26/07/2014 8:00 AM
UBND quận Cầu Giấy ngày 23-7 đã chính thức đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép di chuyển chợ xe máy, đồ cũ duy nhất của Hà Nội tại phường Dịch Vọng ra khỏi địa bàn quận (dự kiến chuyển sang quận Bắc Từ Liêm).

Chợ xe máy - đồ cũ Dịch Vọng đã hoạt động được 13 năm

Theo ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, mỗi phường trên địa bàn đều quy hoạch xây dựng một điểm chợ dân sinh. Tuy nhiên, do mật độ dân cư tại các phường đều rất lớn nên các chợ đều bị quá tải, nhất là tại các phường Nghĩa Tân, Dịch Vọng... Do đó, quận Cầu Giấy đề nghị TP xem xét, bố trí bổ sung quy hoạch dân sinh. Đặc biệt, quận đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép di chuyển chợ xe máy, đồ cũ tại phường Dịch Vọng ra khỏi địa bàn quận (dự kiến chuyển sang quận Bắc Từ Liêm). Tuy nhiên, lãnh đạo quận Cầu Giấy không nói rõ địa chỉ cụ thể ở quận Bắc Từ Liêm, nơi chợ xe máy Dịch Vọng sẽ chuyển tới.
Theo Ban quản lý chợ xe máy – đồ cũ Dịch Vọng, chợ này hiện có 88 ki-ốt bán hàng, với gần 400 hộ kinh doanh trên diện tích khu đất khoảng 6.700m2. Đây là chợ xe máy – đồ cũ duy nhất của Hà Nội hiện nay.

Biết thông tin về đề xuất di dời chợ của quận Cầu Giấy, đại diện Ban quản lý chợ xe máy – đồ cũ Dịch Vọng cho rằng, UBND quận Cầu Giấy cần họp với các hộ kinh doanh để cùng bàn bạc và xem xét tâm tư, nguyện vọng của bà con đang kinh doanh tại chợ. “Bây giờ nói di dời chợ xe máy xuống Bắc Từ Liêm vậy sắp tới sẽ phải bố trí, sắp xếp kinh doanh cho bà con như thế nào? Khu đất hiện nay nếu không làm chợ thì sẽ làm gì? Không thể đùng một cái nói đi là đi ngay được...” – vị này băn khoăn.

Sau khi nghe thông tin quận Cầu Giấy đề xuất di dời chợ tới quận Bắc Từ Liêm, nhiều hộ kinh doanh đều tỏ ra thất vọng. Ông Nguyễn Văn Thắng, ki-ốt số 34, người đã gắn bó 13 năm nay với chợ xe máy – đồ cũ Dịch Vọng nói sẽ bỏ nghề nếu chợ di dời tới quận Bắc Từ Liêm. “Thị trường xe máy cũ nhiều năm nay đã bão hòa, chúng tôi kinh doanh rất khó khăn. Tháng vừa rồi, tôi bán được 30 chiếc xe cũ. Bây giờ, nếu chuyển chợ xuống Bắc Từ Liêm, kinh doanh sẽ càng khó khăn hơn, dù không muốn cũng phải bỏ nghề”.

Chung tâm sự, ông Nguyễn Ngọc Toàn, ki-ốt C4, người có mặt ở chợ từ những ngày đầu thành lập, lo lắng: “Từ khi chuyển xuống đây (năm 2001, chợ xe máy cũ chuyển từ phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm) về Dịch Vọng – Cầu Giấy), chúng tôi cũng phải mất 5-6 năm mới tạo được vị trí và mối quan hệ kinh doanh ổn định, nay nếu lại chuyển, tất cả sẽ phải làm lại từ đầu. Đó là chưa kể khoảng cách từ trung tâm thành phố tới Bắc Từ Liêm rất xa, không rõ người dân có còn muốn xuống chợ để giao dịch nữa không?”. Ông Nguyễn Bá Tùng, ki-ốt C5, cũng không đồng tình việc di dời chợ: “Nếu lại chuyển chợ, chắc chắn anh em sẽ bỏ hết, vì khả năng kinh doanh xe máy – đồ cũ ở khu vực Bắc Từ Liêm sẽ rất khó hiệu quả...”.

Trước đề xuất của UBND quận Cầu Giấy, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sẽ cử cán bộ tới làm việc cụ thể với quận về nội dung này trong tuần tới. Dù vậy, ông Lê Hồng Thăng đánh giá, chợ xe máy – đồ cũ là vấn đề rất hay: “Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, hàng cũ, hàng lỗi mốt, giảm giá... đều được bán ở những trung tâm lớn và thị trường này phát triển khá tốt. Hà Nội là trung tâm thương mại lớn của cả nước nên cũng cần phát triển mô hình này”. Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, nếu quả thật chợ chật hẹp, hệ thống hạ tầng không đáp ứng được thì nên di chuyển. “Tuy nhiên, nếu quận Cầu Giấy còn bố trí được đất thì không nên đưa chợ xe máy – đồ cũ sang quận Bắc Từ Liêm. Chúng ta nên nghiên cứu, tìm kiếm thêm, bởi chỉ cần ô đất khoảng 10.000 m2 là đủ cho chợ hoạt động” – ông Lê Hồng Thăng nói.

*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.

Ngọc Khánh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.