VQG U Minh Hạ được thành lập ngày 20.11.2006, trên cơ sở hợp nhất Khu Bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi với một phần diện tích rừng tràm U Minh Hạ thuộc các lâm ngư trường: U Minh III, Trần Văn Thời.
Đây là khu bảo vệ cần thiết đảm bảo cho sự phục hồi của các loài đặc hữu thuộc hệ sinh thái rừng ngập với nhiều loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Khu vực này có hệ động, thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành.
Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: Tràm, móp, trảng năn, sậy... Động vật đặc trưng là: Rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng... Và ngày 26.5.2009, cùng với Cù Lao Chàm (Quảng Nam), VQG Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Nhưng mới đây, tỉnh Cà Mau đã có chủ trương kỳ lạ: Sẽ “xóa sổ” hàng trăm ha đất rừng đặc dụng của VQG U Minh Hạ để xây dựng… 1 khu hành chính! Lẽ nào, khu đất rừng đang được khuyến khích bảo tồn, sẽ trở thành những khu nhà bê tông lạnh lẽo?
May thay, trước chủ trương “băm nát” rừng của lãnh đạo địa phương, Bộ NNPTNT đã có động thái can thiệp kịp thời. Ngày 4.7, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hứa Đức Nhị đã ký công văn gửi UBND tỉnh Cà Mau, đề nghị trước mắt không chuyển 137,4ha đất rừng đặc dụng thuộc Khu Dịch vụ hành chính Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Nhưng có một điều khá ngạc nhiên. Liên quan đến việc Bộ NNPTNT không đồng ý “cắt” 137,4ha đất rừng đặc dụng thuộc Khu Dịch vụ hành chính Vườn quốc gia U Minh Hạ, phóng viên Dân Việt đã liên hệ với ông Dương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau để nắm rõ, nhưng ông Dũng trả lời vẫn chưa nắm thông tin trên (!). Trước đó, chúng tôi cũng liên hệ với ông Nguyễn Văn Thế - Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, và ông cũng không biết gì về vấn đề này.
Và “xóa sổ” 3.304,7ha rừng!
Theo báo cáo số liệu hiện trạng đất lâm nghiệp và rừng năm 2010, tỉnh Cà Mau có diện tích đất lâm nghiệp là 108.384,6ha, trong đó: Đất rừng đặc dụng là 17.800,4ha; đất rừng phòng hộ là 26.989ha và đất rừng sản xuất là 63.595,2ha. Nhưng theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Cà Mau tại Quyết định số 961/QĐ - UBND ngày 4.6.2009 của UBND tỉnh Cà Mau, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp lại là 108.025ha. Trong đó: Đất rừng đặc dụng 17.830,7ha (chiếm 16,51% đất lâm nghiệp); đất rừng phòng hộ 26.132,6ha (chiếm 24,19% đất lâm nghiệp) và đất rừng sản xuất là 64.061,7ha (chiếm 59,30% đất lâm nghiệp).
Như vậy, số liệu trong báo cáo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt, cố tình “giấu” 359,6ha rừng so với thực tế. Làm vậy để dễ bề “xóa sổ”?
Và cũng theo báo cáo quy hoạch của tỉnh Cà Mau, diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch cho 3 loại rừng giai đoạn 2011 - 2020 là 105.080ha. So với hiện trạng đất và rừng năm 2010, như vậy sẽ giảm 3.304,7ha, trong đó đất rừng đặc dụng giảm 137,4ha và đất rừng sản xuất là 3.167,3ha.
Nguyên nhân mà tỉnh này muốn giảm, là chuyển mục đích sử dụng đất - chủ yếu là rừng sản xuất, sang xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương!