31/10/2016 1:22 PM
Quy định, quyết tâm di dời, nhưng năm 2016 đang dần khép lại, số bệnh viện, trường đại học thực thi việc di chuyển vẫn “dậm chân tại chỗ".
Chủ trương di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô nhằm giải tỏa áp lực hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông cho Thủ đô nhiều năm qua dường như vẫn chỉ nằm trên giấy.
Di dời vẫn chỉ trên… giấy
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 96 trường đại học, cao đẳng, chiếm 1/3 số trường và khoảng 67.000 sinh viên (SV) - tương đương 40% tổng số SV cả nước. Riêng 4 quận trung tâm có 26 trường. Trong đó, quận Đống Đa có 10 trường đại học (ĐH) và học viện (ĐH Y, Học viện Ngân hàng, ĐH Công đoàn, ĐH Thủy lợi, ĐH Luật, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Thanh thiếu niên, Học viện Phụ nữ, Học viện Ngoại giao và ĐH Ngoại thương).
Theo định hướng đến năm 2020, số lượng SV sẽ tăng lên con số gần 2 triệu. Thực trạng này đã góp phần gây nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên.
Người nhà bệnh nhân ngồi la liệt trong khuôn viên BV Bạch Mai
Không chỉ chịu áp lực từ sự quá tải của các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn mà Hà Nội còn bị áp lực quá tải từ các bệnh viện (BV) tuyến Trung ương. Trong 4 quận trung tâm, hiện có 16 cơ sở y tế, trong đó 12 cơ sở cấp trung ương, 4 cơ sở của bộ, ngành. Hệ thống này đang bị quá tải trầm trọng, nhiều cơ sở công suất hoạt động vượt trên 200%.
Một số cơ sở có mức độ lây nhiễm cao, nằm trong khu dân cư đông đúc; một số khác diện tích lại quá nhỏ theo cấp phục vụ hoặc nằm trong khu hạn chế phát triển, góp phần gây quá tải về hạ tầng, lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý.
Nhằm giảm áp lực về hạ tầng, giao thông cho khu vực trung tâm trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sẽ di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường ĐH, BV từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong vùng Thủ đô.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội yêu cầu 13 cơ sở y tế và 12 cơ sở giáo dục phải di dời. Theo quy định, quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị và được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho đơn vị bị di dời.
Đây là chủ trương đúng thể hiện tầm nhìn phát triển chiến lược lâu dài, cũng như giảm áp lực cho hạ tầng đô thị. Quy định là thế, quyết tâm là vậy, nhưng năm 2016 đang dần khép lại, số BV, trường ĐH thực thi việc di chuyển vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí một số BV, trường học vẫn tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở mới trên khuôn viên phải di dời.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 2 BV đã xây dựng xong cơ sở 2 và đưa vào hoạt động là BV K, BV Nội tiết thì các BV, trường học trên địa bàn Thủ đô đều trong trạng thái “án binh bất động”. Đơn cử như BV Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam chỉ mới xây được đến tầng 4, dự kiến năm 2018 mới được bàn giao đưa vào hoạt động.
Hay như trụ sở trường ĐH Quốc gia Hà Nội, mặc dù đã khởi công xây dựng tại Hòa Lạc từ ngày 20/12/2003, với tổng kinh phí ước tính đầu tư cho dự án là 7.320 tỷ đồng, dự kiến đến 2015 sẽ kết thúc dự án và chuyển 100% các đơn vị đào tạo lên cơ sở mới. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn còn dang dở.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa chia sẻ sự gian nan khi đi tìm quỹ đất. Năm 2007, ĐH Bách Khoa Hà Nội được giao đất phía Tây Nam Hà Nội, nhưng khi tỉnh Hà Tây nhập vào Hà Nội vì có nhiều lý do nên dự án không được phê duyệt. Sau khi dự án phía Tây Nam bị phê duyệt “hụt”, ĐH Bách Khoa chuyển hướng xuống tìm quỹ đất sạch ở tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Sau một thời gian tìm kiếm, cuối cùng, trường đã được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt quỹ đất chi tiết 1/500 và đã cắm mốc quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy.
Cần chung tay và quyết liệt
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng đến thời điểm này, cả 3 Bộ: Xây dựng, Y tế và Giáo dục - Đào tạo đều chưa hoàn thành danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời trụ sở cơ quan trung ương, bệnh viện, cơ sở đào tạo khỏi nội đô. 7/9 cơ quan trung ương đã di dời vẫn tiếp tục giữ cơ sở cũ làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan trung ương quản lý; 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất đầu tư dự án nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu cơ quan chức năng giải quyết cho BV cải tạo bằng cách nâng tầng, hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ đối nghịch với quy định chung của thành phố. Hơn nữa, nếu cứ cải tạo nâng cấp theo kiểu vụn vặt như vậy sẽ chỉ có những khu khám chữa bệnh chắp vá, chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt.
Việc các BV, trường ĐH chậm di dời khiến dư luận quan tâm và đặt nhiều câu hỏi, “Vì sao có chủ trương di dời nhiều trường ĐH, BV ra ngoại thành, nhưng hàng chục năm vẫn chưa thực hiện được?”. Lý giải về nguyên nhân chậm trễ này, đại diện một số trường ĐH, BV đều cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các BV, trường học gặp phải là vốn đầu tư để di dời và xây dựng cơ sở mới.
Ông Mai Hoàng Anh, Phó Chánh văn phòng, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sở dĩ đến thời điểm này ĐH Quốc gia Hà Nội chưa di dời vì cơ sở mới vẫn chưa làm xong do thiếu vốn. Ông Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương (1 trong 13 BV thuộc danh sách cần di dời), khẳng định, lãnh đạo BV ủng hộ chủ trương di dời. Song ông Phú cũng băn khoăn, không biết việc này sẽ được thực hiện cụ thể thế nào bởi đã có nhiều cuộc họp bàn đến vấn đề này từ vài năm trở lại đây nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Cũng nằm trong 13 BV thuộc danh sách cần di dời, Ths Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức khẳng định, BV chưa nhận được chủ trương nào từ cơ quan chức năng về việc phải di dời mà chỉ nhận được quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 vào ngày 1/12/2014. Vì thế trước đó, BV Việt Đức vẫn tiến hành xây mới trụ sở, năm 2015 khánh thành tòa nhà 13 tầng tại phố Phủ Doãn. Việc xây dựng cơ sở 2 do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế làm chủ đầu tư, phía BV chỉ đứng ra tiếp nhận khi công trình hoàn thiện.
Bà Hường chia sẻ thêm, di dời BV không giống di dời trường học. Vị trí mới của BV phải tính đến khả năng tiếp cận của người bệnh, vì thời gian trong y tế rất quan trọng, sự chậm trễ có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh. Vì vậy, việc di dời các BV cần được cân nhắc, tính toán kỹ đặc thù điều trị của từng BV.
Ngoài ra, vốn cũng là điều rất khó khăn đối với các BV và trường ĐH. BV Việt Đức và Bạch Mai là 2 trong 5 dự án BV cuối cùng được cấp ngân sách xây cơ sở, còn lại các BV khác muốn di dời hay xây mới cơ sở đều phải tự cân đối thu chi nên điều này gây khó khăn cho các BV trong việc di dời, xây mới cơ sở.
Di dời BV, trường học nhằm giải tỏa áp lực hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông cho Thủ đô là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, còn quá nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến chủ trương này được triển khai “ì ạch”. Thiết nghĩ, Chính phủ và TP Hà Nội đã có cái nhìn dài hạn, hướng tới xây dựng Thủ đô bền vững thì cũng rất cần sự chung tay và sự quyết liệt của các Bộ, ngành để đặt lợi ích chung của xã hội lên trên hết.
VOV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.