Khái niệm "đô thị xanh” bao gồm rất nhiều yếu tố tạo thành, yếu tố nổi bật là một môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho người dân đô thị. Đây là điều các đô thị của Việt Nam và thế giới hướng tới, để thực hiện điều đó một trong những tiêu chí cơ bản về hạ tầng đô thị phải xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường.

Đô thị xanh - tạo nên sự phát triển bển vững

Xe buýt chạy bằng khí gas CNG thân thiện môi trường đang hoạt động thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh

Công trình xanh - Cần có chế tài cụ thể


Xu hướng tất yếu trong xây dựng hiện nay là xây dựng các tòa nhà thông minh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường. Chi phí xây dựng các công trình này sẽ tăng từ 10-30% so với các công trình thông thường nhưng sẽ tiết kiệm khoảng trên 20% chi phí năng lượng. Về mặt quản lý nhà nước, ngoài Quy chuẩn xây dựng các công trình sử dụng năng lượng có hiệu quả - Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn, hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng hiệu quả cho các công trình nhà ở cao tầng, nhà văn phòng. Tuy nhiên theo đánh giá của ông Trần Đình Thái - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ - BXD thì còn nhiều hạn chế do chưa có những hướng dẫn đồng bộ cũng như những chế tài cụ thể đối với việc tiết kiệm năng lượng trong những công trình xây dựng. Tại TP.Hồ Chí Minh mỗi năm xây dựng mới trên 3,5 triệu mét vuông nhà và theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng từ các tòa nhà ở thành phố khá lớn: từ 10-40%.


Công nghệ xanh - Cần sự chuyển dịch mạnh mẽ


Theo Quyết định số 567/2010 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2015 phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế cho gạch đất nung tỷ lệ từ 20-25%, năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ này lên 30-40% và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Để khuyến khích sự chuyển dịch trong sản xuất hướng tới công nghệ xanh, nhiều chính sách tài trợ, ưu đãi tín dụng từ ngân sách nhà nước đã được thể hiện trong Quyết định 130/2007/QĐ-TTg về một số cơ chế chính sách tài chính đầu tư theo cơ chế phát triển sạch. Tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP quy định danh mục hoạt động, sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường được đặc biệt ưu đãi, hỗ trợ...


Phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) xanh cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững dài hạn. Các loại VLXD không nung như gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông nhẹ, bê tông bọt xốp... có nhiều ưu điểm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chi phí xử lý khí thải, bảo vệ môi trường vì hạn chế các tác động bất lợi như mất đất nông nghiệp, hiệu ứng nhà kính, tiêu tốn nhiên liệu để nung... Sản xuất các loại VL thân thiện môi trường đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp.


Giao thông xanh - Không thể chậm trễ


Giao thông vận tải đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ xăng dầu quốc gia, là nguồn phát thải khí ô nhiễm lớn trong đô thị và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao. Theo quy hoạch đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị, TP.Hồ Chí Minh có 7 tuyến đường sắt đô thị, 2 tuyến monorail và 1 tuyến xe điện mặt đất. Giao thông tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh được phát triển theo định hướng đường sắt đô thị là xương sống cho giao thông công cộng thành phố, xe buýt là phương thức cung cấp dịch vụ tại những nơi mà đường sắt không phát triển đến. Hiện nay một số dự án thí điểm ứng dụng năng lượng sạch đang được triển khai như dự án thí điểm ứng dụng ô tô điện vận chuyển khách trong nội thành Hà Nội, dự án thí điểm tuyến xe buýt Bến Thành- Chợ Lớn chạy bằng khí gas ở TP.Hồ Chí Minh.


Về việc kiểm soát khí thải phương tiện tham gia giao thông, ông Ngô Kim Định - Vụ Môi trường - Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới trong tháng 9-2011. Theo đó, từ ngày 1-1-2017 các loại xe 2 bánh, ôtô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải là mức 3 (mô tô) và mức 4 (ô tô). Ngoài ra lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học cho xe cơ giới đang được xây dựng để trình Chính phủ và dự kiến có hiệu lực từ năm 2015. Đối với các dự án thí điểm sử dụng năng lượng sạch có kết quả tốt sẽ được tiếp tục nghiên cứu xem xét chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích nhân rộng.

Theo Bảo Hạnh (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.