04/09/2020 3:37 PM
CafeLand - UBND Thành phố vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đẩy nhanh tiến độ lập Nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồ án quy hoạch chung TP.HCM qua các năm

Trong quá trình lập quy hoạch, cần nghiên cứu nội dung quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố (Thành phố Thủ Đức tương lai) gắn với quy hoạch chung xây dựng Thành phố cũng như quy hoạch vùng, tránh trùng lắp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng, dễ làm phân tán nguồn lực.

Việc quy hoạch Thành phố Thủ Đức tương lai cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, hiện đại, có khả năng tương tác cao, đáng sống, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và chú ý tới yếu tố dịch tễ, không để phát sinh lây lan dịch bệnh nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay; làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của Thành phố Thủ Đức tương lai, so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực Châu Á và một số thành phố phát triển trên thế giới.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao dựa vào định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố để xác định tiêu chí nhà đầu tư; tham mưu UBND Thành phố xây dựng chương trình, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để tìm hiểu các nhu cầu đầu tư cũng như giới thiệu, cung cấp thông tin để thu hút, kêu gọi và lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới.

Đồng thời làm rõ hình thức huy động vốn nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho Thành phố Thủ Đức, nguồn lực theo hình thức xã hội hóa, trong đó cần lưu ý đến việc áp dụng hình thức đầu tư phù hợp, trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện đã dừng hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT); tổng hợp số lượng nhà đầu tư, tổng số vốn đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trên địa bàn các quận 2, 9, Thủ Đức, số lượng đã đăng ký đầu tư nhưng tạm ngưng, tạm nghỉ và sẽ hoạt động trong thời gian tới.

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng giao Sở Xây dựng tham mưu việc lập Chương trình phát triển đô thị TP.HCM và Chương trình phát triển từng đô thị song song với công tác lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM.

Lập Thành phố Thủ Đức

Giữa tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý thực hiện chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sắp xếp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2021.

Việc thành lập Thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

Trong quá trình xây dựng đề án, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý TP.HCM nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng Thành phố Thủ Đức (có thể thực hiện qua hình thức họp trực tuyến). Việc này nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng... để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của thành phố.

Để thu hút đầu tư vào Thành phố Thủ Đức, TP.HCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, trong việc so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực Châu Á. Để làm được điều này, TP.HCM cần làm việc với các Bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới.

Quy hoạch Thành phố Thủ Đức cần được gắn trong quy hoạch chung của TP.HCM cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển giữa các vùng, các khu vực và tránh tạo ra cạnh tranh nội vùng không cần thiết, dễ làm phân tán nguồn lực.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng giao TP.HCM làm rõ hình thức huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho thành phố Thủ Đức. Trong đó, nếu có các nguồn lực theo hình thức xã hội hóa thì cần lưu ý đến việc áp dụng hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật, trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện đã dừng hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT).

Bên cạnh các yếu tố kinh tế, tài chính, Thành phố Thủ Đức cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, đáng sống và yếu tố liên quan tới dịch tễ không để phát sinh lây lan dịch bệnh cần phải được tính toán trước, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

3 đồ án quy hoạch chung TP.HCM

Từ năm 1993 đến nay đã có 3 đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM được lập và phê duyệt:

“Quy hoạch tổng thể xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010” (gọi tắt là Quy hoạch 1993), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20-TTg ngày 16 tháng 01 năm 1993.

“Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” (gọi tắt là Quy hoạch 1998) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998.

“Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025” (gọi tắt là Quy hoạch 2010) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010.

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.