UBND thị xã Điện Bàn vừa phát đi Tờ trình số 463/TTr-UBND về việc đề nghị thẩm định và phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Xây dựng thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045. Đồ án quy hoạch này được xem là động lực phát triển mới của thị trường bất động sản Điện Bàn (giáp ranh với phía Nam thành phố Đà Nẵng).

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã Điện Bàn có diện tích 21.632 ha, xác định Điện Bàn là đô thị trung tâm động lực phía Bắc tỉnh Quảng Nam và chuỗi động lực của vùng kinh tế trọng điểm Miền trung; gắn kết với trung tâm du lịch sinh thái biển miền trung với thành phố Đà Nẵng và khu đô thị cổ Hội An.

Đây là đô thị sinh thái hiện đại, có không gian đặc thù vùng ven biển, ven sông, phát triển xanh và bền vũng. Đồng thời là trung tâm phát triển công nghiệp, nghiên cứu và phát triển dịch vụ, thương mại, văn hóa và du lịch phía Bắc Quảng Nam, có tiềm năng để phát triển tài chính, nguồn nhân lực kết nối với các trung tâm giáo dục – đào tạo bậc cao của Đà Nẵng, nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao.

Về phân vùng chức năng, vùng nội thị có 3 tiều vùng gồm tiểu vùng 1 là đô thị du lịch biển từ phía Đông sông Cổ Cò ra đến biển, với chức năng là trung tâm du lịch biển. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng của thị xã.

Tiểu vùng 2 là cụm Đô thị Điện Nam - Điện Ngọc gồm đô thị Điện Nam ĐIện Ngọc và đô thị Tây 607 và làng đại học. Chức năng là trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, giáo dục.

Tiểu vùng 3 là phía Đông giáp sông Vĩnh Điện, Tây ĐT 607; phía Tây đến ranh giới gồm đô thị Điện Thắng, đô thị Phương An, đô thị Nam Phương.

Vùng ngoại thị bao gồm 8 xã Điện Tiến, Điện Thọ, Điện Hòa, Điện Hồng, Điện Phước, Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong. Trong đó, đô thị Phong Thử là trung tâm vùng ngoại thị.

Chức năng của vùng này là phát triển công nghiệp, nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn.

4 tiều vùng tại Điện Bàn gồm tiểu vùng 1 (nội thị) là đô thị ven biển quy mô 1.286,2 ha; Tiểu vùng 2 diện tích 4.186,34 ha gồm đô thị Điện Nam - Điện Ngọc, làng đại học Đà Nẵng và đô thị Tây 607; Tiểu vùng 3 diện tích 5.078,88 ha gồm đô thị Điện Thắng và cụm đô thị Phương An; Tiểu vùng 4 diện tích 11.081,01 ha.

Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc tại thị xã Điện Bàn. Ảnh: Lê Phước Bình

Chuyển đổi nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Về định hướng phát triển công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp được phép tồn tại ở khu vực nội thành là các khu cụm công nghiệp đã được quy hoạch xác định. Trong quá trình sản xuất phải đảm bảo các yêu cầu an toàn phòng cháy nổ, không gây ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư xung quanh hoặc đã được xử lý làm sạch đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường trước khi thải ra ngoài khuôn viên.

Trên cơ sở hệ thống công nghiệp hiện có phát triển thêm công nghiệp về phía Tây Bắc. Trong giai đoạn đầu đến năm 2030 phát triển ổn định các khu và cụm công nghiệp.

Quy hoạch phát triển thêm Khu công nghiệp – đô thị dịch vụ Điện Tiến (bao gồm cụm công nghiệp Cẩm Sơn và Thái Sơn hiện trạng và công nghiệp mới) phía Tây Bắc thị xã.

Trong gian đoạn năm 2030 đến 2045, Điện Bàn sẽ dịch chuyển công nghiệp về phía Tây. Hạn chế phát triển các cụm công nghiệp nhỏ tại khu vực phía Đông đô thị.

Đối với cụm công nghiệp Thương Tín và Nam Dương, sau khi hết thời hạn cho thuê đất thì hình thành khu dân cư thương mại dịch vụ và công cộng. Đối với cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 chuyển một phần diện tích sang đất sử dụng hỗn hợp. Đối với khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc định hướng chuyển đổi thành Khu công nghiệp công nghệ cao.

Triển khai thi công một công trình cầu bắt qua sông Cổ Cò, đoạn qua thị xã Điện Bàn. Ảnh: Lê Phước Bình

Đầu tư nhiều tuyến giao thông mới

Về hệ thống giao thông đối ngoại, Điện Bàn có tuyến quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng Quảng Ngãi, quốc lộ 14H. Và các tuyến đường tỉnh như ĐT603, ĐT 603B, ĐT605, ĐT607B, ĐT608, ĐT609, ĐT610B.

Đặc biệt, tại Điện Bàn sẽ đầu tư tuyến đường mới, như đường vành đai phía Bắc của tỉnh Quảng Nam. Đây là tuyến đường nối dài tuyến đường ĐH1, ĐH5, ĐH7, Dũng Sỹ Điện Ngọc kết nối với ĐT603B về phía Đông và đi qua cụm công nghiệp Thái Sơn, Cẩm Sơn về phía Tây nối QL14B tại nhà máy Xi măng Hòa Khương . Quy mô dự kiến là 27m và đoạn từ ĐT607 đến ĐT603B lấy theo quy mô đường Dũng Sỹ Điện Ngọc là 20m.

Bên cạnh đó còn có tuyến đường du lịch ven sông Thu Bồn (Nam Điện Bàn), từ làng gốm Thanh Hà qua UBND xã Điện Phương (ĐH2) nối với tuyến ĐX1 Điện Minh qua thôn Bồng Lai, thôn Khúc Lũy. Xây dựng đoạn đường mới dọc phía Bắc sông Thu Bồn từ thôn Khúc Lũy đến bến đò Ông Đốc xã Điện Hồng, kết nối với tuyến ĐH3 Đại Lộc đến cầu Giao Thủy đi Mỹ Sơn (Duy Xuyên) và Bằng Am (Đại Lộc). Dự kiến quy mô 27m.

Ngoài ra còn có tuyến đường nối dài tuyến Mai Đăng Chơn đến đường ĐT608. Tuyến đường này sẽ kết nối sân bay Đà Nẵng với các đô thị phía Nam thị xã Điện Bàn và phía Tây thành phố Hội An, phía Đông huyện Duy xuyên (thông qua QL14H). Quy mô dự kiến 50m.

Điện Bàn có 5 sông chính trong tương lai được tu bổ và hoàn thiện để thu hút khách du lịch bằng đường sông, nhất là cầu nối với Thành phố Đà Nẵng phía Bắc và Hội An ở phía Đông, tạo điều kiện phát triển kinh tế của thị xã.

Tuyến dài 27,5km chạy dọc theo sông Cổ Cò, từ ngã ba sông Hàn đến Cửa Đại, nối cảng Đà Nẵng với phố cổ Hội An. Đây là tuyến sông nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh, sẽ trở thành một tuyến giao thông thuỷ ổn định ít bị ảnh hưởng của lũ lụt.

Tại Điện Bàn sẽ bố trí xây mới 5 cầu qua sông Cổ Cò. Cụ thể, cầu Viêm Minh trên đường Dũng Sỹ Điện Ngọc; cầu Hà Quảng 1, cầu Hà Quảng 2 trên đường cảnh quan Đông Tây; cầu Nghĩa Tự trên đường ĐT607B; cầu Ông Điền nối Điện Dương qua đường Nguyễn Chí Thanh TP Hội An.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.