Mấy ngày qua, dư luận chưa hết xôn xao về thủ khoa khối D của ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) chỉ có 14 điểm thì chuyện chủ đầu tư đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án này lại gây bất bình...

Theo đ iều tra của PV báo Xây dựng, để GPMB cho dự án cụm công nghiệp Hoàng Đông, UBND tỉnh Hà Nam phải thu hồi đất của gần 900 hộ dân.


Ngày 14/3/2004 UBND tỉnh Hà Nam mới ký duyệt dự án số 386 cho Cty CP Hà Hoa Tiên, lúc đó UBND tỉnh đã tạm giao 97ha đất (22 ha khu dân cư và 75ha KCN) đã san lấp được khoảng 20ha.


Tuy nhiên, trong quá trình đền bù GPMB đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, một số gia đình đã phát hiện ra những “tiểu xảo” trong công tác GPMB nên đã làm đơn tố cáo lên các cấp nhưng không được giải quyết.


Đi xem

Dự án Hà Hoa Tiên đang được chuyển đổi mục đích. Ảnh báo Xây dựng


Trao đổi với gia đình anh Nguyễn Ngọc Đức - một hộ dân khiếu nại cho biết, gia đình anh lúc đó có một trang trại ấp trứng và bán con giống, có 11.628m2 ao xây tường nuôi ba ba, 100m2 nhà cấp 4, 400m2 nhà tạm, 3 lò ấp trứng (trị giá 40 triệu đồng/lò).


Thời gian sử dụng đất được thuê 15 năm nhưng mới được 9 năm (anh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng) đang trong giai đoạn thu hồi vốn thì đùng một cái có giấy mời thanh lý hợp đồng, tiền đền bù không được 1/4 giá trị đã bỏ ra.


Thấy không hợp lý nên anh có đơn đề xuất với UBND và Ban GPMB huyện Duy Tiên xem xét lại việc áp giá theo khung giá đền bù của năm 2000 là không hợp lý. Cũng chính vì những cách làm bất nhất mà dẫn đến có sự phản ứng nhất thời.


Liên quan đến những Cty của ông Đặng Lê Hoa, trong mấy năm qua đã có nhiều tranh kiện với nhiều Cty khác như vụ nhập nhèm, bùng nhùng trong việc mua bán phôi thép và nhận nợ với Cty CP Kim khí Hưng Yên, để rồi bà Nguyễn Thị Toàn bị oan ức.


Cũng trong những ngày về điều tra ở tỉnh Ninh Bình, nơi có hai Cty là Xi măng Hướng Dương và Cán thép Tam Điệp, chúng tôi được biết, không hiểu tại sao hai Cty của ông Đặng Lê Hoa được hoàn thuế một cách khó hiểu.


Vụ việc khiếu nại giữa dân và chủ đầu tư dần dần chìm vào quên lãng nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện như cam kết.


Tiếp tục điều tra, chúng tôi được biết: Mặc dù chẳng có chức năng và năng lực đầu tư vào trường đại học, nhưng không hiểu bằng cách nào mà Cty Hà Hoa Tiên lại được xây dựng Trường ĐH Hà Hoa Tiên.


Tiếp đó, mới đây, ngày 09/5/2011 UBND tỉnh Hà Nam lại ra quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư cụm công nghiệp Hoàng Đông, huyện Duy Tiên.


Theo đó, khu đất quy hoạch sau điều chỉnh thuộc xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (cụm công nghiệp Hoàng Đông trước đây) có vị trí: Phía bắc giáp Trường ĐH Hà Hoa Tiên; phía nam là hàng rào cụm công nghiệp Hoàng Đông; phía đông giáp lưu không QL1A; phía tây giáp khu đất xây dựng công trình công cộng (Trường ĐH Hà Hoa Tiên).


Khu dân cư có tổng diện tích 175.074,0m2, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T.029091 ngày 16/4/2008 bao gồm: Đất xây dựng nhà ở và đất công trình trung tâm thương mại; đất giao thông nội bộ; đất cây xanh, hồ nước; đất hạ tầng kỹ thuật. Để dự án được tiến hành đúng tiến độ, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng quản lý hồ sơ quy hoạch, hướng dẫn các đơn vị liên quan, UBND huyện Duy Tiên thực hiện quản lý quy hoạch theo đúng trình tự và quy định hiện hành.


Như vậy, phút chốc từ chỗ dự án cụm công nghiệp thành đất đô thị, bán lẻ cho người dân xây nhà. Vậy, việc này nếu làm không cẩn thận và đúng pháp luật, Nhà nước sẽ thất thoát một khoản tiền rất lớn bởi khi Cty Hà Hoa Tiên đầu tư vào đây đã có những ưu đãi quá mức như: miễn tiền thuê đất 10 năm, giảm 50% trong 10 năm tiếp theo…


Nhưng vậy, giao đất 50 năm với những ưu đãi để phục vụ cho xây dựng công nghiệp, đằng này lại được bán lẻ đất. Số tiền thu về sẽ rất lớn, và vào túi ai? Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm và thông báo cho nhân dân được biết.

Theo Người
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.