Cơ chế thu hồi đất đang ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án. Ảnh: Đức Thanh |
Dự án Trung tâm thương mại văn phòng, chung cư, biệt thự cao cấp bán, cho thuê và khách sạn 5 sao (tại Hải Phòng) do Công ty TNHH Union Success làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008. Tất cả các hộ dân thuộc diện giải tỏa đền bù đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, song do một số vướng mắc, đến nay, dự án này vẫn chưa thể khởi công. Đây là dự án thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp (DN) tự thỏa thuận với người dân theo quy định của Luật Đất đai 2003.
Thực tế, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất DN tự thỏa thuận với người dân tại nhiều dự án rất dễ nảy sinh khúc mắc.
Vì vậy, việc nên để chủ đầu tư tự thỏa thuận hay Nhà nước đứng ra thu hồi đất sạch rồi giao cho chủ đầu tư đã được mổ xẻ kỹ lưỡng tại cuộc họp thường trực mở rộng của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối tuần qua khi đề cập Dự án sửa đổi Luật Đất đai 2003.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Dự thảo Luật quy định, Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố, tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch. Sau đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
“Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước thực hiện thu hồi đất đối với tất cả các trường hợp, bỏ cơ chế nhà đầu tư tự nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tránh việc tạo ra chênh lệch giá, dẫn đến khiếu kiện”, ông Hiển cho biết.
Theo ông Hiển, hiện các địa phương chủ yếu thực hiện thu hồi đất theo dự án, với cơ chế chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân. Ở đây xuất hiện câu chuyện “xin - cho” dự án khi giao quyền cho địa phương và ủy quyền cho DN thu hồi. Vấn đề kém minh bạch, tham nhũng cũng xuất phát từ những cơ chế xin - cho này.
“Hình thức giao đất cho DN tự thỏa thuận có nhiều hạn chế, như người dân mất đất, lợi nhuận DN thụ hưởng cao, Nhà nước thất thu ngân sách, tạo ra hai giá đất trong cùng một khu vực gây khiếu kiện kéo dài. Tôi đề nghị nghiên cứu bỏ giao thẳng cho các chủ đầu tư, thành lập các trung tâm khai thác quỹ đất của Nhà nước. Nhà nước tạo cơ chế, chính sách, vốn để các trung tâm này hoạt động”, ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Cần Thơ đề xuất.
Có thể thấy rõ, theo Luật Đất đai 2003, việc thực hiện thu hồi đất theo 2 cơ chế là Nhà nước thu hồi đất và DN tự thỏa thuận để chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến giá thu hồi đất của nhà đầu tư và Nhà nước chênh lệch nhau.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, việc thu hồi đất theo cơ chế hiện hành rất phức tạp, khó khăn, thiếu minh bạch. “Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ cần xin dự án, lên quy hoạch, làm hạ tầng ban đầu là thu được lợi nhuận cao, trong khi người dân mất đất, Nhà nước thất thu”, ông Ngoạn nói.
Theo ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), thực ra, trong Luật Đất đai 2003 đã có chủ trương giao cho một tổ chức chuyên nghiệp thực hiện thu hồi đất. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ đề xuất phương pháp thực hiện mới hơn, theo đó, có thể thông qua các tổ chức phát triển quỹ đất hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đền bù để tạo quỹ đất sạch đem ra đấu giá, khi đó nhà đầu tư sẽ tính toán được tiền sử dụng đất để ra quyết định đầu tư.