Phát triển dàn trải, trùng lắp, thiếu đồng bộ… là những bất hợp lý trong quy hoạch khiến ĐBSCL “chậm tiến” nhất cả nước.
KCN Xuân Tô (H.Tịnh Biên, An Giang) bị bỏ hoang lâu nay - Ảnh: Công Hân
Những tồn tại trên được các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Ý tưởng điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra mới đây tại TP.Cần Thơ.
Nhiều khu công nghiệp bỏ hoang
Một trong những vấn đề được các chuyên gia quốc tế chú ý nhất là việc quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) ở ĐBSCL. GS-TS Bruno De Meuider, Trường đại học K.U. Leuven (Bỉ), cho rằng: “Địa phương nào cũng đua nhau xây dựng KCN để thu hút đầu tư nhưng tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Đây thực sự là một định hướng phát triển sai, làm phân tán nguồn lực, không phát huy được tiềm năng kinh tế”. Cùng quan điểm trên, GS-TS Eric J.Heikkila, Trường đại học Nam Califorlia (Mỹ), nói: “Tôi thật ngạc nhiên khi thấy chiến lược phát triển của các địa phương ở ĐBSCL khá giống nhau, ở đâu cũng làm KCN...”.
Khảo sát mới đây của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại Cần Thơ cho thấy ĐBSCL hiện có 74 KCN và 214 cụm công nghiệp (CCN) được đưa vào quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích hơn 42.000 ha, tập trung chủ yếu ở TP.Cần Thơ và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau… Tuy nhiên, hơn 92% diện tích quy hoạch trên vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Phần lớn các KCN, CCN chỉ sử dụng khoảng 5 - 40% diện tích đất, số còn lại hầu như bị bỏ hoang lãng phí. TP.Cần Thơ, nơi được xem là trung tâm kinh tế của khu vực, có 8 KCN, tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 2.351 ha nhưng đến nay cũng chỉ giải phóng mặt bằng đạt khoảng 50%. Rất nhiều KCN đang bị quy hoạch “treo” vô thời hạn.
Cần hướng đến lợi ích chung
Ngoài những bất cập liên quan đến phát triển công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch… cũng được các chuyên gia quan tâm và góp ý kiến với Bộ Xây dựng. Kiến trúc sư Nguyễn Việt Thắng, Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, cho rằng ĐBSCL có những vùng đặc trưng riêng cần phát huy như Phú Quốc là lợi thế du lịch sinh thái biển; Cà Mau là du lịch gắn với rừng quốc gia, rừng ngập mặn Đất Mũi; An Giang có thể khai thác du lịch tâm linh, tín ngưỡng; Cần Thơ thì du lịch hỗn hợp với đa dạng các loại hình du lịch chung của vùng; Bạc Liêu, Sóc Trăng phát triển du lịch gắn với nét văn hóa truyền thống lâu đời…
Nói đến nông nghiệp, TS Martijn van de Groep, chuyên gia đến từ Hà Lan, nhận định ĐBSCL là một đồng bằng châu thổ quan trọng đứng thứ hai thế giới và đứng hàng đầu về đa dạng sinh học, có tiềm năng phát triển to lớn. Đặc biệt, khu vực này có thế mạnh về nông nghiệp và phải dựa vào thế mạnh này bằng cách kiểm soát lũ, lượng phù sa. “Tuy nhiên, không nên dồn lực quá nhiều vào sản xuất lúa gạo như hiện nay bởi vì rất có thể một ngày nào đó, ĐBSCL sẽ phải trả giá do khai thác đất đai quá mức. Điều quan trọng nhất là phải giữ được sự cân bằng giữa phát triển và hệ sinh thái”, TS Martijn van de Groep nói. Cũng theo chuyên gia này, ĐBSCL có lợi thế rất lớn về kinh tế biển nên khi quy hoạch cần tính đến chiến lược phát triển lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ĐBSCL cần lưu ý đến giải pháp tái trồng rừng dọc theo bờ biển để vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vừa có thể thu được nguồn lợi dưới tán rừng thay vì chỉ làm các công trình, bờ kè để ứng phó.
Ngoài ra, đa số các nhà chuyên môn cũng lưu ý quy hoạch phải tính đến việc liên kết giữa các địa phương trong vùng, phát triển đồng bộ về mọi mặt như kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực… Thêm vào đó, nhà nước cần có kế hoạch tận dụng tiềm năng, lợi thế trong mối tương quan toàn vùng, không phân mảnh ĐBSCL và tránh “phá hoại” đời sống, đa dạng sinh học đặc trưng của từng địa phương.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định: “Từ những đóng góp trên, trong lần điều chỉnh này, Bộ Xây dựng sẽ cùng các chuyên gia đánh giá, đưa ra giải pháp trọng tâm là mô hình quản lý vùng và cơ chế chính sách, vận hành mối liên kết ấy để làm sao vừa giúp địa phương phát triển vừa đảm bảo tính liên kết vùng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Đình Tuyển (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.