Dẫn chúng tôi đi dọc sông Vàm Cỏ, ông Nguyễn Văn Thuận cho biết 10 năm trước, trên 400 ha đất thuộc xã Long Sơn, huyện Cần Đước - Long An, người dân đang sản xuất 2 vụ lúa/năm bỗng nhiên bị Nhà nước quy hoạch, giao cho nhà đầu tư làm KCN. “Từ đó đến nay, vùng đất này bị hoang hóa, cỏ mọc đầy. Thanh niên địa phương hầu hết bỏ xứ để đi làm thuê. Một số người lớn tuổi vì tiếc đất bỏ hoang nên lén lút trồng lúa chờ bồi thường. Cực không gì bằng!” - ông Thuận nói.
Quy hoạch rồi… bỏ hoang
Bà Trần Thanh Thủy, người có hơn 3.000 m2 đất trong khu vực này cũng cùng cảnh ngộ: “Lúc nghe Nhà nước lấy đất làm KCN, dù nhà cửa xập xệ nhưng người dân không dám sửa vì đâu biết lúc nào họ giải tỏa. Cả 3 người con của tôi phải rời bỏ mảnh ruộng đi làm thuê ở TPHCM, người lớn tuổi thì ở lại lén trồng lúa để sinh sống qua ngày. Nhà có đất mà không sản xuất được thật khổ hết biết!”.
Từ những năm 1998-2000, UBND tỉnh Bình Phước quy hoạch 486,42 ha đất tọa lạc tại xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành để giao cho nhà đầu tư làm KCN Bình Phước-Đài Loan. Sau khi có quy hoạch, chính quyền không cho xây dựng, người dân muốn có nhà ở chỉ còn cách… xây đại. Muốn tách hộ khẩu, chia đất cho con cái hoặc sang nhượng cũng không thể được. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó trưởng Ban Thanh tra thuộc UBND xã Thành Tâm, cho biết chỉ riêng ấp 2 của xã có hơn 100 hộ bị vướng vào quy hoạch KCN này. Người dân không dám trồng các loại cây công nghiệp dài hạn như: cao su, tiêu, điều…
Tỉnh Tây Ninh cũng có hàng ngàn hecta đất sản xuất của người dân bị thu hồi để quy hoạch làm KCN, cụm công nghiệp. Bà Trần Thị Hồng Nương (ngụ xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh) cho biết gia đình bà có 1 ha đất sản xuất. Mười năm trước, gia đình bà chỉ trồng mì, trồng mía nhưng thấy nhiều người trồng cao su thu nhập cao nên vợ chồng bà làm theo. “Ai ngờ mới trồng 1 năm thì đất vô quy hoạch, rầu muốn chết. Cả gia đình 6 người, con cái đang tuổi ăn học chỉ sống dựa vào mẫu đất, quy hoạch rồi lấy gì mà ăn” - bà Nương nhớ lại.
Đất người dân ở xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh bị thu hồi để làm cụm công nghiệp Bình Minh nhưng từ năm này sang năm khác chẳng thấy nhà đầu tư rục rịch. Nhiều hộ dân bắt đầu kéo phân tro vào chăm sóc cây trồng. Những hộ trước đây không dám trồng vì sợ quy hoạch cũng bắt đầu mua cây trồng. Một lão nông phân trần: “Làm vậy thôi chớ bà con ai cũng thấp thỏm, sợ đổ tiền của xuống chăm sóc rồi Nhà nước lấy đất phải chặt bỏ. Nhưng nhà theo nghề nông, thấy đất trước mắt mà không được làm ai chịu được”.
Không chỉ cụm công nghiệp Bình Minh, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có gần 10 cụm công nghiệp, KCN khác cũng rơi vào tình trạng “thu hồi đất rồi để đó”, trong khi người dân lại không có đất sản xuất.
Có đất sản xuất, không gì vui bằng!
Còn tại tỉnh Bình Phước, hàng trăm hộ dân xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành có đất nằm trong quy hoạch KCN Bình Phước - Đài Loan, khi biết Nhà nước dỡ bỏ quy hoạch, đã bắt đầu trồng cao su, xây và sửa sang lại nhà ở. Lão nông Bùi Văn Cắt (ngụ ấp 2, xã Thành Tâm) nói: “Vợ chồng tôi có 10 người con, trong đó có 5 người sinh sống trong khu bị quy hoạch. Khi nghe bỏ quy hoạch, các con tôi đang cùng người dân trong xã tăng gia sản xuất trên mảnh đất bị bỏ hoang lâu nay!”.
Năm nay ăn Tết lớn! Tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa - Long An, nơi 280 ha đất dự kiến thu hồi để làm sân golf cũng đã được tỉnh hủy bỏ chủ trương, niềm vui của nông dân tăng gấp bội lần. Lão nông Nguyễn Văn Tám (ấp 2, xã Mỹ Phú) cho biết: “Khi Nhà nước nói không thu hồi đất nữa, chúng tôi mừng quá, làm tiệc ăn mừng, an tâm sản xuất, không còn cảnh lo sợ bị thu hồi đất”. Ngày 8-11, tiếp xúc với phóng viên, hàng chục lão nông khác ở xã Mỹ Phú cũng vui mừng khi biết tỉnh đã xóa quy hoạch 280 ha đất trồng lúa để làm sân golf. Lão nông Trần Văn Nhanh phấn khởi: “Hiện hàng chục hộ dân đã bắt đầu xây nhà, trồng lúa. Năm nay, ấp 2 này sẽ có nhiều căn nhà mới để đón Tết”. |
Kỳ tới: Tiếp tục trả đất