Hiện trên địa bàn TPVũng Tàu có nhiều nhà ở thương mại muốn chuyển thành nhà ở xã hội.
Chậm,gây khó cho Doanh nghiệp
Suốt nhiều tháng qua đã có không ít cuộc họp của các sở,ngành tỉnh BR-VT bàn về chủ trương mua lại nhà ở thương mại(NƠTM) của các DN, để chuyển thành nhà ở xã hội (NƠXH), nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức cho các DN.
Trao đổi với chúng tôi, phần lớn các DN bất động sản (BĐS) đều cho rằng, đến thời điểm này, thị trường vẫn chưa có tín hiệu lạc quan. 6 tháng đầu năm nay, tại BR-VT, giá BĐS có xu hướng giảm từ 5-10% so với cùng kỳ, tuy nhiên lượng giao dịch vẫn thấp. Kế hoạch kinh doanh của nhiều DN cũng phải gác lại để chờ động thái của các Sở ngành của tỉnh trong việc triển khai Nghị quyết 02.
Để thực hiện tháo gỡ khó khăn cho DN BĐS, những tháng đầu năm nay, tại các địa phương như: TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu, huyện Tân Thành và các DN đã đề xuất mua lại một số dự án NƠTM để làm quỹ NƠXH và tái định cư (TĐC).
Đây có thể coi là một cách làm linh hoạt và phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm giải phóng hàng tồn kho là nhà ở. Nhưng thực tế việc mua lại các dự án NƠTM vẫn chưa thể diễn ra nhanh như mong đợi của DN.
Bà Nguyễn Nam Phương, Tổng giám đốc Công ty Lan Anh cho rằng: Nghị quyết 02 của Chính phủ về cơ bản đã điểm khá trúng những ách tắc hiện nay trên thị trường BĐS, dù rằng chưa đủ liều để giải quyết khó khăn cho DN hiện tại. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là việc đưa chính sách vào thực tế. Thời gian qua theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi các DN về việc mua lại NƠTM để bố trí làm NƠXH và TĐC. Vấn đề này DN cũng có văn bản đề xuất Nhà nước mua lại dự án Lan Anh 4, Lan Anh 2, Lan Anh 5. Cả 3 dự án này đã xong phần hạ tầng và căn hộ nhà thu nhập thấp, đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, tài sản chứng nhận quyền sử dụng đất đã tách thửa từng lô, từng sổ. Dự án của Công ty Lan Anh đã sẵn sàng, chỉ mong UBND tỉnh sớm có quyết định mua lại thì sẽ bàn giao ngay các căn hộ và đất nền để nhà nước làm quỹ NƠXH và TĐC. “Nghị quyết 02 tháo gỡ khó khăn cho DN, DN trông đợi vào việc nhà nước tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhưng vấn đề là việc áp dụng phải càng nhanh càng tốt, nếu để quá chậm trễ thì vừa hạn chế tác dụng giải cứu vừa làm suy giảm lòng tin của DN. Nếu cứ kéo dài thời gian như từ đầu năm đến nay thì DN sẽ rơi vào tình trạng phá sản, đến lúc đó không phải chỉ mình DN lao đao mà chính nhà nước và cả những người dân lao động, các tổ chức tín dụng cũng sẽ rơi vào tình thế khó khăn”, bà Lan Anh nói .
Theo ông Trịnh Hàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (UDEC), việc áp dụng Nghị quyết 02 vào thực tế là quá chậm. Nếu các nội dung của Nghị quyết 02 được thực hiện ngay trong quý I, thị trường BĐS chắc chắn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực ngay trong năm 2013. Thế nhưng, hiện đã sắp hết quý II, nhưng các giải pháp có thể tác động ngay đến thị trường và giúp DN vượt qua khó khăn vẫn chưa có động thái sẽ sớm được triển khai.
Ông Hàng bức xúc: “Nếu chúng ta thức hiện nghị quyết 02 Chính phủ tốt tạo điều kiện môi trường đầu tư tốt, còn nếu triển khai chậm thì sẽ tạo ra ảnh hưởng rất lớn, từ các nhà đầu tư nhìn vào cũng sẽ e ngại khi đầu tư vào BR-VT và đây cũng chính là một trong những tiêu chí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nói tóm lại, nếu triển khai nghị quyết 02 chậm chừng nào sẽ mang bất lợi chừng đó. Chính phủ đã mở đường thì chúng ta cứ thế thực hiện nếu như cơ quan quản lý không thực hiện là không hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Lê thiện, Giám đốc kinh doanh Cty Địa ốc Khang Linh thì tâm tư: “Chủ trương mua lại các dự án NƠTMtừ phía DN,một mặt giải quyết được nhu cầu TĐC làm NƠXH tại các địa phương. Mặt khác còn giúp DN vượt qua khó khăn. Vì vậy, thủ tục càng nhanh bao nhiêu thì càng có ý nghĩa hỗ trợ DN bấy nhiêu. DN cần là cần sự hỗ trợ ngay lúc này đây, chứ nếu thời gian thực hiện thủ tục, trình tự mua lại các dự án NƠTM kéo dài quá lâu thì vấn đề giải cứu DN sẽ khó phát huy tác dụng và mất đi ý nghĩa hỗ trợ DN”.
Cơ quan quản lý “đủng đỉnh”
Theo các DN, thực chất của việc mua lại nhà ở thương mại là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể là tại Điểm I,Khoản 1,Mục I,Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ quy định “các địa phương có tồn kho sản phẩm BĐSlớn hạn chế tối đa sử dụng nguồn ngân sách để đầu tư, xây dựng mới nhà ở TĐC mà dùng nguồn vốn này và các nguồn tài chính hợp pháp khác để mua lại các dự án NƠTMphục vụ nhu cầu TĐC, làm NƠXH để cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách: Người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động. Bộ Tài chính tính toán, báo cáo Chính phủ hỗ trợ ứng trước một phần ngân sách cho địa phương giải quyết nhu cầu này”.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh BR-VT hướng dẫn việc dùng vốn ngân sách để mua lại các dự án nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu TĐC, NƠXH. Theo Bộ Xây dựng, trên cơ sở rà soát các dự án nhà ở thương mại đang triển khai và nhu cầu nhà ở TĐC, NƠXH trên địa bàn, Sở Xây dựng xem xét và đề xuất UBND tỉnh sử dụng nguồn vốn ngân sách để mua lại các dự án NƠTM. Cũng theo Bộ Xây dựng, việc xác định giá mua tài sản (bao gồm cả BĐS) từ nguồn ngân sách địa phương do Sở Tài chính địa phương chủ trì thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, để triển khai nhanh việc xác định giá, Sở Xây dựng thuê Công ty thẩm định giá (trong danh sách của Bộ Tài chính) để thẩm định, trước khi Sở Tài chính lập hội đồng thẩm định.
Rõ ràng, việc dùng nguồn vốn ngân sách tỉnh để mua lại các dự án NƠTM trên địa bàn tỉnh để chuyển đổi thành quỹ nhà TĐC, NƠXH là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Vì vậy theo ông Đoàn Hữu Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhàBR-VT, để các DN hưởng được sự hỗ trợ của Chính phủ, điều quan trọng nhất là đẩy nhanh việc thực hiện trình tự, thủ tục mua nhà ở thương mại từ phía các DN kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh. Nếu kéo dài quá lâu thì DN có khả năng mất đi cơ hội được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc giải phóng hàng tồn kho, kích cầu thị trường, tránh được sự lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Mặc dù việc gỡ khó cho DNBĐS hiện đã rất muộn, nhưng các DN vẫn đang chờ đợi các nội dung trong Nghị quyết 02 được thực thi. Sự mong ngóng này đang dần trở thành áp lực cho DN khi các Sở ngành tại BR-VT cứ "đủng đỉnh" như hiện nay.“Chủ trương nhà nước tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách chuyển một số dự án NƠTM sang NƠXH. Đây là một chủ trương đúng, phù hợp với sự phát triển hiện tại của một số địa phương cũng như mong muốn của DN. Tuy nhiên, đến thời điểm này DN vẫn đang chờ và tỉnh cũng tích cực triển khai nhưng vẫn chưa có biện pháp cụ thể. DN mong rằng lãnh đạo địa phương đẩy nhanh việc triển khai để DN sớm thụ hưởng chính sách và có điều kiện để tiếp tục phát triển kinh doanh sản xuất”, ông Thuận nói thêm.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong rất nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS, hiện cơ quan quản lý mới chỉ thực hiện giải pháp cho DN chuyển đổi dự án NƠTM sang NƠXH. Giải pháp này, sẽ không có nhiều tác động tới thị trường trong năm 2013. Ngay cả giải pháp hỗ trợ nhà thương mại giá rẻ, cũng không tác động nhiều tới thị trường. Bởi có rất ít dự án thương mại hiện nay đáp ứng đủ các tiêu chí để nhận được hỗ trợ như Nghị quyết 02 của Chính phủ. Do vậy, phần lớn DN BĐS vẫn tiếp tục khó khăn. Để gỡ khó cho thị trường và DN, Nhà nước cần sớm giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN, giảm lãi vay…
Tỉnh BR-VT hiện có khoảng trên 8.900 trường hợp chưa có nhà ở thuộc diện được xét thuê, thuê mua nhà ở xã hội, tập trung nhiều nhất làTP Vũng Tàu, chiếm 29,6%, kế đến là TP Bà Rịa, huyện Tân Thành, Long Điền và huyện Đất Đỏ. Với nhu cầu cấp bách về nhà ở, nhưng đề án “Phát triển quỹ nhà ở xã hội tỉnh BR-VT” được triển khai từ năm 2009 đến thời điểm hiện tại chỉ mới vẻn vẹn có một dự án nhà ở xã hội Khu Gò cát hoàn thành với 257 căn hộ và dự án nhà ở xã hội Chí Linh TP Vũng Tàu đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự án này cũng chỉ giải quyết được 451 căn hộ.