Những năm gần đây, dưới tác động tự nhiên và hoạt động của con người nguồn đất đai đang cạn kiệt, suy thoái. Ðặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường làm cho quỹ đất ngày càng eo hẹp, trong khi dân số gia tăng, kéo theo nhu cầu lương thực tăng, cùng với sự phát triển các khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các khu đô thị làm tăng nhu cầu sử dụng đất...

Hệ quả là số đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai bình quân hằng năm cũng tăng lên, chiếm gần 70% trong số các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ðiều đó khiến cho áp lực quản lý đất đai ngày càng cao.

Làm sao để vừa bảo đảm quỹ đất đáp ứng nhu cầu sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ bồi bổ, mở rộng quỹ đất trong tình trạng đất đai ngày càng bị thoái hóa, suy kiệt. Trong khi đó, áp lực sự khác biệt về lịch sử và phong tục tập quán sử dụng đất của các vùng, miền trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cũng khác nhau. Những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, cộng với những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành các quyết định hành chính, công tác tổ chức thi hành pháp luật, cũng như sự yếu kém trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến lĩnh vực đất đai, nạn tham nhũng đất đai, vấn đề định giá đất, bồi thường và giải quyết việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất còn bất cập...

Ðất đai là "công thổ quốc gia", chính sách pháp luật về đất đai phải góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm dân chủ và công bằng xã hội. Muốn vậy, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai, hệ thống điều tra, đánh giá tài nguyên đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các công cụ tài chính, kinh tế phù hợp để điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản.

Cần nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống cơ quan và cán bộ công chức quản lý đất đai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương theo hướng hiện đại hóa, với mô hình tổ chức tiên tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin, thực hiện tự động hóa các quy trình chuyên môn và giao dịch điện tử giúp cho việc quản lý, sử dụng và các giao dịch về đất đai một cách nhanh chóng, thuận tiện, giảm sai sót, tiêu cực. Chuyển trọng tâm của công tác quản lý đất đai từ quản lý hành chính đối với tài nguyên đất sang quản lý việc kinh doanh tài sản đất đai quốc gia, cung cấp dịch vụ hành chính, pháp lý cho người sử dụng đất và cộng đồng trong các giao dịch về đất đai. Dành quỹ đất cho phát triển kinh tế, phục vụ mục tiêu CNH, HÐH đất nước, an ninh quốc phòng, nhưng vẫn phải bảo đảm đất cho sản xuất nông nghiệp vì mục tiêu an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

Theo Diệu Linh (Báo Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.