22/10/2012 4:00 PM
Thành công nổi bật của TP. Đà Nẵng trong những năm qua là việc tổ chức khai thác hiệu quả và hợp lý nguồn lực tài chính đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tròn 15 năm phát triển, Đà Nẵng từ chỗ là một đô thị nghèo, thu ngân sách nhà nước hạn hẹp đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Đột phá trong đền bù, giải phóng mặt bằng

Là một đô thị lâu đời nằm ven biển miền Trung, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương kể từ năm 1997. Tròn 15 năm phát triển, Đà Nẵng từ chỗ là một đô thị nghèo, thu ngân sách nhà nước hạn hẹp đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2003 đến nay, tính riêng nguồn thu từ đất vào ngân sách nhà nước, Đà Nẵng đã huy động được trên 20.000 tỷ đồng, để tái đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị và xã hội. Bên cạnh đó, Thành phố đã cho nhân dân trả chậm tiền sử dụng đất khoảng 6.845 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân có đất bị thu hồi, ổn định cuộc sống mới sau giải tỏa.

Toàn Thành phố từ chỗ chỉ có tổng cộng hơn 360 con đường có tên, sau 15 năm đã tăng lên hơn 1.260 con đường có tên cùng hàng trăm khu đô thị, hàng nghìn khu, cụm dân cư mới. Từ khi trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực hiện thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.390 dự án với tổng diện tích hơn 17.500 ha, trong đó có 207 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư hơn 3,12 tỷ USD; chuyển mục đích trên 500 ha đất quốc phòng để thực hiện hơn 150 dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Với sự đồng thuận của chính quyền và người dân, hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Nhờ vậy, diện mạo của thành phố thay đổi, cuộc sống của người dân được cải thiện.

Một trong những thành công nổi bật của Đà Nẵng trong khai thác hiệu quả và hợp lý nguồn lực tài chính đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội là “gỡ nút thắt” trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Xác định công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách thu hồi đất đai là vấn đề then chốt trong đô thị hóa, Đà Nẵng chủ trương chọn đây là khâu đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị. Để thực hiện việc này thuận lợi, điều đầu tiên các cấp ngành chức năng của Thành phố thực hiện là tập trung quản lý chặt chẽ chất lượng đồ án quy hoạch nhằm nâng cao giá trị tài nguyên đất, giải quyết tốt việc phân chia bình đẳng phần giá trị tăng thêm của đất đai gắn với hạ tầng mới đầu tư và đảm bảo phát triển đúng quy hoạch. Đây là yếu tố chính giúp chính quyền Thành phố nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, thúc đẩy công tác giải phóng nhanh mặt bằng nhanh gọn, thuận lợi, tạo điều kiện cho xây dựng hạ tầng các tuyến phố mơi, khu đô thị và cụm dân cư... Nhiều chính sách tài chính đất đai riêng có ở Đà Nẵng, được Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố triển khai rất hiệu quả như: chính sách về thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng đối với những hộ giải tỏa chấp hành bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, chính sách đối với công tác tái định cư…

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được chuyên môn hóa cao, thể hiện sự quan tâm thiết thực đến lợi ích của người dân và được quán triệt đầy đủ, nhất quán đối với tất cả các dự án trên địa bàn. Nhờ vậy, việc thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư khá công bằng, minh bạch, giảm thiểu tình trạng khiếu kiện của công dân. Mọi vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư đều có sự tham gia trực tiếp của chính quyền địa phương từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án. Trong các trường hợp khiếu kiện đặc biệt, Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp bố trí tiếp dân, lắng nghe, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị. Chính nhờ giải quyết cụ thể, kịp thời và thỏa đáng quyền lợi của nhân dân mà Đà Nẵng nhận được sự đồng thuận rất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng để quy hoạch xây dựng.

Tại cuộc họp tổng kết công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn Đà Nẵng từ khi thực hiện Luật Đất đai (2003), ngày 14/9/2012, lãnh đạo Đà Nẵng cho biết công tác quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố ngày càng đi vào nề nếp, thuộc loại tốt nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương. Trong gần 10 năm qua, Thành phố đã tiến hành 174 cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất và chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, qua đó đã kiến nghị thu hồi hơn 82.000 m2 đất; ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, giải quyết 1.699/1.729 đơn thuộc thẩm quyền về tranh chấp đất đai (đạt 98,88%); 972/998 đơn khiếu nại (đạt 97,40%); 19/19 đơn tố cáo (đạt 100%); và 52/52 đơn đòi lại đất cũ (đạt 100%).

Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đối với đất sản xuất nông nghiệp và đất ở tại các quận, huyện của Đà Nẵng đến nay đã đạt trên 95% diện tích đất cần cấp. Nhằm đẩy nhanh quá trình cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo sự thông thoáng trong cơ chế, giúp tinh giản bộ máy hành chính, minh bạch trong công tác cấp phép, hạn chế những vấn đề nhũng nhiễu trong nhân dân, Đà Nẵng đã triển khai đầu mối tập trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho UBND Thành phố (trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường làm tham mưu). Tính đến nay, Thành phố đã hoàn thành việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 297,7 nghìn trường hợp, trong đó đất đô thị đạt tỷ lệ 91,9%; đất nông thôn đạt tỷ lệ 100%; đất lâm nghiệp đạt tỷ lệ 41,1%; đất nông nghiệp đạt tỷ lệ 97,1%… thu hồi, hủy bỏ gần 300 trường hợp sai phạm trong quyết định giao đất, quy hoạch bố trí đất; chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định. Có thể thấy, sự quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đã giúp Đà Nẵng có nhiều thay đổi lớn trong phát triển đô thị, quy hoạch Thành phố, hướng đến hình thành một đô thị trẻ phát triển bền vững. Tình trạng đô thị hóa đất nông nghiệp, lâm nghiệp; sử dụng đất sai mục đích; xây dựng nhà trái phép trong khu vực quy hoạch; lấn chiếm đất công…được quyết liệt chấn chỉnh, xử lý.

Định hướng và bài học kinh nghiệm

Định hướng phát triển nguồn lực tài chính đất đai

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, Thành phố Đà Nẵng rất chú trọng đến nguồn tài chính đất đai, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng. Một số định hướng quan trọng mà Đà Nẵng xây dựng bao gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo cân đối các nguồn thu, chi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường các biện pháp đẩy mạnh sản xuất và dịch vụ để thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong giai đoạn 2011-2015 là 54.560 tỷ đồng, tốc độ tăng thu bình quân 111,9%/năm, trong đó thu nội địa là 40.797 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 117,4%/ năm.

Tập trung huy động các nguồn vốn ODA, NGO và vốn của Trung ương để triển khai các dự án thoát nước, vệ sinh môi trường, dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên, dự án cấp nước, dự án trang thiết bị y tế và vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để có tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 là 140.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 37,83%, dịch vụ chiếm tỷ trọng 60,71% nhằm đảm bảo đến năm 2015 cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng dịch vụ chiếm 54,2%, công nghiệp – xây dựng chiếm 43,8%, nông nghiệp chiếm 2%; Tiếp tục thực hiện chủ trương khai thác nguồn thu từ quỹ đất với tổng kinh phí dự kiến 11.300 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu dân cư trên địa bàn Thành phố.

Khai thác các nguồn tài trợ của các tổ chức tín dụng quốc tế để tạo nguồn cho Quỹ Đầu tư phát triển của Thành phố với mức kinh phí 1.500 -2.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và xuất khẩu, nuôi dưỡng, phát triển các nguồn thu nhằm tăng tiềm lực, khả năng tài chính của Thành phố; Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động thực hiện phương án tham gia hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững và phát triển các mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập; Xúc tiến mạnh các hoạt động đối ngoại; Đầu tư hơn nữa cho công tác tuyên truyền, quảng bá về Thành phố; Tăng cường hợp tác với các địa phương, vùng lãnh thổ có quan hệ để mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị, bảo vệ tài nguyên - môi trường; Tiếp tục lấy đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị làm khâu đột phá trong xây dựng và phát triển Thành phố; Tiếp tục xây dựng các Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Khu đô thị Đa Phước, các công trình trọng điểm đường Nguyễn Văn Linh nối dài, Cầu mới Nguyễn Văn Trỗi, Cầu Rồng, Trung tâm hành chính, Nhà thi đấu thể dục thể thao... Triển khai xây dựng mới tuyến đường vành đai qua Hòa Xuân - Hòa Quý, hệ thống giao thông công cộng, cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Phối hợp với các cơ quan Trung ương đẩy nhanh và hoàn thành các công trình lớn như: Ga Hàng không quốc tế, mở rộng Cảng Tiên Sa (giai đoạn 2), Nhà ga tàu biển Tiên Sa, xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh (đoạn Nam Đông - Túy Loan), cầu vượt Ngã ba Huế và các đường vành đai khác; Mở rộng không gian đô thị về phía Tây và Tây Nam của Thành phố; Phát triển không gian liên kết với các đô thị trung tâm lân cận của khu vực miền Trung.

Tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể về cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, niêm yết công khai quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính rõ ràng, cụ thể tại công sở, đặc biệt trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản, thuế, hải quan...

Thứ ba, triển khai xây dựng 10.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp, 20.000 chỗ ở cho công nhân các khu công nghiệp, 10.000 chỗ ở tại các ký túc xá sinh viên; Tích cực triển khai Đề án xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” nhất là việc xử lý nước thải ở các khu dân cư, Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, Khu âu thuyền Thọ Quang, Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, Hòa Cường, bãi rác Khánh Sơn.

Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ của vùng (Thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng, Viện ứng dụng bức xạ, Trung tâm công nghệ sinh học, Phòng chẩn đoán phân tử, Trung tâm thông tin khoa học công nghệ...); Củng cố và xây dựng đến năm 2015 có 60 cơ sở đào tạo nghề với quy mô vừa và lớn nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%.

Một số bài học kinh nghiệm

Kinh nghiệm tiêu biểu của Đà Nẵng là thực hiện tốt chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động tiềm năng, nội lực sẵn có trong cộng đồng vào xây dựng và phát triển. Nhất quán trong thực hiện các cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư trong khai thác tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính đất đai, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tập trung ưu tiên các biện pháp và phân bổ nguồn lực để bố trí kịp thời đất tái định cư cho các hộ giải tỏa, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án; chú trọng đầu tư và phát triển dịch vụ, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đối với công tác thu hồi, đền bù giải tỏa, khi thực hiện quy hoạch giải tỏa thường có ngay phương án tái định cư trên cơ sở giải tỏa ở đâu, bố trí tái định cư ở đó. Xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp không bố trí đất tái định cư sau giải tỏa. Trong thời hạn 3 ngày các quyết định về thu hồi đất hay quy hoạch phải chuyển đến chính quyền cơ sở.

Xử lý nghiêm các sai phạm trong sử dụng đất đai, chống tình trạng xây dựng nhà ở trái phép, chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm, nghiêm cấm xây dựng trái phép trên đất công, đất nông - lâm nghiệp, mặt nước. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất công khai, minh bạch; Đất chuyển mục đích sử dụng thì công khai đấu giá thu tiền sử dụng đất trên cơ sở giao Trung tâm đấu giá tài sản Thành phố thẩm định giá. UBND Thành phố quản lý chặc chẽ đất tái định cư đối với các lô, thửa đất sinh lợi như ngã 3, ngã 4... Việc tách thửa căn cứ theo quy định hạn mức sử dụng đất. Tách thửa xem xét theo nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân nhưng linh hoạt và không để xảy ra tình trạng tách thửa quá nhỏ gây nên tình trạng xây dựng nhà ở siêu mỏng, siêu méo; ngăn chặn tình trạng tách thửa để trục lợi về chính sách đền bù giải tỏa. Công tác quản lý và sử dụng đất được lập bản đồ số hóa với việc quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết tình hình sử dụng đất. Quy hoạch phải chỉ ra được đâu là đất ở ổn định, khu vực sẽ giải tỏa, khu vực chuẩn bị giải tỏa. Đột phá trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), triển khai theo phương án quy về một đầu mối tại với thời gian quy định cấp sổ đỏ trong vòng 15 ngày làm việc.

Theo Minh Thúy (Báo Tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.