Theo dự thảo này, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/6 của năm trước liền kề năm UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất. Khung giá đất quy định mức giá tối thiểu và tối đa của từng loại đất, theo từng loại xã đồng bằng, trung du, miền núi của từng vùng và theo từng loại đô thị.
Khung giá đất quy định chi tiết đến 8 vùng kinh tế (trong mỗi vùng kinh tế lại được phân theo 3 vùng theo 3 loại xã đồng bằng, trung du, miền núi (pháp luật hiện hành chỉ quy định 3 vùng theo 3 loại xã); quy định khung giá đất ở tại đô thị theo 2 nhóm: đô thị đặc biệt và các loại đô thị còn lại (pháp luật hiện hành quy định chung theo 6 loại đô thị); đồng thời tách riêng khung giá đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác từ khung giá đất trồng cây hàng năm theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 123/2007/NĐ-CP.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các khung giá đất như: Khung giá đất trồng lúa; Khung giá đất trồng cây hàng năm khác; Khung giá đất trồng cây lâu năm; Khung giá đất rừng sản xuất; Khung giá đất nuôi trồng thủy sản; Khung giá đất làm muối; Khung giá đất ở tại nông thôn; Khung giá đất ở tại đô thị loại đặc biệt; Khung giá đất ở tại các đô thị từ loại 1-5; Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn; Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại đô thị loại đặt biệt; Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại các đô thị từ loại 1-5.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất quy định cụ thể về việc xây dựng và ban hành bảng giá đất. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) xây dựng, ban hành bảng giá đất tại địa phương định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Năm đầu kỳ ban hành, công bố bảng giá đất vào ngày 1/1/2015.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương, ngoài các bảng giá đất nêu trên, UBND cấp tỉnh có thể ban hành bổ sung bảng giá đất khác phù hợp với thực tế tại địa phương.