Đã 15 năm trôi qua, dự án này vẫn treo khiến cho nhiều hạng mục công trình bị xuống cấp. Không chỉ có vậy, đường giao thông nông thôn không được làm, nhà cửa của người dân không được xây cất, chuyển nhượng mua bán và nạn xây nhà trái phép tràn lan trong vùng dự án… Nhiều hộ dân thuộc các thôn Câu Hà, Tứ Hà và Ngọc Vinh của xã Điện Ngọc bày tỏ nỗi bức xúc vì quy hoạch "treo". Nhằm giải quyết một phần những khó khăn này cho người dân, UBND huyện đã cho phép UBND các xã cấp giấy phép xây dựng tạm thời cho dân. Thế nhưng, trước khi triển khai UBND xã lại kèm theo điều kiện, khi dự án triển khai, người dân phải tự tháo dỡ và không được đền bù, hỗ trợ nên người dân không dám xây dựng, cơi nới nhà cửa. Bà Nguyễn Thị Ánh, người dân nằm trong vùng dự án cho biết: "Từ khi dự án Làng Đại học được công bố, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác sống trong cảnh tạm bợ. Cuộc sống của hàng ngàn người dân bị xáo trộn, cảnh sống tạm cứ thế kéo dài vì dự án chậm khả thi, triển khai chậm. Nỗi khổ cứ nhân lên, không biết người dân phải chờ đợi đến bao giờ?".
Tình trạng xây nhà trái phép diễn ra tràn lan trong vùng dự án.
Còn theo ông Trần Văn Ta một người dân khác trong vùng dự án: "Dự án treo nên người dân không được cắt đất, tách hộ và những thủ tục hành chính khác. Khổ nhất là nhà cửa xuống cấp, nhưng không được sửa chữa, mọi động thái chỉ mang tính tạm thời. Chính vì vậy, mỗi khi trời mưa bão, tốc mái, sập nhà thường xuyên xảy ra…".
Theo phản ánh của người dân, mới đây trên địa bàn rộ lên thông tin, dự án sắp được triển khai và vùng Điện Ngọc sẽ sát nhập vào thành phố Đà Nẵng. Trước tin đồn này, người dân đã ồ ạt vào đây mua đất xây nhà. Tình trạng nhà xây trái phép diễn ra khá phổ biến làm cho tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện đã có hơn 400 căn nhà được xây dựng trái phép mọc lên trong vùng dự án. Dù cố gắng lắm, chính quyền sở tại mới chỉ cưỡng chế, tháo gỡ giải tỏa được 19 căn nhà. Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã thông báo về dự án có vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, song mỗi năm vốn ngân sách do trên cấp chỉ được 60 tỷ, nên nguồn vốn đang thiếu trầm trọng. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã họp bàn về việc triển khai các dự án. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mới có dự án Trường Đại học Công nghệ thông tin-truyền thông và Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Việt-Hàn được triển khai với tổng diện tích 110ha. Còn Trường Đại học Đà Nẵng đang có kế hoạch sử dụng 50 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản để xây dựng Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, cả hai công trình này vẫn chỉ mới triển khai theo kiểu cầm chừng vì thiếu nguồn kinh phí.
Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng khẩn trương phối hợp tìm ra giải pháp để sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện.