Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, việc ký kết hợp đồng tài trợ vốn cho dự án nhà ở thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) giữa Vietinbank và Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai là tín hiệu cho thấy ngân hàng bắt đầu nới van tín dụng cho các dự án nhà ở.
Dòng tiền lưu thông vào thị trường bất động sản: Tiếp tục siết chặt
Cần có chính sách tín dụng linh hoạt với nhà ở xã hội. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Sài Đồng, quận Long Biên. Ảnh: Huyền Linh

Tìm vốn ngoài tín dụng ngân hàng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, hoạt động của ngân hàng uyển chuyển mềm mại hơn, đồng thời khẳng định chủ trương đúng là bên cạnh việc phát triển kinh tế, chống lạm phát, vẫn phải lo công tác an sinh xã hội cho người nghèo đô thị, trong đó có nhà ở. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng nhấn mạnh, những tháng tới Chính phủ vẫn tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm tốc độ lạm phát. Trước mắt từ nay đến cuối năm 2011, dự báo dòng tiền được lưu thông vào thị trường bất động sản (BĐS) vẫn sẽ bị siết chặt. Vì thế các DN kinh doanh BĐS trước mắt phải tự điều chỉnh chiến lược phát triển. Nên tập trung vào những dự án, những sản phẩm, phân khúc có giá thấp, có tính thanh khoản cao và có nhu cầu cao trong xã hội. Có thể bán, thu hồi tiền để triển khai những dự án khác và để trả nợ ngân hàng; hoặc có thể liên danh liên kết, thậm chí bán lại dự án hoặc đình chỉ dự án nếu quá khó khăn. Thị trường BĐS rất nhạy cảm và có tính liên thông cao với các thị trường khác như chứng khoán, tiền tệ, vật liệu xây dựng, lao động thậm chí cả giao thông vận tải và cũng là lĩnh vực đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân. Nên về lâu dài, sẽ có những chính sách để huy động dòng tiền từ xã hội và người dân thông qua các kênh như quỹ đầu tư BĐS hay quỹ tiết kiệm nhà ở. Đồng thời, sẽ có những kênh, những định chế tín dụng ngoài ngân hàng để hỗ trợ cho thị trường BĐS, tránh sự phụ thuộc quá lớn của thị trường BĐS vào hệ thống tín dụng ngân hàng.


Trả lời câu hỏi, tại sao DN làm nhà thu nhập thấp khó tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, ngân hàng này cũng có những khó khăn nhất định khi được giao nhiệm vụ trong việc huy động vốn cho rất nhiều chương trình, nhiều dự án quan trọng. Nhưng về phía chủ quan, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng chưa nhận thức đúng tầm quan trọng, chưa tham gia mạnh, chưa thể hiện vai trò của mình trong chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp. Vì vậy, các DN phải vay vốn ở ngân hàng thương mại và tất nhiên chi phí cao hơn sẽ tính vào giá thành mà người mua phải gánh.


Không thể so sánh giá nhà thu nhập thấp


Liên quan đến việc giá nhà thu nhập thấp tại Hà Nội bị cho là quá cao so với mặt bằng thu nhập chung, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam giải thích, việc giá nhà khác nhau giữa các dự án là do cách tổ chức phát triển nhà thu nhập thấp theo cơ chế thương mại có sự hỗ trợ và kiểm soát của Nhà nước. Ví dụ, tùy theo vị trí, giá đền bù giải phóng mặt bằng khác nhau, do đó khi tính ra giá thành cũng khác nhau. Người dân có quyền lựa chọn những dự án nhà thu nhập thấp phù hợp với khả năng thanh toán của mình. Bởi vậy, cũng không thể so sánh giá giữa dự án ở Hà Nội với TP Hồ Chí Minh vì từ trước đến nay, đất, nhà ở Hà Nội luôn đắt hơn TP Hồ Chí Minh. Về thông tin có dự án nhà thu nhập thấp "ế", không bán được, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định không có chuyện đó. Cụ thể, dự án Sài Đồng (Long Biên) của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico), Bộ Xây dựng đã kiểm tra trong số hơn 430 hộ được mua nhà, chỉ có 20 người không ký hợp đồng, chưa đến 5%. Tại dự án của Tổng Công ty Viglacera - Khu đô thị mới Đặng Xá, số đơn nộp mới được trên một nửa là do UBND TP Hà Nội giới hạn đối tượng mua nhà theo địa bàn. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh mở rộng đối tượng theo Quyết định 67 và không giới hạn theo địa bàn. Ngoài ra, có thể nới các điều kiện, thay vì dưới 5 m2/người, có thể đưa lên 8-10m2/người là được mua nhà ở xã hội. Nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay vẫn rất cao nên các dự án nhà ở xã hội do các DN triển khai vẫn tiếp tục được mở rộng.

Theo Khánh Khoa (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.