02/05/2017 3:55 PM
Nhìn lại bức tranh về đầu tư sân golf Việt Nam trong vòng 10 năm qua mới thấy nhưng bức xúc kiểu này đã, đang và sẽ còn nóng, chưa có khi nào nguội.

Liên tiếp trong những ngày gần đây, công luận bức xúc với 3 vụ việc liên quan đến sân golf, đó là vụ phá rừng làm sân golf ở tỉnh Phú Yên; vụ lấy đất nông nghiệp làm sân golf và Thủ tướng đã có chỉ đạo làm rõ ở tỉnh Vĩnh Phúc; rồi vụ sân golf của FLC của Quảng Ninh bị chỉ đạo ngừng thi công do chưa có đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa xin cấp phép đầu tư cho 3 dự án sân golf, nâng tổng số sân golf tại địa phương này lên con số 8, trong đó riêng xã đảo Cam Lập (TP Nha Trang) đã phải “gánh” đến 3 sân golf, choán hầu như toàn bộ diện tích đất sản xuất của xã này, khiến dư luận hết sức hoang mang...

Năm 2009, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) khi đó là ông Võ Hồng Phúc khẳng định trong một kỳ chất vấn của Quốc hội: Tính đến tháng 6.2006, Chính phủ quyết định cho xây dựng 38 cái sân golf. Với Luật Đầu tư ra đời tháng 7.2006, việc cấp phép các dự án nói chung, trong đó có sân golf phân cấp cho UBND các tỉnh. Năm 2009, cả nước có tới 166 dự án sân golf (trong đó, 84 sân golf nằm trong diện được Nhà nước cho phép, 145 dự án đã cấp đất, 84 cấp giấy phép đầu tư). Diện tích các dự án này đang chiếm dụng tới 10.500 ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.900 ha đất lúa. 41/63 tỉnh trong cả nước có dự án sân golf. Hà Nội và Bình Thuận có nhiều nhất, với 19 dự án; Bà Rịa - Vũng Tàu 14, Lâm Đồng 11, Khánh Hòa 9. Trung bình mỗi sân hơn 300 ha, gấp 3 lần quy định và đa số dự án sân golf là trá hình; cần loại bỏ 50 dự án sân golf không đúng mục đích; Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng loại bỏ 14 dự án, miền núi phía Bắc 7, Bắc Trung Bộ 17, Hà Nội có 19 dự án, chỉ giữ 9 cái đúng tiêu chí (theo tiêu chí rút giấy phép các sân gôn chiếm 10 ha đất 1 vụ lúa trở lên, Bộ KHĐT kiến nghị thu hồi, rút giấy phép 56 sân golf; Trên thực té, tuân thủ chủ trương “cấm lấy đất sản xuất lúa 2 vụ để làm sân golf" do Thủ tướng Chính phủ ký tại công văn số 8170 ngày 16.11.2009, Chính phủ đã có quyết định 1946, loại bỏ hơn 60 dự án sân golf kiểu này).

Cũng trong kỳ họp này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hà cho biết có tới 80% diện tích sân golf lấn vào đất nông nghiệp và 2/3 diện tích trung bình các dự án được dùng để xây xây biệt thự. Đây thực chất là kinh doanh bất động sản. Còn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên thừa nhận, chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi phân cấp cấp phép dự án sân golf cho địa phương, số lượng sân golf đã bùng nổ gấp 3 lần so với 14 năm Trung ương quản lý. Không những thế, đa số các sân đều được cấp vượt quá nhiều lần diện tích quy định, lấn đất trồng lúa, chiếm cả quỹ đất dành cho du lịch, thể dục thể thao... Và ông nhấn mạnh: phải thu hồi nhưng dự án và diện tích lợi dụng sân golf để kinh doanh bất động sản.

Theo Golftimes, ngày 05.10.2016, dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang, năm 2015, trên cả nước vẫn có 58 sân golf thuộc 24 tỉnh, thành, với tổng quỹ đất sử dụng là 9,27 nghìn ha. Theo quy hoạch về phát triển sân golf đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, cả nước sẽ có 90 sân golf, tức trung bình mỗi tỉnh thành sẽ có 1,4 sân. Đây là con số đáng kể đối với một quốc gia có diện tích hẹp, người đông và phụ thuộc vào nông nghiệp như Việt Nam. Thậm chí, nếu các dự án golf mới được chấp thuận, số sân golf tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ sớm vượt quá 100.

Lý do để thuyết phục các dự án sân golf được thông qua khá hấp dẫn. Chẳng hạn, mỗi sân golf sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 đến 300 lao động, trong đó có rất nhiều vị trí không đòi hỏi bằng cấp. Việt Nam phải là một nền kinh tế dịch vụ du lịch theo gương Thái Lan - thiên đường golf ở châu Á, với ưu thế giá chơi rẻ, kết hợp du lịch biển và hệ thống dịch vụ hoàn hảo. Nhật Bản đất chật người đông nhưng golf rất phát triển và cách nay 15 năm thì phí chơi trung bình chỉ là 25 USD/người/sân 18 hố. Trung Quốc mới đây đã bãi bỏ lệnh cấm quan chức chơi golf và đặc biệt, golf được coi như môn thi đấu chính thức của Olympic 2016 và trường Đại học TDTT ở thành phố HCM đưa golf vào giảng dạy, với kỳ vọng biết đâu các “golf thủ” Việt Nam sẽ mang huy chương danh dự về cho Tổ Quốc...

Số người chơi golf ở Việt Nam hiện vào khoảng 15.000 người, mà đa phần là người nước ngoài. Về mặt kinh doanh, các động thái đầu tư mới cũng được xem là nhằm đón đầu xu thế giải trí của các nhà quản trị cao cấp nước ngoài, khi dòng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự đoán sẽ cải thiện đáng kể trong những năm tới.

“Việt Nam nằm trong số những điểm đến chơi golf đang lên trên thế giới”, ông Mark Siegel, Giám đốc Ðiều hành công ty tổ chức giải thi đấu golf lớn nhất châu Á Golfasian nói. Theo vị này, du lịch kèm chơi golf có thể mang lại cho Việt Nam 200-300 triệu USD doanh thu hằng năm.

Năm 2008 thì giá 1 giờ học golf khoảng 300 nghìn đối với thầy Việt Nam và khoảng 25-30 USD đối với thầy nước ngoài. Đến nay, giá học và chi phí ban đầu tăng 60%. Chi phí 1 vòng golf trong tuần khoảng 1-1.5 triệu, còn cuối tuần là 1.5-2 triệu. Một tuần ra sân một lần, cộng thêm việc đi tập để nâng cao trình độ thì chi phí tối thiểu duy trì cũng là 15-20 triệu/tháng.

Để chơi golf 18 hố, bạn sẽ phải mất ít nhất 1 triệu tiền green fee, cộng 300 tiền caddie cùng với phí xăng xe đi lại. Tính trung bình, một ngày lên sân, bạn sẽ mất khoảng 2 triệu vào ngày thường và 5 triệu vào cuối tuần.

Chi phí chơi golf ở Việt Nam vào mức rẻ so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và cao hơn so với Malaysia và Thái Lan (hiện giá chơi golf ở Thái Lan bằng khoảng 50% Việt Nam do số lượng sân golf của Thái Lan gấp gần 10 lần Việt Nam). Để có thể chơi một vòng golf, trung bình bạn sẽ mất khoảng 7 – 8 tiếng đồng hồ từ lúc ra khỏi nhà cho đến khi về lại. Điều này thật là xa xỉ đối với những người bận rộn trong công việc. Tuy nhiên, các sân golf được xây dựng ngày càng nhiều hơn đã khiến giá chơi golf trở nên hợp lý hơn.

Đặc biệt, golf đã mang lại cho nhiều người chơi những lợi ích sức khỏe và cả nhiều quan hệ và hợp đồng kinh doanh không thể mua được bằng tiền. Việc sở hữu sân golf đồng nghĩa với gia tăng danh tiếng và đẳng cấp của doanh nghiệp.

Tuy vậy, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 6.2014 vẫn cho thấy, cả nước mới chỉ mới có 29 dự án golf được đưa vào khai khác và vẫn còn khá nhiều dự án đang đắp chiếu, chiếm hữu hoặc sử dụng đất một cách khó hiểu.

Một ví dụ điển hình, theo quy hoạch, khu sân golf và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt vào tháng 6.2011 với quy mô khoảng 157 ha, trong đó sân golf là hơn 111 ha, với hệ thống trục đường giao thông chính, các câu lạc bộ, nhà tập golf, các trạm dừng chân, hồ nước, khu khách sạn 5 sao phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi của khách.

Năm 2013, sự phản đối của người dân về việc xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đã được Chính phủ, cũng như Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải… trả lời, song các cử tri vẫn "chưa thỏa đáng", vì cho rằng thật mâu thuẫn khi sân bay Tân Sơn Nhất thiếu đất để mở rộng đường bay, nhưng thực tế lại thừa đất để xây dựng sân golf…

Theo Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, việc xây dựng sân golf trong sân bay thì cơ sở pháp lý đã đầy đủ và không vi phạm pháp luật. Vấn đề còn lại ở đây là lo ngại của các cử tri khi sân golf hoạt động có gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh hay không. Điều này sắp tới đoàn đại biểu sẽ chất vấn các Bộ, ngành? Cũng bởi vậy nên đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM hiện vẫn “tiếp tục lắng nghe cử tri”!

Thực tế cho thấy, vấn đề về quản lý đất đai đã, đang tiếp tục bị buông lỏng, kể cả với các dự án sân golf. Hiện tượng sử dụng đất sai mục đích, bị chuyển nhượng sai pháp luật, đất bị hoang hóa do dự án “treo” xuyên thế kỷ và đất công “biến” thành đất riêng luôn tồn tại bất chấp và làm tăng thêm độ nóng và sự căng thẳng về nguồn thu và thiếu hụt công quỹ; gia tăng áp lực thiếu việc làm và thu hẹp quỹ đất anh tác, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, ký túc xá cho sinh viên, mở rộng bệnh viện, trường học và cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày càng quá tải…

Công luận đã, đang và sẽ tiếp tục bức xúc, đòi hỏi cần sự nhận thức thấu đáo, tầm nhìn dài hạn, quyết tâm chính trị cao và hành động mạnh mẽ, đồng bộ hơn để đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế-xã hội-môi trường và an ninh quốc gia trong giải quyết các vấn đề về sân golf!

TS. Ngô Minh Phong (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.