Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, chiều 12/11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) hỏi thẳng vào trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng đối với thực trạng thất thoát, lãng phí và chất lượng các công trình xây dựng nhà ở tái định cư, thuỷ điện, tháp truyền hình, tình trạng thất thoát tại các công trình xây dựng…
Về thực trạng đóng băng của thị trường bất động sản, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định), đại biểu Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội) chỉ ra hệ luỵ “người người làm bất động sản, nhà nhà làm bất động sản”, đẩy giá nhà đất cao ngất ngưởng, giờ lại thành món nợ xấu của ngân hàng. Do vậy bất động sản đang ở ngưỡng nguy hiểm với nợ xấu có thể dẫn đến đổ vỡ, kịch bản đối phó là gì?
Trả lời nhóm câu hỏi về thất thoát, lãng phí và chất lượng các công trình xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận đây là “bệnh nan giải, khó khắc phục triệt để”.
Xác định nguyên nhân thực trạng này, Bộ trưởng cho rằng do thể chế chưa được hoàn thiện, việc quản lý chất lượng dự án chưa chặt chẽ, xây dựng và giải phóng mặt bằng chậm cũng là lãng phí lớn, chất lượng các dự án, quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng có vấn đề cũng như việc kiểm tra, giám sát và năng lực cán bộ, thiếu cơ chế giám sát của người dân và chế tài chưa đủ mạnh.
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ dự thảo sửa một số Nghị định về chất lượng xây dựng như tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ năng lực từ chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát nhằm loại đơn vị yếu kém, công bố đơn vị có năng lực để lựa chọn, nâng cao năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ, các chủ thể tham gia xây dựng công trình, tăng cường giám sát của nhân dân để chống thất thoát, lãng phí.
Mục tiêu “kép” cho thị trường bất động sản
Về các giải pháp cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, lúc này cần giải pháp dài hạn là hoàn thiện thể chế pháp luật, khắc phục tình trạng tự phát, cung vượt xa cầu. Về ngắn hạn, cần cơ cấu lại nhà ở từ diện tích lớn sang diện tích nhỏ, từ nhà cao cấp sang nhà ở xã hội cho người có khó khăn về nhà ở với gói hỗ trợ của nhà nước. Thực hiện được vấn đề này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, đồng thời người có thu nhập thấp cũng có điều kiện cải thiện nhà ở.
Đại biểu Châu Thị Thu Nga ( đoàn Hà Nội) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đưa ra một số giải pháp khác như mở rộng cho vay vốn đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, Quốc hội cho phép miễn giảm thuế VAT cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở xã hội, người mua nhà thương mại để ở lần đầu, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khi xây dựng nhà ở xã hội ở mức cao nhất; cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ…
Trước tình trạng thiếu đồng bộ của các khu đô thị, Bộ trưởng nói sẽ từng bước khắc phục bởi nguồn vốn cho việc này lớn trong khi doanh nghiệp đang khó khăn với bất động sản đang đóng băng. Do đó, phải đôn đốc chủ đầu tư phải thực hiện cam kết với chính quyền và nhân dân. Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu đô thị.
Tuy nhiên, chưa thể khẳng định khó khăn được tháo gỡ tuyệt đối bởi còn phụ thuộc vào cung cầu thị trường, từng bước tháo gỡ để giảm dần nợ xấu và hy vọng thị trường bất động sản sẽ ấm lên cùng với sự hồi phục của nền kinh tế nước ta.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng đã trả lời một số câu hỏi của đại biểu về tồn đọng vật liệu xây dựng của đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng), Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc), về thực trạng hoạt động của các nhà máy xi măng của đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam); về sai phạm của Tập đoàn Sông Đà của đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình)…