Nhiều ý kiến để làm sáng tỏ vấn đề
Ghi nhận của PV Báo Lao động Thủ đô từ ngày 10 - 12/3, tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) đã có hàng trăm người dân và các nhà nghiên cứu, chuyên gia kiến trúc, xây dựng quan tâm, đóng góp ý kiến cho bản quy hoạch.
Theo nhiều người dân, với dân số gần 10 triệu người, việc Hà Nội triển khai phát triển các dự án công công, đầu tư xây tàu điện ngầm là hợp lý, phù hợp với quá trình phát triển. Ông Nguyễn Thành Nam, 67 tuổi, phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) sau khi xem sơ đồ quy hoạch nhà ga C9, cho biết: “Tôi rất đồng tình với dự án, đây là một quy hoạch hợp lý để phục vụ cho nhu cầu của người dân và nên sớm được triển khai, đặc biệt trong bối cảnh phương tiện cá nhân gia tăng mạnh như hiện nay”.
Quy hoạch dự án nhận được sự quan tâm của nhiều người dân Thủ đô
Theo nhiều ý kiến đánh giá, ưu điểm dễ thấy nhất của tuyến hầm ngầm đường sắt đô thị là an toàn, đi nhanh và tránh ô nhiễm không làm phá vỡ cảnh quan bên trên. Ngoài ra, lượng hành khách vận chuyển từ loại hình phương tiện công cộng này cao hơn so với các phương tiện khác nên nếu được chú trọng đầu tư phát triển sẽ góp phần giảm tải áp lực giao thông.
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tính, thì vẫn có một số ý kiến cho rằng, Hồ Gươm là trung tâm Thủ đô, là nơi diễn ra hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị. Do phát triển tuyến phố đi bộ nên việc đặt ga C9 ngầm được triển khai sẽ phá vỡ cảnh quan, gây ra cảnh nhốn nháo, khó quản lý. “Theo tôi, nếu đặt ga ở đây nhưng không có phương án giao thông mặt đất phù hợp thì sẽ gây ách tắc và nhốn nháo. Hơn nữa, quanh khu vực ga ở khu trung tâm du lịch, giải trí sẽ cần bố trí quỹ đất để phát triển các điểm dừng đỗ phương tiện công cộng khác như xe bus, taxi… cảnh quan khu trung tâm sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Nếu không cân nhắc vấn đề này giao thông trong khu vực sẽ rất bát nháo. Tôi cho rằng, ga C9 nên đặt xa trung tâm ít nhất 500m” – anh Nguyễn Mạnh Dương (quận Tây Hồ) chia sẻ.
Đồng thời một số ý kiến khác cũng đưa ra quan điểm, Hà Nội nên thận trọng và có thêm sự tính toán kỹ lưỡng khi phát triển dự án này. Vì đơn giản, Hồ Gươm là một trong những di tích Quốc gia đặc biệt. Bởi thế, bất cứ tác động nào cũng phải thận trọng xem xét. Bởi không chỉ là người Việt Nam mà ngay cả du khách nước ngoài khi đến Việt Nam cũng rất ấn tượng với những giá trị hiện hữu quang Hồ Gươm ngày nay. “Điều chúng ta hướng đến là sự văn minh, hiện đại nhưng những gì đã là giá trị lịch sử, văn hóa tự ngàn đời thì cần phải được giữ lại nguyên vẹn. Bởi vậy, cần tính toán kỹ từ yếu tố cảnh quan, lợi ích và hiệu quả dự án mang lại” – một người dân cho biết.
Hướng phát triển cho giao thông công cộng
Theo tìm hiểu, đã có nhiều nghiên cứu quanh Dự án quy hoạch Ga ngầm C9, trong đó chủ yếu là các nghiên cứu xoay quanh vị trí và hướng, tuyến của ga ngầm này. Cụ thể, việc phát triển ga ngầm có thể thấy được qua các nghiên cứu như: Chương trình hỗ trợ đặc biệt hình thành dự án Saprof?; Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo… dẫn như vậy để thấy rằng, các vị trí tuyến đường sắt đô thị số 2 và Ga C9 đã được nhiều đơn vị liên quan nghiên cứu ký lưỡng. “Vị trí ga được ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và Tư vấn chung đề xuất phê duyệt phù hợp trên khía cạnh ít ảnh hưởng đến các di tích văn hóa, lịch sử, không gây cản trở công tác thi công ga và hầm ngầm, chi phí, an toàn thi công, khoảng cách giữa ga C8, C9 và C10…” – đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội thông tin.
Khách quan nhìn nhận, hiện nay khoảng 90% nhu cầu đi lại tại Hà Nội do vận tải cơ giới cá nhân đảm nhiệm, trong khi vận tải hành khách công cộng còn rất hạn chế. Hệ lụy nhãn tiền là: ô nhiễm môi trường, tai nạn và ùn tắc giao thông gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Bởi vậy giải pháp điều tiết nhằm hướng tới một tỷ lệ hợp lý giữa các phương thức vận tải là yêu cầu cấp thiết đặt ra từ thực tế. Nói cách khác, dự án xây dựng ga ngầm cạnh Hồ Gươm nếu được xem xét thông qua và được sự đồng thuận của dư luận sẽ là một trong những nền tảng quan trọng góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích vận tải công cộng.
Trở lại câu chuyện quy hoạch Ga ngầm C9, theo ông Lưu Tiến Soạn (85 tuổi, quận Hoàn Kiếm) việc quy hoạch và phát triển dự án này sẽ tạo nền tảng cho phương tiện giao thông công cộng phát triển, góp phần hạn chế xe máy. “Không có bất kỳ một loại phương tiện giao thông công cộng nào có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của mọi người dân, mà phải là một tổ hợp của nhiều loại phương tiện giao thông công cộng khác nhau, tùy khu vực, tuyến đường.
Ở Hà Nội trong tương lai cũng sẽ như vậy. Quy hoạch Ga ngầm C9 ở Hồ Gươm là phù hợp nhưng theo tôi, các đơn vị liên quan cần có sự tính toán cụ thể hơn về kinh phí dự toán và thời gian thực hiện sao cho đúng tiến độ. Làm rõ các điểm này, người sân sẽ không còn băn khoăn” – ông Soạn chia sẻ.
Ga C9 thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo phương án quy hoạch, ga C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Hoàn Kiếm. Ga có bốn cửa lên xuống, gồm cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm; cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, phố Hàng Dầu. Theo Ban quản lý dự án, việc thi công, xây dựng hầm sẽ áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay nhằm hạn chế nhỏ nhất ảnh hưởng với các công trình trên mặt đất. |