17/07/2011 3:08 AM
Chi phí của các hộ dân tại các khu đô thị (KĐT) tập trung vào hai khoản tiền là gửi xe, vệ sinh. Điều mà người dân bức xúc chính là các khoản dịch vụ chủ đầu tư vẫn khai thác nhưng quản lý yếu kém, không tái đầu tư.

Vì vậy, người dân tại KĐT mong muốn được có ban quản trị theo quy định của Nhà nước, nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ.


 Dịch vụ tận thu, người dân muốn tự chủ

Tại KĐT Trung Hoà - Nhân Chính do thiếu chỗ để xe, nhiều ôtô đỗ dưới lòng đường. Ảnh: X.L - H.A

An ninh không đảm bảo, tiền vẫn phải đóng


Ở chung cư cao cấp nhưng người dân vẫn luôn lo lắng về an ninh trật tự, thiếu chỗ để xe ôtô, xe máy. Những người dân ở khu nhà CT7A, 7B, 1A, 1B KĐT Văn Quán để xe dưới sân tòa nhà chỉ một loáng đã bị vặt gương. Ngay kể cả KĐT “kiểu mẫu” Linh Đàm, những người dân ở khu thấp tầng phải khốn khổ vì tình trạng trộm cắp. Có tới 7/10 nhà ở khu thấp tầng bị trộm tấn công. Mặc dù người dân đã báo cho công an, nhưng đến nay vẫn chưa bắt được vụ trộm nào.


Tình hình an ninh đáng lo ngại, nhưng tiền dịch vụ người dân vẫn phải đóng thường xuyên cho chủ đầu tư. Với các khu nhà tái định cư giá tiền gửi xe đạp từ 15.000 - 25.000đ/chiếc/tháng, xe máy: 30.000 - 50.000đ/chiếc/tháng ngoài ra tiền vệ sinh, cầu thang và điện thắp sáng ở hành lang: 30.000 - 40.000đ/hộ/tháng thì tại các KĐT hiện đại, tùy từ bình dân đến cao cấp mà giá tiền cũng chênh lệch từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Các KĐT mới như Xa La, Văn Khê, Văn Quán, Sài Đồng... giá tiền gửi xe từ 50.000 - 80.000đ/xe máy/tháng và giá dịch vụ từ 30.000 - 50.000đ/hộ/tháng.


Bao giờ chủ đầu tư mới thực hiện đúng cam kết?


Một thực tế đang diễn ra mà hầu hết người dân sinh sống tại các KĐT đều phản ánh: Những gì mà họ nghe từ chủ đầu tư khi ký hợp đồng khác xa so với thực tế sau khi về sinh sống tại đây. Người dân vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình còn chủ đầu tư thì dường như quên mất trách nhiệm và cam kết. Tại khu nhà CT8, CT9 KĐT Định Công, chủ đầu tư cho thuê toàn bộ kiốt kinh doanh phía dưới chặn lối đi của dân. Ngoài ra thì không có vườn hoa, cây xanh như trong hợp đồng đã ký kết. Nếu như trước đây khu vui chơi giải trí duy nhất của cả khu vực là vườn hoa công viên của KĐT, nay cũng được chủ đầu tư đấu thầu rào kín cho tư nhân thu vé, nếu ai muốn vào chơi phải trả tiền.


Theo ý kiến của nhiều người dân sinh sống tại KĐT, việc đóng các khoản phí là nghĩa vụ của người dân, nhưng chủ đầu tư cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình khi thu các khoản phí đó. Từ tiền dịch vụ hoặc các loại phí, chủ đầu tư nên trích ra để tái sửa chữa, đầu tư lại đối với các công trình đã đi vào sử dụng từ 5 năm trở lên. Cách tốt nhất có lẽ mỗi tòa nhà trong KĐT nên thành lập ban quản trị theo quy định. Đây là bộ phận trung gian giữa người dân và chủ đầu tư đảm bảo lợi ích mỗi bên. Bộ phận này hoạt động dựa trên ý kiến đồng thuận của người dân sinh sống trong khu chung cư.


Một thực tế không thể phủ nhận là từ khi phê duyệt các dự án KĐT đã có nhiều kẽ hở, việc giám sát thực hiện chưa tốt. Vì vậy khi bàn giao nhà cho người dân đến sinh sống tại KĐT, mới thấy thiếu quá nhiều thứ. Cách tốt nhất để khắc phục là khi dự án bắt đầu triển khai, cơ quan chức năng nên có biện pháp giám sát chủ đầu tư thực hiện các hạng mục theo đúng với quy hoạch đã được phê duyệt; tránh tình trạng nhà thầu gấp rút thực hiện dự án thật nhanh để đút tiền vào túi, mà quên đi phần trách nhiệm của mình với những người dân sẽ sinh sống ở đây.


Tại cuộc họp HĐND TP.Hà Nội, nhiều đại biểu có ý kiến về những vấn đề tình trạng thiếu hệ thống trường học đặc biệt là các trường mầm non, việc thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng xã hội tại các khu đô thị... Đồng chí Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND TP - cho rằng: “Việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trong thời gian tới phải có dự báo dân số, quy hoạch mạng lưới trường học phải phù hợp với quy hoạch dân số”. Ngoài ra, thành phố sẽ rà soát, thẩm tra lại các dự án khu đô thị. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các chủ đầu tư phải khớp nối hạ tầng đầu tư với hạ tầng xã hội. Dự kiến trong năm 2012 sẽ có 10 khu đô thị mới.

Theo Bộ Xây dựng, không triển khai hoặc chậm triển khai là hiện tượng của một số dự án ở Hà Nội. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, mất mỹ quan đô thị và lãng phí sử dụng đất đai. Bộ Xây dựng trong thời gian tới sẽ có những văn bản quy trách nhiệm chặt chẽ với các chủ đầu tư dự án trong việc đảm bảo tiến độ dự án tránh tình trạng đô thị bị bỏ hoang, đô thị bỏ không gây thiệt hại cho người mua nhà như hiện nay.

X.L

Theo Xuân Long - Hà Anh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.