Trách nhiệm của TKV
Từ năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ để giải quyết các tồn tại của dự án cảng Kê Gà. Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo hội đồng này kiểm kê toàn bộ tài sản liên quan đến 12 dự án du lịch để làm cơ sở tiến hành áp giá đền bù thiệt hại cho chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện cơ quan này đang khẩn trương tiến hành công tác kiểm kê, sau đó sẽ mời nhà đầu tư đến phối hợp làm việc, lắng nghe ý kiến, tâm tư và tìm hướng giải quyết đền bù thỏa đáng nhất. Sự chỉ đạo kiên quyết của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng sự khẩn trương của UBND tỉnh Bình Thuận trong triển khai thực hiện là tín hiệu mừng đối với 12 chủ đầu tư dự án bị thiệt hại.
Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại các dự án bị ảnh hưởng không chỉ của UBND tỉnh Bình Thuận mà còn có trách nhiệm của TKV. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để 2 chủ thể này đảm bảo giải quyết đền bù thỏa đáng cho 12 chủ dự án như chủ trương của Hội đồng đánh giá thiệt hại tỉnh Bình Thuận đã nêu?
Để trả lời cho câu hỏi trên cần xem xét đến trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ giao - thu hồi đất và các phương thức giải quyết bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Theo đó, về trách nhiệm (trước đây), UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất từ các chủ dự án du lịch để giao lại cho nhà đầu tư mới là TKV.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất thuộc về TKV với tư cách là chủ đầu tư được giao đất xây dựng cảng Kê Gà. Còn hiện nay, về phương thức giải quyết, UBND tỉnh Bình Thuận phải tiến hành thu hồi đất dự án cảng Kê Gà, giao lại cho chủ đầu tư dự án du lịch hiện hữu, giao cho các chủ đầu tư mới (nếu có), hoặc để dành làm quỹ đất của địa phương.
Các phương án bồi thường
Trong trường hợp giao trả đất cho các chủ đầu tư dự án du lịch hiện hữu, TKV có trách nhiệm bồi thường đối với các tài sản của các dự án du lịch đã bị thiệt hại trong thời gian từ khi thu hồi đất đến khi giao trả đất cho chủ dự án. Đồng thời, các chủ dự án du lịch được nhận lại toàn bộ dự án của mình gồm đất và tài sản trên đất theo hiện trạng tại thời điểm nhận lại dự án.
Trường hợp giao đất cho chủ đầu tư mới (nếu có), TKV có trách nhiệm bồi thường các tài sản của các dự án du lịch đã bị thiệt hại trong thời gian từ khi các chủ dự án du lịch bị thu hồi đất đến khi UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi đất từ TKV giao cho chủ đầu tư mới.
Đồng thời, chủ đầu tư mới có trách nhiệm bồi thường toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất (nếu có) và tài sản trên đất cho các chủ dự án du lịch theo hiện trạng được giao. Trong trường hợp khác, UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi đất từ TKV để làm quỹ đất địa phương, TKV có trách nhiệm bồi thường các tài sản của các dự án du lịch đã bị thiệt hại trong thời gian từ khi các chủ dự án du lịch bị thu hồi đất đến khi UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi đất từ TKV.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm bồi thường toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất (nếu có) và tài sản trên đất cho các chủ dự án du lịch theo hiện trạng tại thời điểm thu hồi từ TKV.
Một khu du lịch bị xuống cấp do sự trì trệ của dự án cảng Kê Gà. Ảnh: M. Tuấn
Cả 3 trường hợp nêu trên khi TKV dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà, cơ quan này đều có trách nhiệm bồi thường cho các chủ dự án du lịch đối với các tài sản bị thiệt hại trong thời gian từ khi UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi đất của các chủ dự án du lịch này giao cho TKV đến khi UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi đất từ TKV.
Ngoài ra, công việc cần thiết là phải kiểm kê tài sản, thống kê thiệt hại, thống nhất giá bồi thường thỏa đáng và chi trả tiền bồi thường càng sớm càng tốt, tránh kéo dài thời gian làm phát sinh thêm thiệt hại cho các bên.
Hỗ trợ các chủ dự án du lịch đầu tư lại
Trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, các chủ dự án du lịch đang lâm vào tình trạng khó khăn, cách giải quyết tốt nhất là UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi đất từ TKV rồi giao trả lại cho chủ đầu tư dự án du lịch.
Phương án này có lợi nhất cho các chủ dự án du lịch, khả thi và có thể thực hiện nhanh nhất. Bởi lẽ, thời điểm này chọn nhà đầu tư mới để tiếp nhận phần đất dự án cảng Kê Gà không dễ và mất nhiều thời gian, thủ tục.
Nếu thu hồi làm quỹ đất địa phương lại càng không khả thi vì phải chờ phê duyệt, thông qua mục tiêu, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, hơn nữa không phải lúc nào địa phương cũng có thể chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc bồi thường thu hồi đất làm quỹ đất.
Ngoài ra, khi áp dụng phương thức bồi thường thiệt hại và giao trả dự án cho các nhà đầu tư khu du lịch, TKV cần phải xem xét thêm khoản hỗ trợ do họ bị mất cơ hội kinh doanh trong thời gian qua.
Đồng thời UBND tỉnh Bình Thuận cũng nên có các ưu đãi và hỗ trợ cần thiết về mặt tài chính để tạo điều kiện cho các chủ dự án tiếp tục triển khai xây dựng và sớm đưa dự án vào kinh doanh.
Dự án cảng Kê Gà nhằm phục vụ ngành công nghiệp bauxit nhôm và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận, với quy mô đến năm 2015 đạt 3,5 triệu tấn/năm, năm 2020 đạt 17,5 triệu tấn/năm và đến năm 2030 đạt 37 triệu tấn/năm. Sau nhiều lần dự kiến khởi công xây dựng, đầu năm 2013 TKV đã phải tạm dừng đầu tư do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bỏ ra nguồn vốn khá lớn (giai đoạn đầu khoảng 8.000 tỷ đồng) để xây dựng cảng là không hợp lý và không hiệu quả. Trong 2 năm tạm dừng, UBND tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành chức năng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng hẳn việc đầu tư cảng Kê Gà. |