Có luồng ý kiến cho rằng: Nên giao đất cho hộ gia đình, cá nhân 50 năm hoặc 70 năm với đất trồng lúa, đất trồng cây hoa màu, đất nuôi trồng thủy sản”. Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết như trên tại hội nghị triển khai kết luận Hội nghị Trung ương 5 và kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai, ngày 5-6.
Được nhận chuyển nhượng tới 100 ha
Về hạn mức chuyển quyền đất nông nghiệp hay còn gọi là hạn mức người dân được mua đất nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết sẽ mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền với loại đất này.
Hiện theo quy định, hạn mức nhận chuyển nhượng đối với đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản cao nhất là 6 ha; đối với đất trồng cây lâu năm cao nhất là 50 ha... “Chúng tôi đề xuất có thể nâng mức chuyển nhượng đất này lên 100 ha để người dân có thể đầu tư lớn. Nhưng nếu chuyển nhượng tới 50 ha trở lên thì người dân phải chịu một mức thuế khác - bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết.
Nhiều ý kiến đề xuất nên mở rộng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Ảnh: XUÂN HIỆP
Bỏ cơ chế tự thỏa thuận?
Với giá đất, theo Bộ TN&MT, nhiều ý kiến cho rằng UBND cấp tỉnh vẫn ban hành bảng giá đất và giữ ổn định 3-5 năm để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất và tính các loại thuế, phí, lệ phí. Các trường hợp còn lại thì xác định giá đất cụ thể.
Đối với giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định theo hướng: Khi Nhà nước thu hồi đất, giá bồi thường được xác định cụ thể theo thị trường tại thời điểm Nhà nước ra quyết định thu hồi đất.
“Nên ban hành bảng giá đất sử dụng trong 3-5 năm hay có biến động đến đâu thì ta điều chỉnh bảng giá này tới đó? Giá thị trường hiện nay đang loạn lên. Vậy ta sử dụng bảng giá đất như thế nào? Nếu dùng bảng giá thấp như hiện nay để bồi thường thì người dân không chịu. Mặt khác, bảng giá đất thấp cũng gây thất thu cho ngân sách từ các khoản thu từ thuế và lệ phí” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển băn khoăn.
Trình dự thảo sửa đổi vào cuối năm
Về các nội dung lớn nêu trên, Bộ TN&MT đang lấy phiếu thăm dò. Cùng với đó, một số vấn đề khác cũng đang được làm rõ như: Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị mất đất; quy định về thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng nước ngoài… Các vấn đề nêu trên sẽ được trình hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 10 tới để hội nghị xem xét, banh hành nghị quyết định hướng cho việc sửa đổi Luật Đất đai.
Theo kế hoạch, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vào tháng 11-2012. Sau đó, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII vào tháng 5-2013, thông qua vào kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 năm sau.
Về phía các địa phương, theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, việc các địa phương cần làm ngay hiện nay là kiểm tra các văn bản về đất đai do địa phương ban hành. Đặc biệt là các văn bản về giao đất, cho thuê đất, cưỡng chế thu hồi đất xem có văn bản nào chưa phù hợp, từ đó có sự điều chỉnh.
Không biết có bao nhiêu dự án
Qua thanh, kiểm tra các dự án đầu tư cho thấy trong những năm vừa qua, các nhà đầu tư sử dụng đất dự án rất lớn nhưng bỏ hoang rất nhiều. Việc xử lý các địa phương phải làm. Nhưng vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra một số địa phương, trước câu hỏi “hiện địa phương có bao nhiêu dự án sử dụng đất, có bao nhiêu dự án chậm tiến độ”, một số địa phương đã không trả lời được.
Thứ trưởng Bộ TN&MT NGUYỄN MẠNH HIỂN