15/07/2011 1:50 AM
Tình trạng hàng trăm dự án 'ôm' đất bỏ hoang nhiều năm, chuyển nhượng trái phép tại Hà Nội trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của các đại biểu trong phiên chất vấn sáng qua.

Dự án bỏ hoang do thẩm định lỏng lẻo

Dự án khu căn hộ Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao bỏ hoang đất nhiều năm vẫn chưa bị xử lý. Ảnh: Minh Tuấn.

Trả lời chất vấn của Ban Kinh tế Ngân sách đề nghị cho biết kết quả kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án đã được giao đất, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho hay, kết quả kiểm tra phát hiện còn tới 239 dự án đầu tư sử dụng đất nhưng chậm triển khai.


Sau khi xem xét cụ thể, thành phố đã đồng ý gia hạn thực hiện dự án đến hết năm 2011 cho 5 dự án; phê bình chủ đầu tư của 9 dự án chậm triển khai kéo dài, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư có các biện pháp khả thi, cam kết thời gian hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.


Thành phố giao UBND quận Cầu Giấy lập hồ sơ thu hồi đất đối với 1 dự án và thành phố đã quyết định thu hồi 14 dự án với tổng diện tích 14,1 ha. Sở TN&MT đang lập hồ sơ thu hồi 6 dự án.


Ngoài ra, thành phố yêu cầu 177 dự án có quyết định thu hồi đất nhưng chậm triển khai và chỉ đạo các quận - huyện đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải phóng mặt bằng trong 1 năm. Về việc sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp, thanh tra liên ngành đề nghị xử lý 375 tổ chức vi phạm, trong đó 27 đơn vị cho thuê trái luật, sử dụng sai mục đích với diện tích 308.567 m2...


Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, kết quả xử lý các dự án bỏ hoang đất như trên còn quá ít. Thực tế đi khắp tuyến đường mới mở, đại lộ đều thấy nhiều dự án quây rào để cỏ mọc nhiều năm mà không bị thu hồi. “Tôi thấy nếu dự án vi phạm phải xử lý chứ không thể dùng biện pháp phê bình rồi sau đó lại cho gia hạn”, đại biểu Nam nói.


Ông Vũ Hồng Khanh cho rằng, không phải cứ thấy có dấu hiệu vi phạm là thu hồi ngay mà phải tuân theo các quy định của pháp luật để xử lý từng bước, đầu tiên là phê bình, nhắc nhở, cao hơn là thu hồi vì mục đích của thanh tra là giúp chủ đầu tư thực hiện dự án. “Số lượng dự án vi phạm rất nhiều trong khi xử lý còn quá ít. Phải chăng có sự nương tay của cán bộ thanh tra?”, đại biểu Nguyễn Xuân Kiên nêu vấn đề.


Ông Khanh khẳng định, các đoàn thanh tra đã thực hiện đúng luật, nếu cử tri và đại biểu nào phát hiện có vi phạm thì thành phố sẽ tổ chức thanh tra công vụ làm rõ. Đại biểu Nam cho rằng, nhiều trường hợp ôm đất rồi sang nhượng cho nhau kiếm lời nên thành phố cần công khai thông tin về những vi phạm của chủ đầu tư trên báo chí.


“Vì sao có nhiều dự án bỏ hoang đất? Rõ ràng là khâu thẩm định ban đầu của các sở ngành là có vấn đề. Liệu đã đánh giá đúng năng lực của các chủ đầu tư chưa? Nếu quy trình thẩm định thiếu chặt chẽ thì phải kiến nghị sửa đổi”, đại biểu Nam nói.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi thừa nhận còn tới 14 hầm đường bộ chưa đưa vào sử dụng. Trong đó, 5 hầm Sở GTVT đã nhận bàn giao nhưng chưa tổ chức khai thác; 9 hầm do Ban quản lý dự án Thăng Long thực hiện đến nay vẫn thiếu biển hạn chế chiều cao, chưa đặt rãnh thoát nước gây ngập khi mưa...

Theo Minh Tuấn (Tiền Phong Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án