21/02/2014 9:03 PM
Thời gian qua, “làn gió” khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) bùng nổ và nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều “lãnh địa vàng” cho sản xuất nông nghiệp bỗng dưng bị “khoác áo” công nghiệp, đưa vào quy hoạch để rồi bị “phơi sương” do không thu hút được đầu tư, gây lãng phí lớn.

Đua danh tiếng...ảo

Tính đến nay, đồng bằng sông Cửu Long có đến 74 KCN và 214 CCN được đưa vào quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích hơn 42.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ... Trong số đó có đến hơn 92% diện tích quy hoạch vẫn chưa đưa vào sử dụng - kết quả khảo sát mới nhất của VCCI Cần Thơ (Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại Cần Thơ). Phần lớn các KCN, CCN chỉ sử dụng khoảng 5 - 40% diện tích đất, số còn lại đang nằm trong tình trạng “phơi sương”, trong đó có hàng ngàn hecta đất màu mỡ nằm cạnh bờ sông Tiền, sông Hậu bị đưa vào quy hoạch rồi bỏ hoang, gây lãng phí.

Cách đây hơn 20 năm, KCN Trà Nóc (TP.Cần Thơ) mở ra như một phát pháo khởi đầu cho trào lưu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, hầu như tỉnh nào cũng bắt đầu rục rịch quy hoạch KCN, CCN để phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, do điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông yếu kém, chính sách mời gọi đầu tư thiếu hấp dẫn... nên cuộc cách mạng kinh tế mang tên “KCN, CCN” đã nhanh chóng “đột tử” khi vừa chớm nở.

Tại Cần Thơ, ngoài KCN Trà Nóc 1 (135 ha) cho thuê hết 100% đất và Trà Nóc 2 (262 ha) cho thuê trên 100 ha là nhờ cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Còn KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, 2B (tổng diện tích 474 ha) vẫn đang nằm trong tình trạng “ngủ đông” nhiều năm liền do chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Đến nay, KCN này chỉ mới bồi hoàn, giải tỏa được 64ha và lẻ loi bốn dự án triển khai.


Hàng trăm người phải “bứng” nhà cửa, vườn bưởi tươi tốt nhường chỗ cho KCN Bình Minh để... bỏ hoang

Khi nhắc đến KCN, CCN ở các tỉnh miền Tây, tỉnh Long An có lẽ là điểm “nóng” nhất với hơn 60 KCN, gần 16.000 ha đất bị thu hồi, phần lớn là đất nông nghiệp màu mỡ với những đặc sản nổi tiếng như gạo Nàng Thơm Chợ Đào, thơm Bến Lức, dưa Hoàng Kim... Bên cạnh những KCN, CCN gần nội ô thu hút được vốn đầu tư thì rất nhiều nơi khác bị đưa vào quy hoạch rồi bỏ hoang.

Năm 2004, tỉnh Hậu Giang bắt đầu xây dựng KCN, diện tích quy hoạch lên tới 3.200 ha. Theo đó, rất nhiều dự án lên đến hàng tỷ đồng được “rót” vào đầu tư, khởi công hoành tránh tại KCN Sông Hậu. Điển hình, dự án xây dựng nhà máy giấy Lee & man (CCN Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành), diện tích 82 ha, vốn đầu tư tuyên bố 1,2 tỷ USD, dự báo là nhà máy sản xuất giấy và bột giấy lớn nhất Việt Nam. Nhưng đến nay vẫn chỉ thấy bãi đất hoang. Cuối năm 2012, UBND tỉnh Hậu Giang phải ký quyết định sang nhượng lại 152 ha đất nằm trong dự án KCN Sông Hậu cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam để thực hiện dự án xây dựng cảng biển và khu hậu cần.

“Vùng đất này ngày xưa chúng tôi trồng cam sành, đất đai màu mỡ nên cây sai trái, ngọt lịm. Một ha cam sành mỗi năm thu lời hơn 50 triệu đồng, sống khỏe re. Khi Nhà nước thu hồi để làm khu công nghiệp đền bù rẻ mạt, tiếc lắm nhưng biết làm sao giờ”, ông Trần Văn Tá (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) ngậm ngùi. Điều đáng nói, sau 10 năm thu hồi đất, hàng ngàn hecta đất vốn màu mỡ, cùng những vườn cây trái tốt tươi nằm cạnh bờ sông Hậu giờ chỉ loe hoe vài nhà đầu tư, phần còn lại trở thành địa điểm... chăn bò lý tưởng.

Dù là “em út”, tỉnh Cà Mau cũng quyết không “thua chị kém em” quy hoạch bốn KCN: Khánh An, Hòa Trung, Năm Căn và Sông Đốc vào năm 2005. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông, nên tỉnh này không thu hút được các nhà đầu tư, dẫn đến việc đất bị bỏ hoang. Ngoài KCN Khánh An nhờ ăn theo cụm công trình khí - điện - đạm Cà Mau thu hút được 100 tỷ đồng từ nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thì ba KCN còn lại đều nằm trong tình trạng chung: đất đai bỏ trống, hoang hóa. Đau lòng hơn, hàng ngàn hộ dân bị mất đất, phải tha phương cầu thực, chịu đựng cuộc sống khó khăn, vất vả.

"Phù phép đất nông thành đất công

Vấn nạn quy hoạch KCN, CCN rồi bỏ hoang đã trở thành “dịch bệnh” lây lan hầu hết khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nhiều vườn cây ăn trái màu mỡ, ruộng lúa tươi tốt... bỗng dưng bị đưa vào quy hoạch nhưng không thu hút được đầu tư dẫn đến bỏ hoang, gây thất thoát hàng tỷ đồng của người nông dân. Trung bình, cứ một hecta đất đưa vào quy hoạch sẽ có đến ba hộ dân với hàng chục nhân khẩu buộc phải di dời, “nhường” chỗ cho các dự án. Trong 26.000ha đất quy hoạch đã làm 78.000 gia đình phải “di dân” tìm bến đỗ.

Địa danh Mỹ Hiệp “bén duyên” với người dân đồng bằng nhờ sự “thành danh” của nhiều loại trái cây trên thị trường như: xoài, mận, bưởi... Với diện tích đất đai hằng năm được phù sa bồi đắp, xã Mỹ Hiệp được ví như “thủ phủ” cây ăn trái, tiềm năng “vàng” để phát triển nông nghiệp. Đến năm 2007, chính quyền xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh nhận được lệnh của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc quy hoạch CCN Mỹ Hiệp với tổng diện tích 65,446 ha với hai giai đoạn được triển khai: Giai đoạn một quy hoạch diện tích 14,55 ha của 66 hộ dân ở ấp 1; giai đoạn hai gây ảnh hưởng đến 159 hộ dân ở ấp 2 với diện tích 50,889 hécta, thực hiện trong hai năm 2007 - 2008.


Bên trong KCN Hòa Phú là những con đường nham nhở

“Từ khi nhận giấy báo phần đất nhà và vườn tược của tôi nằm trong diện tích quy hoạch cụm công nghiệp của địa phương, tôi chẳng dám đầu tư vào mấy cây ăn trái nữa. Vốn đầu tư mỗi năm mấy trăm triệu chứ ít ỏi gì đâu, lỡ rót vốn vào chưa kịp thu hoạch mà bị đốn bỏ thì thiệt hại biết bao nhiêu. Mà tiền đền bù chẳng được 1/3 giá trị thật số tài sản của mình. Hơn bốn ngàn mét vuông cây nhãn, xoài, bưởi... của tôi mấy năm nay nằm ì ra đấy, mỗi năm thiệt hại gần 400 triệu đồng”, ông Nguyễn Bé Ba (SN 1952, ngụ tổ 4, ấp 1, xã Mỹ Hiệp) bức xúc. Sau gần bảy năm đưa vào quy hoạch, đến nay cụm công nghiệp Mỹ Hiệp chỉ có ba công ty hoạt động cầm chừng, diện tích còn lại cỏ dại tranh nhau mọc um tùm.

Năm 2000, hơn 400 hộ dân cùng vườn cây xanh mướt bị “giải tán” để lấy đất quy hoạch khu công nghiệp Mỹ Thuận, nhà máy bia Sài Gòn và Trung tâm dịch vụ công nghệ cao. Đến nay, dự án Trung tâm dịch vụ công nghệ cao đã bị phá sản, còn nhà máy bia thì đến cuối 2009 chủ đầu tư mới làm lễ khởi công rồi bỏ mặc luôn.
Để hợp thức hóa việc quy hoạch KCN, CCN, nhiều địa phương cố tình phớt lờ năng suất nông nghiệp để tăng sức thuyết phục đầu tư xây dựng công nghiệp. Điển hình, tờ trình của UBND tỉnh Vĩnh Long gửi Thủ tướng Chính phủ về việc năng suất nông nghiệp chỉ đạt 4,07 tấn/ha để xin quy hoạch thêm năm KCN: Hòa Phú 2 (huyện Long Hồ) hơn 137 ha, Đông Bình (huyện Bình Minh) với 350 ha, Bình Tân (huyện Bình Tân) 700 ha, Tân An Hưng (huyện Bình Tân) 550 ha và An Định (huyện Mang Thít) 200 ha, từng dậy sóng một thời trong dư luận.

Nghịch lý là ngành nông nghiệp tỉnh lại quả quyết không có nơi nào trong tỉnh Vĩnh Long có năng suất lúa đạt tới 5 tấn/ha, nhưng báo cáo sản xuất tháng 3-2010 của UBND xã Đông Bình từng xác nhận năng suất lúa vụ đông xuân đạt tới 7 tấn/ha. Bên cạnh đó, khi năm KCN đưa vào triển khai sẽ có hơn 2.300 gia đình mất trắng đất đai, đẩy khoảng 10.000 người dân lâm vào tình trạng thất nghiệp.

Để “đẻ” KCN Hòa Phú, 250 ha đất trồng lúa bị “hóa kiếp”, hàng ngàn người dân mất tư liệu sản xuất, phải đi làm thuê kiếm sống. Vùng chuyên canh bưởi năm roi cũng bất ngờ “đột tử” để nhường đất quy hoạch KCN Bình Minh. Khi người dân phải đốn bỏ vườn bưởi để đi nơi khác làm ăn, khu vực này đáng lẽ được “thay áo” bằng KCN thì không hiểu lý do gì lại làm nơi chăn trâu, thả bò với những bãi đất hoang rộng hàng trăm héc ta (!?).

Do danh sách các KCN, CCN nhiều nhất của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên Long An là một địa phương xảy ra kiện cáo về đền bù, giải phóng mặt bằng để chuyển đất nông nghiệp sang đất công nghiệp thuộc “top” đầu tiên. Sau một thời gian dài tập trung phát triển công nghiệp, đến nay Long An đã thành lập được hơn 60 KCN, CCN với gần 16.000 ha đất bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo đó, có đến hàng ngàn hộ dân phải di dời, giải tỏa tìm nơi khác sinh kế để nhường đất lại cho công nghiệp. Tính đến nay, huyện Đức Hòa có đến 5.300 hộ phải “bay” đi nơi khác, huyện Bến Lức có khoảng 4.300 hộ “giải tán” gia tài, huyện Cần Giuộc cũng có gần 4.100 hộ phải di dời, hơn 1.300 hộ ở huyện Thủ Thừa cũng phải “hô biến” và nhiều hộ dân khác cùng nằm trong hoàn cảnh phải “bứng” nhà cửa, tài sản.

Đến nay, trong khi hiệu quả mang lại từ các KCN, CCN vẫn còn lấp lửng thì hàng ngàn hộ dân chưa biết phải “bay” về đâu khi toàn bộ nhà cửa, tài sản bị “cúng” để quy hoạch các dự án còn nằm trên giấy. Đây là một vấn đề đáng báo động, cần được quan tâm sâu sát để người dân không cảm thấy uất hận, lẻ loi khi bỗng dưng bị “đuổi” khỏi nơi cư trú một cách chính đáng như nhiều năm qua

Dương Trung Oanh (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.