CafeLand - Chính quyền thành phố Đà Nẵng phải họp bất thường đánh giá dự án tài trợ 1.000 tỷ đồng do Cổ phần Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh (TP.HCM) cam kết triển khai trên địa bàn, và thống nhất giao doanh nghiệp tiếp tục dự án. Việc này diễn ra sau khi đại diện công ty này, ông Huỳnh Uy Dũng lên tiếng với báo chí về khả năng hủy dự án do thái độ bất nhất của chính quyền Đà Nẵng khi tiếp nhận đầu tư, dẫn đến nhiều đánh giá tiêu cực từ dư luận.

Chính quyền bất nhất?

Dự án xử lý nước thải này được ông Huỳnh Uy Dũng đưa ra tại sự kiện Tọa đàm mùa xuân 2019 do chính quyền Đà Nẵng tổ chức vừa qua.

Theo đó, ông Dũng cam kết doanh nghiệp dùng công nghệ vi sinh xử lý sạch các hồ nước thải trên địa bàn Đà Nẵng, góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan và du lịch cho địa phương. Trước mắt, ông đề nghị giao 2 hồ xử lý điều tiết ở trung tâm thành phố là Thạc Gián và Vĩnh Trung để thí điểm ứng dụng công nghệ, sau khi có kết quả mới triển khai các hồ khác. Toàn bộ dự án được tài trợ miễn phí với Đà Nẵng.

Tuy nhiên theo ông Dũng, sau khi đã thăm dò thành công hiện trạng môi sinh ở 2 hồ nước để thống nhất bàn giao, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lại đột ngột thay đổi yêu cầu, chuyển dự án doanh nghiệp sang ứng dụng ở hồ Bàu Trảng, một hồ điều tiết khác nằm cuối cống sân bay Đà Nẵng.

Hồ Bàu Trảng, địa điểm được chọn giao dự án tài trợ môi trường xử lý nhưng ông Huỳnh Uy Dũng từ chối.

Ông Dũng cho rằng việc thay đổi này nằm ngoài kế hoạch và khiến doanh nghiệp bị động, nhất là sau khi mọi chuẩn bị cho 2 hồ nước kia đã xong. Hồ Bàu Trảng chưa được thăm dò kỹ và còn nhiều vấn đề về nước thải kéo sau, nên doanh nghiệp không thể chấp thuận phiêu lưu đổi vị trí dự án. Cho nên, nếu chính quyền cố ý thay đổi như vậy, doanh nghiệp ông sẽ rút dự án tài trợ lại.

Phát biểu của ông Huỳnh Uy Dũng lập tức gây sóng dư luận khi có nhiều ý kiến trên mạng xã hội nhận định tiêu cực về thái độ của thành phố Đà Nẵng, cho rằng lãnh đạo địa phương bất nhất trong công tác phối hợp thực hiện và trải thảm mời gọi nhà đầu tư.

Cần thận trọng với mọi dự án

Trước phản ứng có phần thái quá của ông Uy Dũng, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã ra văn bản chỉ đạo các cơ quan tham mưu hỗ trợ đánh giá lại dự án và kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng địa phương. Tinh thần địa phương là tạo mọi điều kiện tốt nhất để ý tưởng doanh nghiệp được thực thi hiệu quả, thí điểm qua 2 hồ điều tiết đầu tiên và lan tỏa qua các hồ khác. Đà Nẵng đang có khoảng 80 hồ nước cần tham gia xử lý môi trường như vậy.

Lý giải của các bộ phận tham mưu với dự án này, là cho rằng 2 hồ điều tiết Thạc Gián, Vĩnh Trung đang được xử lý môi trường tích cực, không cần có giải pháp xử lý khác. Thay vào đó, tài trợ của công ty Hằng Hữu Huỳnh có thể ứng dụng qua hồ Bàu Trảng đang ô nhiễm sẽ có hiệu quả cao hơn và ý nghĩa hơn.

Dư luận cũng có những đánh giá nghi ngại về dự án xử lý nước thải đưa ra tài trợ. Theo hướng này, nếu đã có công nghệ vi sinh tiến bộ, ông Uy Dũng không có lý do gì để ngần ngại triển khai với một hồ nước khác. Thậm chí nếu thành công với hồ nước ô nhiễm nặng, chắc chắn công nghệ của doanh nghiệp sẽ càng được đánh giá cao hơn.

Câu chuyện ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt ở các hồ, sông, cửa biển và bờ biển Đà Nẵng đã được đề cập từ nhiều năm qua. Đã có quá nhiều dự án được địa phương triển khai nhằm xử lý tình trạng này, nhưng vẫn chưa giải quyết hết vấn đề. Bởi vậy, dự án tài trợ của ông Huỳnh Uy Dũng rất nhanh nhận được sự quan tâm ủng hộ của dư luận. Nhiều người đánh giá, nếu các hồ nước nội thị Đà Nẵng được xử lý sạch, ưu thế khai thác bất động sản và các dự án nhà ốc xung quanh những vị trí này sẽ càng tăng lên.

Một chuyên gia địa ốc dè dặt nhìn nhận: “Phải chăng bởi nhìn thấy lợi thế đầu tư bất động sản quanh các hồ nước trung tâm nên cả nhà đầu tư lẫn cơ quan chức năng đều có động thái lựa chọn của mình? Đơn giản 2 hồ Thạc Gián, Vĩnh Trung được xử lý sạch, cả một quần thể nhà cửa xung quanh sẽ tăng giá đất lên bao nhiêu? Còn hồ Bàu Trảng thì nằm kẹp dưới chân dự án cầu vượt Ngã ba Huế, lợi thế đầu tư không có nhiều”.

Nguyên Đức
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.