Khu đô thị Tây Hồ Tây là địa điểm sẽ xây dựng nhiều trụ sở mới của các bộ, ngành |
Trước đó, tháng 10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương di dời trụ sở làm việc của Bộ Xây dựng về Khu đô thị mới Tây Hồ Tây và thực hiện dự án xây dựng trụ sở theo hình thức hợp đồng BT. Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở mới sẽ gồm tiền đấu giá sử dụng đất, trụ sở làm việc cũ và nguồn vốn bổ sung từ ngân sách trong trường hợp tiền đấu giá không đủ để xây dựng trụ sở mới.
Điều này được nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản đặc biệt quan tâm, bởi Bộ Xây dựng đang sở hữu lô đất vàng tại số 37 - phố Lê Đại Hành, với diện tích hơn 13.000 m2. Tuy nhiên, các doanh nghiệp băn khoăn rằng, nếu không có cơ chế ưu đãi, thì việc khai thác “đất vàng” sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Dễ
nhận là, nếu dùng quỹ đất sau khi di dời để xây dựng các trung tâm
thương mại, nhà ở cao tầng thì sẽ đạt được lợi ích lớn nhất cho doanh
nghiệp. Nhưng điều này sẽ gặp nhiều vướng mắc không dễ vượt qua, bởi
việc xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở cao tầng sẽ trái với mục đích
di dời trụ sở các bộ, ngành nhằm giảm áp lực về giao thông và chỉnh
trang đô thị.
Ngay sau khi có chủ trương đấu giá, mời gọi hợp tác theo hình thức BT, đã có nhiều ý kiến về việc không nên cho phép khai thác “đất vàng” để xây dựng trung tâm thương mại và nhà ở. Ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam khuyến nghị: “Cần đưa ra quy chế rõ ràng theo hướng doanh nghiệp hay cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất phải thực hiện đúng quy hoạch của Thủ đô. Không nên xây dựng nhà chung cư cao tầng hay siêu thị tại những vị trí này, vì như thế sẽ lại tạo thêm áp lực về dân số, ùn tắc giao thông cho khu vực nội thành”.
Như vậy, nếu không cho phép xây dựng trung tâm thương mại và nhà ở sẽ rất khó kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp, bởi muốn đạt lợi nhuận cao, các nhà đầu tư phải khai thác tốt đa diện tích sử dụng bằng cách xây nhiều tầng, nhưng theo các quy định của UBND TP. Hà Nội thì 4 quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đều không được phép xây dựng nhà cao quá 9 tầng.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khi đã xác định di dời các bộ, ngành ra khỏi nội đô, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt với các khu “đất vàng”. “Có thể là dùng vốn xã hội, vốn ngân sách, thậm chí vốn của doanh nghiệp đầu tư, nhưng tất cả phải đảm bảo nguyên tắc chung là biến khu đất đó thành nơi làm việc, hay nơi vui chơi, đảm bảo yêu cầu về quy hoạch. Việc này phải được cam kết ngay từ đầu, trước khi đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để các chủ đầu tư cân nhắc, quyết định. Do bị khống chế về quy hoạch, có thể áp dụng các cơ chế ưu đãi nhằm bù đắp cho các chủ đầu tư các khu ‘đất vàng’ này bằng việc cho phép họ được đầu tư xây dựng ở các vị trí khác”, ông Chính nói.
Rõ ràng, việc các doanh nghiệp cần nhất bây giờ là các cơ quan chức năng sớm xây dựng các lộ trình, các cơ chế cụ thể và các phương án BT phù hợp để doanh nghiệp lựa chọn.