Ngày 23-4-2020, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 479/TTg-CN về việc bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đây là cú hích để Ninh Thuận sớm đạt được hai mục tiêu đề ra. Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná vừa là điểm nhấn để phát triển khu kinh tế phía nam của tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực cho Ninh Thuận sớm trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia.

Một góc khu vực nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án điện khí LNG tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Chủ trương chiến lược về năng lược quốc gia

Nội dung tóm lược Công văn số 479/TTg-CN của Chính phủ gửi Bộ Công thương, UBND tỉnh Ninh Thuận (chỉ nêu nội dung liên quan đến Ninh Thuận), căn cứ kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 29-1-2019 về tình hình cung ứng điện, thực hiện đầu tư xây dựng và giải pháp phát triển nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh; căn cứ Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023; căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2-12-2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau: Đồng ý đề nghị của Bộ Công thương tại văn bản số 2380/BCT-ĐL ngày 1-4-2020 về việc bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, cụ thể: Bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất khoảng 1.500 MW vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tiến độ vận hành năm 2025 - 2026; các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8).

Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn các nội dung về kho cảng LNG, tổng mặt bằng, phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đối với các trung tâm điện lực bổ sung quy hoạch nêu trên; hướng dẫn các nội dung về giá điện theo quy định trong tổng thể các nguồn điện sử dụng LNG sẽ phát triển trong giai đoạn tới để phát triển đồng bộ các trung tâm điện lực, đáp ứng các yêu cầu về tính minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả chung hệ thống điện quốc gia.

UBND tỉnh Ninh Thuận chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện khí LNG thuộc các Trung tâm Điện lực LNG tại địa phương nêu trên, bảo đảm các yêu cầu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước. Trong quá trình triển khai chuẩn bị đầu tư, các bên liên quan có trách nhiệm làm rõ các ý kiến của Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan được nêu tại các văn bản nêu trên của Bộ Công thương.

Điểm nhấn để phát triển khu kinh tế phía nam ở Ninh Thuận -0

Bảng công bố quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu tổ hợp điện khí LNG tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Tập trung điều kiện để thực hiện mục tiêu

Ngày 29-5-2020, Tỉnh ủy Ninh Thuận có Công văn số 5140 về việc điều chỉnh, thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân 4.600 MW bằng nguồn điện khí LNG trong quy hoạch điện lực 7 điều chỉnh, gửi Ban cán sự Đảng Chính phủ, báo cáo về việc phát huy tính đồng bộ, hiệu quả và rút ngắn thời gian đầu tư Trung tâm điện khí LNG Cà Ná bảo đảm đạt công suất 6.000MW và kết hợp với đầu tư cảng LNG Cà Ná, kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh được điều chỉnh, thay thế phần quy mô công suất 4.600 MW từ nguồn dự án điện hạt nhân trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (đã dừng thực hiện theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 26-11-2016 của Quốc hội) bằng phát triển nguồn điện khí LNG tại Trung tâm điện khí LNG Cà Ná, để bảo đảm hiệu quả đầu tư cho dự án Trung tâm điện khí LNG Cà Ná và góp phần thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 31/2016/QH14, ngày 22-11-2016 của Quốc hội; Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 31-8-2018 của Chính phủ.

Việc phát triển điện khí LNG Cà Ná sẽ là động lực quan trọng và quyết định cho yêu cầu thay thế kịch bản tăng trưởng kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Thuận sau khi có chủ trương dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần khai thác hiệu quả lợi thế cảng biển nước sâu Cà Ná, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và an toàn hệ thống điện, ổn định, cân bằng nguồn điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời, thay thế nguồn điện hạt nhân đã dừng triển khai, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh cho biết, ngày 14-10-2020, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 299 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) khu vực tổ hợp điện khí LNG. Tiếp đó, ngày 8-12-2020, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 2162 về việc phê duyệt danh mục dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Mục tiêu đầu tư dự án là kinh doanh phát điện.

Dự án sẽ góp phần bảo đảm cung cấp điện cho khu vực miền nam trong bối cảnh các nguồn điện chậm tiến độ và một số dự án dừng triển khai như Nhà máy điện hạt nhân. Tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất do truyền tải xa, nâng cao chất lượng điện năng; góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngành điện trong đầu tư phát triển nguồn điện. Đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính. Thúc đẩy các ngành công nghiệp, vận tải và dịch vụ, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho địa phương.

Dự án thông qua việc thu hút đầu tư với tổng vốn khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng một nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW. Xây dựng cảng nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng LNG thông qua cảng là 4,8 triệu tấn/năm, bao gồm: hai cảng lỏng; giai đoạn 1 xây dựng một bến; đê chắn sóng phía đông; các công trình hạ tầng, phụ trợ phục vụ toàn bộ khu cảng nhập LNG. Kho chứa LNG có công suất 4x1,2 triệu tấn/năm; quy mô bốn bồn chứa (180 nghìn m3/bồn). Giai đoạn 1, đầu tư toàn bộ hạ tầng kho chứa LNG và xây dựng, lắp đặt trước một bồn phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500 MW. Kho tái hóa khí bao gồm bốn trạm tái hóa khí, công suất 4x1,2 triệu tấn/năm. Giai đoạn 1, đầu tư toàn bộ hạ tầng khu tái hóa khí và xây dựng, lắp đặt trước một trạm tái hóa khí phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500 MW. Hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1, công suất 1,2 triệu tấn/năm.

Đối với hệ thống truyền tải điện, xây dựng sân phân phối 500kV với quy mô bảo đảm truyền tải công suất toàn bộ Trung tâm điện lực LNG 6.000 MW. Giai đoạn 1, đầu tư các ngăn lộ phục vụ dự án công suất 1.500 MW. Đồng thời xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho toàn bộ Trung tâm điện lực LNG 6.000 MW, gồm: kênh lấy nước, kênh xả nước, xử lý nước thải, hệ thống cấp nước ngọt, tuyến ống nước sạch D400 khoảng 19,5 km.

Diện tích đất sử dụng cho dự án một nhà máy chính, công suất 1.500 MW khoảng 20 ha. Hành lang và tuyến đường ống cấp, trạm bơm và ống thải nước làm mát (chung cho bốn nhà máy) khoảng 3,86 ha. Móng trụ đường dây 500 kV đấu nối khoảng 4,5 ha. Kho LNG và công trình tái hóa khí (chung cho bốn nhà máy): khoảng 29,5 ha. Diện tích mặt nước cho Cảng nhập LNG, hành lang và tuyến ống LNG (chung cho bốn nhà máy) khoảng 25 ha. Đê chắn sóng khoảng 12 ha. Cửa nhận nước của trạm bơm và tuyến ống thải nước làm mát (chung cho bốn nhà máy) khoảng 5,53 ha. Dự kiến, hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý 3-2021. Hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý 3-2024.

Dự án đi vào hoạt động, tạo ra nhiều việc làm cho doanh nghiệp và người dân địa phương; tác động tích cực đến lực lượng lao động trong nước có điều kiện để nâng cao kiến thức, tay nghề thông qua môi trường làm việc và trình độ quản lý tiên tiến của các nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài. Đóng góp nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương thông qua các khoản đóng góp tiền thuê đất, thuế tài nguyên nước, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp;

Với tinh thần khẩn trương và cấp bách về tiến độ triển khai dự án, tỉnh Ninh Thuận đã duyệt và công bố dự án mời gọi các nhà đầu tư quan tâm, thực hiện các bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận ban hành cả hai nhóm yêu cầu tiêu chí bắt buộc và tiêu chí đánh giá nhằm lựa chọn được nhà đầu tư thật sự có đủ năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm (đã trực tiếp đầu tư các dự án tương tự) để triển khai dự án với tiến độ nhanh nhất. Đối với yêu cầu tiêu chí bắt buộc: Nhà đầu tư đã trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án năng lượng có vốn chủ sở hữu tối thiểu chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư của từng dự án (ưu tiên tại Việt Nam) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong 10 năm (từ năm 2010 đến 2020) với tổng công suất tối thiểu 1.000 MW. Trường hợp nhà đầu tư liên danh, thành viên đứng đầu liên danh đã trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án năng lượng có vốn chủ sở hữu tối thiểu chiếm 30% trong tổng vốn đầu tư của từng dự án (ưu tiên tại Việt Nam) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong 10 năm (từ năm 2010 đến 2020) với tổng công suất tối thiểu 1.000 MW.

Đây là nhóm tiêu chí bắt buộc đặt ra với mục tiêu mong muốn nhằm chọn lựa được nhà đầu tư thực sự có đủ năng lực kinh nghiệm và đã trực tiếp triển khai các dự án tương tự để triển khai đầu tư nhanh dự án đang xét bảo đảm yêu cầu tiến độ thời gian hết sức khẩn trương và cấp bách, phải đưa dự án vào vận hành năm 2025-2026. Đối với yêu cầu tiêu chí đánh giá về năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm, yêu cầu vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải thu xếp tối thiểu chiếm 15% tổng mức đầu tư của dự án đang xét. Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh, nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh; có văn bản cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng hợp pháp theo quy định nhà nước Việt Nam.

Tạo sự đồng thuận cao

Trong những ngày cuối tháng 12-2020, đoàn công tác của tỉnh Ninh Thuận, gồm: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận; Văn phòng UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan và UBND huyện Thuận Nam gặp gỡ cán bộ và đại diện người dân xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam để công khai minh bạch và tạo sự đồng thuận cao về công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, định canh, tạo việc làm... cho người dân trong vùng dự án khi đầu tư xây dựng Trung tâm điện lực LNG.

Về cơ bản, người dân nơi đây rất đồng thuận và mong dự án sớm được triển khai để bà con an tâm ổn định đời sống. Niềm vui lớn hơn của người dân nơi đây là niềm tin về tương lai, thế hệ con cháu có hướng phấn đấu trở thành đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, có thu nhập tăng gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ khi được tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm điện lực LNG.

Ông Nguyễn Văn Sinh ở thôn Thương Diêm 2, xã Phước Diêm cho biết: Nếu so với làm dự án điện mặt trời có công suất 1.500 MW, tỉnh phải mất quỹ đất khoảng 1.500 ha. Nay làm dự án này chỉ tốn quỹ đất khoảng hơn 20 ha, nhà nước và người dân rất có lợi. Đây là dự án rất lớn và nó sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân trong vùng dự án khá rõ, nên bà con chúng tôi rất đồng thuận. Rất mong dự án sớm triển khai và hoàn thành như mục tiêu tỉnh đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Thương 2, cho hay, đã rất nhiều năm người dân nơi đây được tuyên truyền là tỉnh đang tập trung mọi điều kiện để thúc đẩy cho huyện Thuận Nam trở thành khu kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh, bà con rất phấn khởi và trông đợi đến ngày tận mắt nhìn thấy những công trình lớn được xây dựng để diện mạo nông thôn khang trang hơn. Nhiều năm qua, có nhiều nhà ở của người dân nằm trong vùng dự án đã xuống cấp, nhưng bà con vẫn không sửa chữa vì để dành tiền để khi nào về khu tái định canh mới sẽ làm nhà to đẹp hơn. Mới đây, nghe thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Ninh Thuận phát triển trung tâm điện lực LNG, người dân rất vui. Mong sao dự án sớm được triển khai.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, Diệp Minh Xuân cho biết, với sự đồng thuận cao của người dân, Thuận Nam sẽ là trung tâm phát triển năng lượng của tỉnh và Ninh Thuận sẽ sớm là trung tâm năng lượng quốc gia. Hiện tại, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng vùng tái định canh, định cư cho người dân trong vùng dự án. Đây là cơ hội để Thuận Nam vươn lên trở thành khu kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh trong tương lai.

Nguyễn Trung (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.