Ngay sau khi thông tin Hà Nội đang khởi động lại việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ, đặc biệt là quyết định thành lập tổ nghiên cứu cơ chế giãn dân phố cổ, chúng tôi liền thâm nhập vào những ngóc ngách của phố cổ, gặp gỡ những cư dân suốt ngày không được hưởng ánh nắng mặt trời để biết tâm tư, nguyện vọng của họ.
Một tổ dân phố chỉ một số nhà
Theo giới thiệu của ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, chúng tôi đến số nhà 53 Hàng Buồm - một số nhà có tới 50 hộ với 200 nhân khẩu đang sinh sống. Với lượng dân số như vậy, chính quyền địa phương đã thành lập hẳn một tổ dân phố ngay trong số nhà này.
Đèn điện bật suốt ngày đêm, bất kể mùa đông hay mùa hè bởi nếu không có nó, lối đi chung dẫn đến nơi ở của từng hộ sẽ tối om om. Càng đi sâu vào bên trong, chúng tôi càng cảm nhận được sự hun hút, bức bối và cả mùi ẩm mốc. Khi tưởng rằng đã đi tới tận cùng của ngôi nhà thì ánh sáng thiên nhiên lại lộ ra. Hóa ra, số nhà này có hai khối nhà và được ngăn cách với nhau bằng một khoảng sân.
Theo bà Đỗ Thị Dựng, Tổ phó Tổ dân phố số 37, phường Hàng Buồm thì số nhà này là tập thể của một số cơ quan của Bộ Giao thông vận tải và một vài đơn vị khác. Khối nhà bên trong trước đây là nhà kho, sau đó chuyển đổi thành nhà ở theo kiểu làm vách ngăn, trên vẫn lợp giấy dầu. Cách phân chia "khoảng trời riêng" cho các hộ dân ở khối nhà cổ bên ngoài cũng làm bằng cách này. Do chật chội nên những hộ dân có diện tích sử dụng chỉ hơn 10m2 buộc phải co cho khéo như làm thêm gác xép, tận dụng lối đi chung làm nơi để đồ, bếp… mới có thể sinh sống tại đây được.
Lúc 16h30 ngày 14/7, trời đang lất phất mưa nhưng bà
Đặng Thị Túy vẫn lúi húi nấu cơm. Nếu không tận mắt chứng kiến, chúng
tôi không thể nào tin nổi, người ta vẫn có thể nấu cơm ngoài trời khi
đang mưa. Cái bếp than hồng của bà Túy vẫn đỏ lửa, trên đặt nồi canh.
Bà Túy khéo léo kê nó dưới tấm bê tông mỏng, vừa tránh được mưa, vừa tận dụng bề mặt để đặt rổ rau. "Nhờ cách này nên dù trời mưa to, tôi mặc áo mưa vào là nấu cơm được", bà Túy nói.
Nhìn bà Túy xoay xở dưới mưa để nấu bữa cơm chiều, chúng tôi vừa thấy thán phục, vừa thấy sự khổ sở khi sống chật chội. Bà Túy còn cho chúng tôi xem cái không gian sống của gia đình mình, căn phòng 12m2 nhưng hộ nhà bà có 6 người (vợ chồng bà Túy; vợ chồng người con; 2 đứa cháu). Do chỗ ngủ còn chật nên ở lối đi chung, gia đình bà (và cả những hộ kế bên) đều đặt những chiếc tủ gỗ cũ kĩ để đựng đồ.
Cách nơi bà Túy đặt bếp là bếp của bà Nguyễn Thị Nhẫn. Bà Nhẫn bảo mình may mắn hơn vì có được nơi đặt bếp dưới chân cầu thang, trời mưa không bị ướt. Nhìn cái bếp than đang đỏ lửa ngay dưới chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ, hẳn là bất cứ ai cũng lo sợ chuyện cháy nổ. Thế nhưng, cái bếp ấy được bà Nhẫn dựng lên ở đây mấy chục năm rồi và cũng may chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
|
Nhiều người dân phố cổ sống trong cảnh chật chội, tạm bợ. |
Bà Nhẫn háo hức hỏi chúng tôi, bao giờ thành phố sẽ cho gia đình bà đi. Bà chưa biết sẽ được di chuyển đến đâu nhưng tin chắc rằng, ở nơi ở mới sẽ không phải sống chật chội, khổ sở như thế này. "Tôi mong đi lắm cô ạ", bà Nhẫn chia sẻ.
Bà Dựng, Tổ phó Tổ dân phố số 37 cũng có mong muốn được di dời dù nhà bà không đến nỗi chật hẹp, tối tăm. "Hộ bà Minh, ông Hải cách đây hai năm đã bán nhà để mua căn hộ ở khu đô thị Việt Hưng đấy. Hay như hộ ông Khuê cũng xuống Linh Đàm sống. Những người có điều kiện chuyển đổi, họ sẽ tự chuyển chứ không chờ đến khi thành phố giãn dân đâu", bà Dựng cho biết.
"Nhờ được cơ quan cũ hỗ trợ mấy chục triệu, chúng tôi mới sửa chữa 5 nhà vệ sinh, 5 phòng tắm. Trước đây xập xệ, mùi xú uế nồng nặc", bà Nhẫn khoe. Hiện nay, để giữ gìn vệ sinh chung, các hộ dân trong tổ dân phố đóng góp tiền hằng tháng để thuê người dọn dẹp.
Khác với những hộ dân có tâm nguyện được di dời, hộ chị Hòa lại không muốn chuyển dù gia đình chị sống trên tầng hai. Lý do chị Hòa đưa ra là "ở đây làm ăn buôn bán quen rồi". Nếu có một cuộc điều tra 50 hộ dân đang sống tại số nhà 53 Hàng Buồm, chắc chắn sẽ có số liệu chuẩn xác về tình trạng ăn ở, ý nguyện đi hay ở, điều kiện để di dời… "Nhiều hộ dân tự chuyển nhượng, mua bán nhiều lần, có những nhà đã chuyển chủ vài lần rồi. Hiện nay, có những người chuyển đến nơi ở mới rồi nhưng vẫn chưa cắt khẩu, hằng tháng vẫn về đây lĩnh lương hưu đấy", bà Dựng cho biết.
Trước thực tế này, để có kết quả khảo sát chính xác, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu giãn dân song hành với chống tăng dân (những người từ nơi khác đến sinh sống ở phố cổ) công tác quản lý hộ tịch phải thực hiện tốt.
Cơ chế nào cho người phố cổ?
Đề án giãn dân phố cổ được TP Hà Nội khởi động từ năm 1998 với mục tiêu làm giảm mật độ dân số từ 840 người/ha xuống 500 người/ha. Giai đoạn 1 của đề án sẽ di dời 1.800 người dân đang sinh sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ, các hộ dân tự nguyện di dời… Đó là chủ trương được UBND TP Hà Nội đặt ra và hoàn tất vào năm 2015. Khu đô thị Việt Hưng sẽ là một trong những điểm đến của đa số 1.800 người di dời trong giai đoạn I của dự án.
|
Ngõ 53 Hàng Buồm luôn tối om với lỉnh kỉnh đồ đạc. |
Trước những thông tin sốt dẻo này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm - một trong những phường có kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân sống trong khu vực đền Quán Đế, Trường Tiểu học Trần Nhật Duật, số 50 Đào Duy Từ, đền Bạch Mã… Theo những tiêu chí đặt ra khi thực hiện đề án giãn dân phố cổ giai đoạn I, phường Hàng Buồm - phường có diện tích thấp thứ 2 (sau phường Hàng Đào) cũng là địa bàn tham gia đề án.
Ông Thắng cho biết, hiện tại UBND phường chưa nhận được thông báo hay kế hoạch thực hiện việc giãn dân phố cổ. Có thể, sau khi thành phố đồng ý phê duyệt cơ chế, chính sách giãn dân giai đoạn I mới được phổ biến xuống phường. Tuy nhiên, cách đây vài năm, thực hiện ý kiến của UBND TP, UBND phường đã tiến hành thực hiện khảo sát ô phố thí điểm, liên quan đến 115 hộ, 448 nhân khẩu tại ô phố Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiền. Kết quả khảo sát cho thấy, có 79 hộ không muốn di dời; 36 hộ bán chỗ ở hiện tại; 37 hộ có nguyện vọng chuyển đến nơi ở mới là Khu đô thị Việt Hưng.
Quá trình khảo sát ở ô phố thí điểm cho thấy, với
những hộ ở đông người, chật chội đều đồng ý di dời. Nhưng với những hộ
có mặt tiền, kinh doanh thì không đồng ý. Ngoài ra, còn có một số người
do quen với nếp sống, điều kiện sinh hoạt ở phố cổ, quan hệ họ hàng…
nên không đồng ý di dời dù diện tích ở rất chật hẹp.
"Mọi công dân có quyền lựa chọn nơi cư trú, pháp luật
đã công nhận điều này nên với những hộ nằm trong tiêu chí phải giãn dân
nhưng không tự nguyện di dời, tôi nghĩ rằng cần phải vận động, tuyên
truyền để họ hiểu và ủng hộ việc làm của thành phố", ông Thắng nói.
Hàng Buồm là địa bàn mà các năm 2008, 2009, 2010 đều phải tiến hành các cuộc giải phóng mặt bằng để bảo tồn, trùng tu di tích. Cụ thể, phải di dời 5 hộ ra khỏi khu vực đền Quán Đế; 1 hộ ở Trường Tiểu học Trần Nhật Duật; 48 hộ ở số 50 Đào Duy Từ; 4 hộ ở đền Bạch Mã… Quá trình thực hiện việc giải phóng mặt bằng ban đầu cũng rất khó khăn, đặc biệt với những hộ đang có mặt tiền kinh doanh. Ngoài vận động để người dân hiểu, ủng hộ việc trùng tu các di tích của thành phố, cơ chế đền bù đất với đặc thù phố cổ cũng được áp dụng. Cùng với đó, việc bố trí tái định cư cũng được tiến hành, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đối với một số hộ có diện tích mặt tiền kinh doanh, địa phương hỗ trợ, bố trí ki ốt kinh doanh. "Quan trọng là phải tạo được cuộc sống tốt cho người dân", ông Thắng nói.
Điển hình phải kể đến việc giải phóng đền bù ở đền Bạch Mã liên quan đến 4 hộ dân. Đáng chú ý là có những hộ dân chỉ trong thời gian ngắn đã bị giải phóng mặt bằng 2 lần. Ngoài ra, khi sinh sống tại khu vực này, các hộ đều có mặt tiền kinh doanh nên việc giải phóng mặt bằng để tôn tạo ngôi đền này khiến việc làm ăn, buôn bán của họ bị ảnh hưởng. Thế nên, ngoài bố trí tái định cư, chính quyền địa phương còn đề xuất để bố trí ki ốt kinh doanh cho họ ở chợ Hàng Da...
Để biết rõ hơn về thông tin chi tiết về cơ chế, chính sách trong việc giãn dân phố cổ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Quỳnh Anh, Phó Trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội, thành viên tổ nghiên cứu cơ chế giãn dân phố cổ. Bà Quỳnh Anh cho biết, đây là nội dung được tổ nghiên cứu đặc biệt quan tâm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân cũng như tiến độ thực hiện đề án. Hiện nay, chi tiết về cơ chế, chính sách đang được đưa lên các sở, ngành thông qua sau đó còn tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp rồi mới trình thành phố duyệt. Khi được hỏi, đối với những hộ dân tự nguyện xin được giãn dân đợt I có được thành phố khuyến khích, tạo điều không thì bà Anh cho rằng, nếu họ nằm trong tiêu chí đưa ra đợt này thì hoàn toàn ủng hộ. Còn nếu diện tích ở của họ rộng rồi hoặc không nằm trong khu vực phải di dời thì cần phải xem xét.
Giãn dân phố cổ là một đề án, một chủ trương lớn của TP Hà Nội nhằm cải thiện cuộc sống của người dân, tôn tạo, bảo tồn khu phố cổ. Ai đi, ai ở và phố cổ được bảo tồn như thế nào đang là mối quan tâm của nhiều người. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả những thông tin mới nhất xung quanh việc thực hiện đề án này.