Với việc thu hồi dự án CVPM Thủ Thiêm của TA Associates Việt Nam (TA VN), TP.HCM đã gửi đến giới đầu tư một thông điệp mạnh mẽ: Luôn “trải thảm đỏ” chào đón những nhà đầu tư có năng lực thật sự nhưng sẽ không chấp nhận chuyện “ngậm” dự án, giữ chỗ những khu đất vàng chờ tăng giá.
Có nguy cơ biến dạng công năng CVPM
Công ty SGT (thành viên góp 20% vốn trong TA VN)cho rằng TA VN không có cơ hội đầu tư nên đã không triển khai dự án CVPM Thủ Thiêm. Sự thật như thế nào?
Trước đây, khu đất này nằm trong quy hoạch khu cao ốc văn phòng, thương mại và nhà ở dọc đại lộ Đông Tây, có lợi thế hơn các khu vực khác là khai thác được cả hai trục giao thông đại lộ Đông Tây và Trần Não, có cơ sở hạ tầng hiện hữu để triển khai dự án ngay tức thì. Nếu giao đất để làm dự án cao ốc văn phòng, nhà ở thông thường sẽ thu được tiền thuê đất cao hơn dự án làm CVPM rất nhiều. Cụ thể, khu II đã được giao cho nhà đầu tư Đại Quang Minh với mức giá cao gần ba lần giá đất CVPM Thủ Thiêm. Còn khu III (đối diện CVPM Thủ Thiêm) đang kêu gọi đầu tư, chuẩn bị đấu giá với mức khởi điểm tương đương ba lần và cũng thu hút chín đơn vị tiếp xúc, có văn bản đề nghị đầu tư.
Dự án khu tái định cư An Phú – Bình Khánh, quận 2 đang thi công xây dựng. Ảnh: HTD
Việc chuyển đổi quy hoạch, dành khu đất có vị trí rất đẹp cho dự án CVPM Thủ Thiêm với giá thuê đất thấp là ưu đãi quan trọng đối với nhà đầu tư. Vì nhà đầu tư tuyên bố sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ đạt doanh số hằng năm 6,5 tỉ USD, tạo việc làm cho 70.000 chuyên viên. Nhưng thực tế, TA VN đã bỏ trống khu đất đến ba năm, không nộp tiền thuê đất và nhiều lần đưa ra những yêu cầu “quá đà”. Trong đó, chủ đầu tư từng yêu cầu giảm diện tích khu văn phòng phần mềm, tăng diện tích khu nhà ở để bán kinh doanh rộng rãi trên thị trường. Điều này có nguy cơ làm biến dạng công năng dự án CVPM theo hướng dự án kinh doanh bất động sản thông thường nên không được TP chấp nhận. TP mời gọi đầu tư các dự án vì sự phát triển chung nhưng sẽ không “trải thảm đỏ” tùy tiện. Đặc biệt, không thể chấp nhận tình trạng nhà đầu tư “găm” đất, không triển khai dự án để chờ tăng giá.
TP sẽ thực hiện các thủ tục thu hồi dự án CVPM Thủ Thiêm theo đúng quy định, sau đó sẽ kêu gọi đầu tư công khai. Tất nhiên, SGT được xem như một nhà đầu tư mới độc lập, phải tham gia cạnh tranh bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Mục tiêu của TP là lựa chọn nhà đầu tư nào có năng lực triển khai dự án tốt nhất, sớm nhất. Cũng lưu ý, việc đầu tư vào CVPM Thủ Thiêm không chỉ dừng lại ở năng lực tài chính để xây dựng hạ tầng, mà rất cần kinh nghiệm quản lý, khả năng khai thác, kinh doanh hiệu quả sau khi dự án vận hành.
Nhiều dự án tại Thủ Thiêm đang triển khai
Khu cao ốc văn phòng và dân cư 38 ha (khu II) được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6, nay chủ đầu tư đã ký quỹ 888 tỉ đồng và đang san lấp nền. Còn khu III 21 ha đã đấu thầu san lấp mặt bằng, đang lựa chọn nhà đầu tư. Dự án Công viên tri thức Việt-Nhật (10,3 ha, vốn đầu tư hơn 610 triệu USD) cũng đã san lấp mặt bằng và xây dựng nhà điều hành. Chủ đầu tư đã nộp 50% tiền thuê đất (khoảng 10,5 triệu USD). Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, Công ty Việt Nhật đề nghị giãn tiến độ đầu tư và nộp tiền thuê đất, chấp nhận khoản phạt thanh toán chậm theo quy định...
Với tiến độ thực hiện hàng loạt dự án vừa nêu, không thể nói đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đang bị bỏ hoang được.
Xin cảm ơn ông.
“Hành trình” của dự án CVPM Thủ Thiêm
- Ngày 11-6-2008, TA VN
được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư CVPM Thủ Thiêm. - Ngày 15-7-2009, BQL Thủ Thiêm đề xuất chủ trương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án. - Ngày 28-6-2011, TP chấp
thuận điều chỉnh giá cho thuê đất mới đối với CVPM Thủ Thiêm. Sau đó, BQL Thủ
Thiêm nhiều lần mời TA VN đến thương thảo nhưng không được phản hồi. - Ngày 4-11-2011, UBND TP
thông báo kết luận của Chủ tịch Lê Hoàng Quân chấp thuận chủ trương thu hồi
giấy chứng nhận đầu tư CVPM Thủ Thiêm của TA VN. Ngay sau đó, SGT có văn bản đề nghị được đứng ra mời nhà đầu tư khác cùng thực hiện dự án. |