Với đường bờ biển dài hơn 3.260km, trung bình 100km2 đất liền thì có 1km bờ biển, cao gấp sáu lần mức trung bình của thế giới, 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển…

Việt Nam có lợi thế “mặt tiền biển Đông”. Lợi thế ấy đã giúp hình thành chuỗi đô thị biển với hàng chục thành phố được coi là điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch toàn cầu như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang…

Không chỉ “để ngắm”, các đô thị biển đang và có tiềm năng lớn để trở thành những trung tâm kinh tế quan trọng. Hiện Việt Nam đã có 90 cảng biển lớn nhỏ và còn tới gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, kể cả cảng trung chuyển quốc tế.

Nhưng dù lựa chọn phát triển đô thị - du lịch, đô thị - cảng biển hay cả hai, thì để chuỗi đô thị ấy phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng to lớn sẵn có, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. TS Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam có lần ví von: chúng ta không thể tiến ra biển với "hành trang" thời Mai An Tiêm.

Có lẽ ông muốn nói, chỉ có lòng quả cảm, ý chí sắt đá và một vài công cụ thô sơ thì chưa đủ. Thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện đại, các đô thị biển sẽ phát triển tự phát, lộn xộn với bãi biển hoặc bị đào bới xới lộn tan hoang để khai thác cát, titan; hoặc bị “băm nát” và quây kín trong khuôn viên của các resort biệt lập, chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ. Cũng sẽ không thể có những đô thị với các ngành kinh tế biển không thể thiếu trong thời hiện đại. Bởi vì để có cảng biển tốt và khai thác được hết công suất thì sự ưu đãi của thiên nhiên mới là điều kiện cần mà chưa đủ. Còn phải có một nền tảng cơ sở vật chất hùng hậu và công nghiệp logistic phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Kiến thiết một đô thị biển, vì thế, không chỉ cần những kiến trúc sư giỏi. Cần phải có sự chung tay góp sức của những nhà khoa học, những nhà kinh tế biển có hiểu biết sâu sắc.

Trong khi đó, trước thềm Diễn đàn thương hiệu biển (sắp diễn ra vào đầu tháng 6 này), một thông tin được PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đưa ra không khỏi khiến người ta giật mình: Đến nay, các ngành nghề về biển vẫn ít người học nhất: Ngành khoa học biển thường có chỉ số tuyển sinh rất thấp, “hiện 5-6 chuyên ngành về biển ở một số trường đang đứng trước nguy cơ phải bỏ vì 5 năm liền không tuyển đủ người học”... Làm sao để có được đội ngũ hùng mạnh các nhà khoa học biển?

Không thể không có giải pháp cho câu hỏi đau đáu này.

Cẩm Hà (Báo Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.