Khái niệm đô thị hóa (ĐTH) được hiểu là quá trình chuyển biến về kinh tế - văn hóa xã hội gắn liền với tiến bộ khoa học kỹ thuật được diễn ra với sự chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển các hoạt động về văn hóa, nghề nghiệp, chuyển đổi lối sống, mở rộng không gian và hệ thống kết cấu hạ tầng song hành cùng với bộ máy quản lý.
Trên thế giới, ĐTH đã diễn ra từ thời cổ đại, Việt Nam với vị trí địa lý đặc thù, là nơi giao thoa của các nền văn minh - văn hóa lớn của thế giới đã là quốc gia đô thị hóa lớn ngay từ thời cổ đại. Trải qua thời gian Bắc thuộc, phong kiến tự chủ, Pháp thuộc và từ sau Cách mạng tháng 8 đến nay, Việt Nam phát triển và chịu tác động của nhiều nền văn hóa nhưng đô thị Việt Nam vẫn tạo lập và giữ được bản sắc.
Bản sắc của văn hóa nói chung, của kiến trúc nói riêng đã được nhiều nghiên cứu đề cập đến. Tuy nhiên, bản sắc đô thị nói chung hay của kiến trúc đô thị đặt ra trong bối cảnh hiện nay vẫn còn là những vấn đề cần trao đổi. Đó là tốc độ ĐTH, sự gia tăng các đô thị lớn đã chuyển dịch từ phương Tây sang phương Đông và xu thế phát triển bền vững đã trở thành vấn đề toàn cầu hóa, là thách thức không chỉ với các đô thị đã hình thành mà với cả các đô thị sẽ hình thành. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta càng cần phải thấy rõ những đặc thù riêng của quá trình ĐTH ở Việt Nam, trước hết là từ bản sắc đô thị.
Từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 10/1998/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Việt Nam đến năm 2020. Mạng lưới đô thị quốc gia đã nhanh chóng được mở rộng, phát triển. Bên cạnh những kết quả đạt được cả về số lượng và chất lượng cũng bộc lộ những tồn tại rõ nét là đô thị chưa có bản sắc, bộ mặt kiến trúc đô thị, cảnh quan còn lộn xộn. Nhiều yếu tố mới trong hội nhập, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững chưa được quan tâm thỏa đáng. Để giải quyết những tồn tại, đồng thời thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh định hướng phát triển tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2050 (Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009) với các chỉ tiêu: Dân số đô thị đến năm 2025 khoảng 25 triệu người chiếm 50% dân số cả nước và số đô thị cả nước khoảng 1.000 đô thị với diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 450.000ha, chiếm 1,4% diện tích đất tự nhiên cả nước.
Để thực hiện các chỉ tiêu này, rất cần nhìn lại tốc độ ĐTH thời gian qua. Năm 1999 cả nước có 629 đô thị với tỷ lệ ĐTH toàn quốc là 20,7%. Năm 2009, có 754 đô thị với tỷ lệ ĐTH khoảng 30%. Giai đoạn này có tốc độ tăng dân số đô thị bình quân là 3,4%. Đến năm 2014, cả nước đã có hơn 770 đô thị, với tỷ lệ ĐTH là gần 34%.
Trong giai đoạn 5 năm (2009 - 2014) bên cạnh tăng trưởng về số lượng, điều rất cần chú ý là chất lượng đô thị đã có chuyển biến, có tới 59 đô thị được công nhận, nâng loại đô thị. Hướng phát triển mạng lưới đô thị được gắn kết với 6 vùng kinh tế - xã hội quốc gia.
Các đô thị có chức năng trung tâm cấp quốc gia và vùng đô thị được chú trọng phát triển về chất lượng và giữ gìn bản sắc như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long…
Song, các đô thị cấp huyện, cụm khu dân cư nông thôn lại là nơi chứa đậm bản sắc của lối sống Việt Nam, của đặc thù về điều kiện tự nhiên thì còn ít được nhận diện bản sắc để có giải pháp gìn giữ thích hợp. Đã đến lúc cần xem xét lại phân loại đô thị không chỉ theo các tiêu chí chung của cả nước mà cần xem xét tính đặc thù của các đô thị theo vùng, miền như: Ven biển khác miền núi, khác đồng bằng. Đô thị chức năng du lịch, kinh tế đặc thù khác chức năng trung tâm hành chính. Trong giai đoạn tới, đây là yêu cầu cần thiết để tạo điều kiện đô thị hóa nhanh mà vẫn giữ gìn được bản sắc.