Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long tính toán, một dự án 6ha ở quận 7 thì tiền sử dụng đất khoảng 200 tỷ đồng, số tiền quá lớn để các DN có thể đầu tư. Theo ông Quang, chỉ những DN đã đóng tiền sử dụng đất trước kia thì mới có thể triển khai xây dựng chứ DN chưa đóng tiền thì "chịu thua".
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cũng bức xúc dẫn chứng, công ty ông có 2ha đất ở quận Bình Tân, mức đền bù là 5 triệu đồng/m2, tổng số tiền đền bù là 100 tỷ đồng. Do phải đóng tiền thuế sử dụng đất bằng 100% giá thị trường nên khi làm thủ tục khấu trừ tiền đền bù ông chỉ được khấu trừ 380.000 đồng/m2, tổng giá trị khấu trừ 7,6 tỷ đồng. Gần đây, Nhà nước cho bồi thường 50% chi phí đất ở liền kề là 2,5 triệu đồng/m2 nhưng chỉ áp dụng cho 1.000m2 đầu tiên (là 2,5 tỷ đồng). Như vậy, tổng giá trị khấu trừ được hơn 10 tỷ đồng, trong khi thực tế tiền đền bù là 100 tỷ đồng. "Điều vô lý là tiền khấu trừ cho DN thì theo khung giá đất nhà nước, còn tiền thu thuế sử dụng đất lại tính theo giá thị trường. Bây giờ, tôi bán hết mảnh đất này đi cũng chưa đủ tiền để đóng tiền sử dụng đất" - ông Nghĩa nói.
Theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính thành phố, cách tính tiền sử dụng đất là do quy chế của Trung ương, nên thành phố chỉ được phép kiến nghị để Trung ương xem xét. Trước đây, DN phải bỏ tiền ra đền bù dẫn đến lúc tính tiền sử dụng đất không được khấu trừ theo giá thị trường. Trên thực tế, cũng có phần do DN bồi thường giá đất nông nghiệp cao hơn rất nhiều so với giá đất theo bảng giá nhà nước nên dẫn tới chênh lệch. Cũng theo bà Lan, nếu dự án nào đã tính tiền sử dụng đất đã tính trước đây với mức giá cao mà DN do khó khăn nên không thể đóng được thì có thể làm đơn gửi Bộ Tài chính để xem xét tính lại theo giá của thời điểm hiện nay.
Chi phí "đội" cao vì thủ tục
Quy định phải đền bù giải tỏa 100% mới giao đất cũng là vấn đề theo DN là làm chi phí xây dựng đội lên cao, làm thị trường khó khăn hơn. Hiện lãi suất vay đang là 12-15%/năm, nếu càng chậm thì chi phí càng đội lên theo lãi vay. Ông Nguyễn Xuân Quang đề nghị nên giao đất khi đền bù được 80%, hoặc giao đất dự án theo phân kỳ đầu tư. Theo các DN, đây là thẩm quyền của thành phố, và thành phố nên mở ra để DN được giảm chi phí đầu tư dẫn đến giảm giá thành.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai kể, công ty có một dự án 90ha ở Phước Kiểng (huyện Nhà Bè) không thể triển khai vì vướng 18% diện tích không thể đền bù, kéo dài hơn 8 năm chưa xong. Chưa kể những vướng mắc khác như công ty xin bắc một cái cầu trong phạm vi dự án, Sở GTVT đã cấp giấy phép trong thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, muốn làm thì phải có quyết định giao đất. Nhưng công ty mới chỉ đền bù được 82% thì không được giao đất nên đành "bó tay", trong khi tiền cứ theo lãi vay ra đi!
Bên cạnh các vướng mắc trong quy định, các DN cũng "kêu" về thái độ làm việc của các ban, ngành liên quan. Phổ biến nhất là tình trạng "ngâm" hồ sơ. Một dự án phải chuẩn bị thủ tục pháp lý giấy tờ 3-5 năm, trong khi DN đa số là tiền vay, tiền lãi đội vào giá thành khiến giá nhà đất cao.
Trước kiến nghị của DN, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT thành phố cho biết về kiến nghị giao đất, Sở sẽ xem xét những trường hợp đã đền bù 80% và hoàn thiện hạ tầng kết nối vào hạ tầng chung của khu vực. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cũng nói, theo quy định thời gian hoàn thành hồ sơ để cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp là 464 ngày (tương đương 21 tháng, nhiều nhất 27 tháng) nếu DN đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Nếu DN không sai sót mà hồ sơ bị "ngâm" thì cứ làm việc trực tiếp với Giám đốc Sở để giải quyết các vướng mắc.