Sau 6 năm triển khai xây dựng, công trình Trung tâm Đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân (KTQD) Hà Nội, ở 207 đường Giải Phóng (Hai Bà Trưng) mới lên tầng thô thứ 10/19. Hơn 100 hộ dân sinh sống tại ngõ 205 đường Giải Phóng chịu đủ nỗi khổ: tiếng ồn, bụi bặm, ứ đọng nước thải, lún nứt nhà cửa… Những phương án đền bù chưa được tiến hành đồng nghĩa với nỗi khổ của người dân chưa biết bao giờ chấm dứt.
Năm 2006, ngay sau khi công trình khởi công với hạng mục đầu tiên xây dựng tầng hầm, nhiều hộ dân liền kề đã bị ảnh hưởng và tại thời điểm đó họ nhận được những lời giải thích: "Các tổn thất do công trình xây dựng đã được mua bảo hiểm, xây dựng xong tầng hầm, các chấn động tương đối ổn định, chúng tôi sẽ tiến hành điều tra, khảo sát thiệt hại và đền bù". Đến năm 2008, khi các tầng hầm cơ bản hoàn thành, công trình bắt đầu lên phần nổi, người dân yêu cầu được giải quyết thiệt hại. Tính đến cuối tháng 9-2009, đã có 5 đợt khảo sát sự cố gây ảnh hưởng tại các nhà dân, nhưng hơn một năm sau, vẫn không thấy phương án bồi thường và khắc phục ảnh hưởng của công trình. Và hiện tại, người dân vẫn sống trong những căn nhà lún nứt, rất nguy hiểm.

Đỏ mắt chờ đền bù
Công trình xây dựng Trung tâm Đào tạo của Trường Đại học KTQD Hà Nội, nguyên nhân gây lún nứt các căn hộ liền kề.

Sau nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương và chủ đầu tư, gần chục cuộc họp đã được tổ chức tại UBND phường Đồng Tâm, song cũng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các bên liên quan sớm thực hiện đền bù và giảm thiểu ảnh hưởng. Bà Nguyễn Thị Hạnh (số nhà 20, ngõ 205 đường Giải Phóng) cho biết: Mọi người đều khuyên tôi chuyển đến chỗ khác ở để bảo đảm an toàn tính mạng, nhưng phương án đền bù còn chưa có nói gì đến hỗ trợ nơi tạm cư...

Theo Hợp đồng bảo hiểm số 370/DA06/CAR ngày 22-9-2006 ký giữa Trường Đại học KTQD Hà Nội và Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), thì đây là loại hình bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng, lắp đặt và trách nhiệm bên thứ ba, với tổng phí bảo hiểm gần 1,6 tỷ đồng. Số tiền bảo hiểm cho thiệt hại vật chất lên tới gần 600 tỷ đồng và số tiền bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba là 5 tỷ đồng (áp dụng chung cho cả tổn thất về người và tài sản đối với bên thứ ba trong một vụ tổn thất, không giới hạn số vụ trong thời gian bảo hiểm).


Trước bức xúc của người dân, Trường Đại học KTQD Hà Nội đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Bảo Việt thực hiện bồi thường. Kết quả mà Trường Đại học KTQD Hà Nội cũng như các hộ dân nhận được là lời hứa sẽ triển khai phương án đền bù vào đầu tháng 8-2010, song đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan. Nhận thấy mức độ phức tạp của vụ việc, khi liên quan đến 123 hộ dân, trong đó có 25 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Bảo Việt đã mời Công ty TNHH Giám định và Tư vấn kỹ thuật (Raco) - một đơn vị giám định độc lập điều tra diễn biến sự cố, nguyên nhân tổn thất, đánh giá phạm vi bảo hiểm, tính toán giá trị và đề xuất bồi thường cho những thiệt hại liên quan. Thế nhưng, một đơn vị tham gia giải quyết khiếu nại đền bù tại công trình Trung tâm Đào tạo Trường Đại học KTQD Hà Nội dường như chưa đủ, Bảo Việt thấy cần phải có một đơn vị có năng lực chuyên môn sâu hơn và có thẩm quyền pháp lý tiến hành khảo sát và xác định mức độ thiệt hại đối với tài sản của bên thứ ba. Và Công ty cổ phần Phong Nha đã được Bảo Việt mời tham gia thực hiện và đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh công trình. Kết luận của Công ty cổ phần Phong Nha là căn cứ để các bên xem xét phạm vi trách nhiệm hợp đồng bảo hiểm và là cơ sở tính toán giải quyết bồi thường các chi phí đền bù phải trả cho các hộ dân.


Ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam khẳng định: Công tác khảo sát chi tiết các hộ dân đã cơ bản hoàn tất. Bảo Việt đang phối hợp với Trường Đại học KTQD Hà Nội và các bên liên quan tính toán giá trị khắc phục cho từng hộ dân làm cơ sở để nhà trường thương thảo, thống nhất mức đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, Bảo Việt sẽ căn cứ vào các điều khoản hợp đồng bảo hiểm, kết luận của đơn vị kiểm định kết cấu và đơn vị giám định độc lập, đề xuất phương án bồi thường các tổn thất tài chính của trường trong vụ việc này. Ông Nguyễn Quang Phi nhấn mạnh: "Tiến độ giải quyết phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác, thiện chí của các hộ dân cũng như quá trình đàm phán giữa chủ đầu tư và bên thứ ba". Vậy mà, quá trình đề xuất, chỉ định thêm các đơn vị tham gia vào việc này chỉ có trao đổi giữa hai bên mua, bán bảo hiểm, người dân không được lấy ý kiến hay lựa chọn đơn vị bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình (?). Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm cho rằng, cách làm của Bảo Việt là thiếu chuyên nghiệp, mỗi lần họp cử một cán bộ đến dự, khiến công việc không xâu chuỗi, nhất quán. Có buổi họp phải hủy bỏ vì đại diện lãnh đạo Bảo Việt không tham dự.

Suốt mấy năm trời mòn mỏi chờ đợi, người dân phường Đồng Tâm nghi ngại về việc phát sinh tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa hai bên mua và bán, khiến quyền lợi của bên thứ ba chưa được bảo đảm. Điều quan trọng nhất với người dân hiện nay là được đền bù thỏa đáng, nhanh chóng thoát khỏi những căn nhà nguy hiểm và sớm ổn định cuộc sống.

Theo Thùy Ngân (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.