quyền sẽ cùng các cơ quan chức năng và chủ đầu tư tiếp tục tuyên truyền vận động để các hộ hiểu và thực hiện.

Sẽ cưỡng chế những hộ không chấp hành

Ngày 23-4-2012, UBND TP Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo: UBND quận Hai Bà Trưng căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Bộ xây dựng về thực hiện Luật Nhà ở; Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố, ban hành quyết định theo đúng các quy định của pháp luật về viêc thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân đối với Dự án cải tạo, xây dựng lại KTT Nguyễn Công Trứ. Ngay sau khi nhận được thông báo, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành các quyết định thu hồi đất, thu hồi căn hộ tới từng hộ gia đình và chuẩn bị các trình tự, thủ tục cưỡng chế di chuyển để dự án được khởi công.

Theo H.Nguyên (Báo Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án