Nhiều ý kiến cho rằng giá đất thị trường cao như hiện nay là điều bất hợp lý cần phải điều chỉnh
Đây là đề xuất vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến (theo Dự thảo Nghị định về khung giá đất năm 2015). Hiện khung giá đất ở các đô thị tối thiểu là 1,5 triệu đồng/m2, tối đa là 67,5 triệu đồng/m2. Như vậy, khung giá đất mới theo dự thảo sẽ cao gấp 2 lần so với mức trần hiện nay tại Hà Nội và cao gấp 2,4 lần so với khung giá hiện hành tại TP.HCM.
Theo quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng khung giá đất phải tiến tới sát giá thị trường. Trên cơ sở này, mới đưa bảng giá đất và định giá đất cụ thể ngang bằng giá thị trường được. Cùng với đó, khoảng cách giữa mức giá tối thiểu và tối đa phải được thu hẹp để đảm bảo quyền lợi của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.
GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, theo Luật đất đai, bảng giá đất chủ yếu được áp dụng để thu thuế, xử lý vi phạm hành chính… Việc điều chỉnh không ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất cũng như quyền lợi của người được nhận bồi thường thu hồi đất. Trong khi đó, khung giá đất thấp sẽ gây ra thất thu cho ngân sách Nhà nước.
“Tỷ lệ thất thu bằng tỷ lệ chênh lệch giữa giá đất thị trường và giá đất theo bảng giá của các địa phương. Nên tăng giá đất ở đô thị bởi giá đất ở Hà Nội, TP.HCM đang thấp hơn rất nhiều giá thị trường. Hơn nữa, khung giá đang đề xuất cũng mới bắt đầu tiệm cận giá thị trường”, GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần phải xem xét giá đất của Việt Nam liệu đã hợp lý chưa, bởi mức 162 triệu đồng/m2 (khoảng 8.000USD), là cao gần bằng các thành phố lớn trên thế giới. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức thấp.
Người dân, doanh nghiệp chịu thiệt?
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc tăng khung giá đất sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại. Bởi hiện tại, nhu cầu tập trung vào các căn hộ có giá bán từ 13-15 triệu đồng/m2. Khách hàng sẽ không mua nếu giá cao hơn. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ không thể tăng giá bán mà phải bỏ tiền ra để đóng tiền sử dụng đất.
“Với các dự án chung cư, đất nền đã bán nhưng chưa đóng tiền sử dụng đất, nếu áp dụng khung mới thì thay vì đóng 500.000 đồng/m2 sẽ phải đóng tới 1 triệu đồng/m2. Còn với doanh nghiệp chưa đóng tiền sử dụng đất càng lao đao hơn. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay việc này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản”, ông Nguyễn Văn Đực phân tích.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cũng chia sẻ, khung giá đất mới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thành, giá vốn của doanh nghiệp. Như vậy, người dân có nhu cầu mua nhà cũng chịu ảnh hưởng khi giá tăng lên. Trong bối cảnh tồn kho bất động sản còn lớn, kinh tế khó khăn, việc tăng khung giá đất sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn, khiến “nhà đầu tư không bán được hàng, người có nhu cầu nhà ở không đủ sức để mua”.
Anh Trần Anh Vũ (Thanh Trì – Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, giá đất trên thị trường quá cao, tôi chỉ mong giá đất hạ xuống mức chấp nhận được. Phải làm sao để những người lao động bình thường sau khoảng chục năm tích lũy đủ tiền mua được nhà hay căn hộ chung cư. Việc khung giá đất tăng theo giá thị trường chẳng khác nào khẳng định giá thị trường là hợp lý”.
Theo các chuyên gia, giá đất trên thị trường cao như hiện nay là điều bất hợp lý, không thể chấp nhận được. Do đó, cần tìm cách kéo mức giá này xuống chứ không phải đưa khung giá đất “đuổi theo” giá thị trường. TS. Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Nên áp dụng chế độ dự trữ đất, sau đó đấu giá và thu tiền để xây dựng tái định cư, làm đường… thay cho cách có dự án rồi mới tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng như hiện nay”.