Năm 2012, người dân TPHCM vô cùng phấn khởi khi có hàng loạt công trình lớn hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả và nhiều dự án vốn lớn, có tính chất quan trọng được khởi công.

Nhiều dự án về đích

Ngày 10-7-2012, cầu Rạch Chiếc với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng được khánh thành đưa vào sử dụng. Nằm trên tuyến đường cửa ngõ xa lộ Hà Nội, cầu có tổng chiều dài 736m, rộng 48m với quy mô 10 làn xe, được thiết kế với tuổi thọ 100 năm.

Cầu Rạch Chiếc mới sẽ góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc, hạn chế tai nạn tại khu vực, cùng với nút ngã ba Cát Lái và tuyến xa lộ Hà Nội tạo nên trục mỹ quan thông thoáng tại cửa ngõ Đông Bắc TPHCM. Đây cũng là nút giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ra vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.

Giữa tháng 8-2012, dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 và xây dựng cải tạo đường Hoàng Sa và Trường Sa đã hoàn thành. Công trình cải tạo xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có 33 gói thầu, cải tạo dòng kênh qua 7 quận gồm quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp. Đây là một trong những dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn với những khu nhà ổ chuột lấn chiếm 2 bên bờ kênh.

Cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Hàng Xanh sẽ về đích trong năm nay. Ảnh: M. TUẤN

Việc xây dựng lấn chiếm, xả thải sinh hoạt, bức tử dòng kênh trong một thời gian dài đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác cải tạo lúc đó.

Dưới sự hưởng ứng chấp hành tốt của người dân và quyết tâm chính trị lớn của chính quyền TP, sau 20 năm dự án đã giải tỏa và tái định cư cho 7.000 hộ dân, nạo vét 260.000m3 bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh.

Dự án hoàn thành đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, từng bước nâng cao điều kiện, môi trường sống cho người dân. Dự án vệ sinh môi trường TPHCM được đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, TP còn đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa. Ngân hàng Thế giới (WB) đang hỗ trợ TP tiếp cận các nguồn tài trợ để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trên phạm vi lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2, dự án nâng cấp đô thị TPHCM và dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm.

Ngày 10-7-2012, cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức khởi công trên hướng lưu thông của xa lộ Hà Nội, có chiều dài 570m, mặt cắt ngang 16m có 4 làn xe; tổng số vốn của dự án 277 tỷ đồng. Ngày 16-10-2012, cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Hàng Xanh chạy trên trục đường Điện Biên Phủ tiếp tục được khởi công. Công trình dài 390m, mặt cắt ngang rộng 16m, có 4 làn xe; tổng số vốn đầu tư 183 tỷ đồng…

Đây là 2 công trình giao thông có vai trò hết sức quan trọng, góp phần giảm ùn tắc trên xa lộ cửa ngõ Đông Bắc TPHCM. UBND TP vừa yêu cầu Sở GT-VT chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức và ngã tư Hàng Xanh trước Tết Nguyên đán 2013.

Dự án “khủng” chuyển động

Bên cạnh các công trình hoàn thành nêu trên, TP còn khởi công xây dựng nhiều công trình hạ tầng vốn lớn, có vai trò quan trọng. Đơn cử, cầu Sài Gòn 2 (quận Bình Thạnh và quận 2) sau nhiều năm chuẩn bị đã được TP khởi công vào tháng 4-2012. CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) là chủ đầu tư dự án. Cầu Sài Gòn 2 có tổng chiều dài 987m (chưa kể đường dẫn), mặt cầu rộng 23,5m cho 6 làn xe lưu thông và vị trí xây dựng cầu nằm bên cạnh cầu Sài Gòn hiện hữu.

Dự án có tổng vốn đầu tư 1.485 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 21 tháng thi công. Cầu Sài Gòn hiện nay đã quá tải, vì vậy công trình xây dựng cầu Sài Gòn 2 sẽ góp phần giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, giải tỏa ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP.

Ngày 28-8-2012, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức được khởi công, với tổng vốn đầu tư lên đến 2,4 tỷ USD. Theo thiết kế, tuyến metro số 1 dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).

Trong đó, khoảng 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Dự kiến metro số 1 sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2018. TP kỳ vọng metro sẽ góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông do quá tải phương tiện cá nhân hiện nay. Việc triển khai dự án tuyến metro số 1 còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị dọc tuyến như quận 2, 9, Thủ Đức (TPHCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương).

Cuối tháng 11-2012 vừa qua, TPHCM đã khởi công giai đoạn 2 dự án nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp. Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp cho biết, toàn tuyến luồng tàu biển trên sông Soài Rạp được nạo vét dài 54km với độ rộng từ 120-160m, độ sâu 11,5m. Khi hoàn thành, hệ thống cảng biển TPHCM hoàn toàn có thể đón tàu 50.000 tấn đầy tải và tàu 70.000 tấn giảm tải ra vào.

Trước mắt, đơn vị thi công sẽ nạo vét xuống độ sâu 9m so với độ sâu 11,5m, thời gian thi công mất khoảng 14 tháng. Tổng kinh phí cho đợt nạo vét này khoảng 76 triệu EUR, đây là vốn vay ưu đãi của Chính phủ Bỉ.

Theo Minh Tuấn (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.