Đọc bài "Đất vàng" Thủ đô sẽ vào tay ai? tôi có cảm giác như chúng ta luôn lo sợ một "mê hồn trận" về đất đai. Sự thực, câu chuyện cũng đủ giản dị, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ nhận xét.

Nhà nước cần tiền thì lấy tiền từ "đất vàng" ra là hợp lý và cũng dễ lấy. Ai có tiền thì sẽ là chủ của "đất vàng", không ai khác ngoài các "đại gia" bất động sản. Vấn đề còn lại là trong mối quan hệ giữa người giữ "đất vàng" trước đây và người xuất tiền để có đất vàng phải được xác lập minh bạch trên cơ sở pháp luật, quy hoạch và quy tắc tài chính. Cái khó nằm ở 2 chữ "minh bạch".


Bố trí lại việc sử dụng đất trong các đô thị hiện tại theo quy hoạch chung là một việc làm bình thường, cần khuyến khích thực hiện sớm theo đúng quy hoạch phân vùng đô thị.


Việc di chuyển các cơ quan cấp Bộ ở Hà Nội hiện nay về những khu vực theo quy hoạch cũng không có gì mới. Nhiều Bộ đã giải quyết xong phương án chuyển đổi địa điểm, đã xây dựng gần xong trụ sở mới và chỉ chờ đợi hoàn tất mà di chuyển (như Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, v.v.).


Nhiều đơn vị vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng đã được phép chuyển đơn vị về địa điểm mới và được phép "bán đất vàng" của địa điểm cũ cho doanh nghiệp để lấy kinh phí di chuyển và phát triển đơn vị. Cách giải quyết này cũng là chuyện rất cũ khá phổ biến ở nhiều địa phương.


Việc chuyển các cơ sở sản xuất trong đô thị gây ô nhiễm môi trường ra ngoài đô thị cũng đã thành chính sách chung về bảo vệ môi trường. Khu "đất vàng" tại địa điểm cũ cũng được "bán" cho doanh nghiệp để lấy kinh phí phục vụ việc di chuyển địa điểm và khôi phục sản xuất tại địa điểm mới.


Theo quy định của pháp luật đất đai, các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất tại địa điểm cũ là tài sản của mình thì được chuyển nhượng cho đối tác quan tâm để sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Đối với trường hợp các cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được giao đất không thu tiền, được giao đất có thu tiền mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, được thuê đất của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm thì thửa đất ở vị trí cũ phải giao cho địa phương cấp tỉnh nơi có đất để tổ chức đấu giá.

Trong việc bố trí lại địa điểm, cách giải quyết như thế nào đối với khu "đất vàng" của địa điểm cũ là một việc rất nhậy cảm, dễ có "lời ong, tiếng ve", "xì xào bàn tán" vì khu đất đó là "đất vàng". Đã là vàng mà quyết định giải quyết mang tính độc quyền, cửa quyền, thiếu minh bạch thì nguy cơ tham nhũng là dễ thấy. Dù người quyết định có ngay thật đến mấy thì cái quyết định cửa quyền ấy cũng vẫn cứ bị "xì xào". Vì vậy mới sinh ra cơ chế đấu giá, đòi hỏi minh bạch.


Trong việc giải quyết các khu "đất vàng" ở các địa điểm cũ có 3 vấn đề cần đề cập khi xem xét một trường hợp cụ thể. Thứ nhất là việc giải quyết có đúng quy định của pháp luật hay không? Thứ hai là việc giải quyết có đúng quy hoạch đô thị đã được duyệt hay không? Thứ ba là việc giải quyết có đúng quy định về cơ chế tài chính hay không? Đến nay, cả 3 vấn đề này đều có đủ cơ sở để phán xem là làm đúng hay sai.


Về khía cạnh pháp luật và tài chính, cuối năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Quyết định này không chỉ quy định về cơ chế tài chính mà còn quy định cả thẩm quyền quyết định, quy trình thực hiện.


Nguyên tắc cơ bản của cơ chế tài chính trong giải quyết các khu "đất vàng" địa điểm cũ của các đơn vị hành chính, sự nghiệp là phải qua đấu giá và phải sử dụng dịch vụ định giá để xác định giá phù hợp thị trường trước khi đấu giá.


Cơ chế bán chỉ định chỉ được thực hiện khi đấu giá không thành công.


Về khía cạnh quy hoạch, chủ sử dụng đất mới phải sử dụng đất theo đúng quy hoạch là việc đương nhiên và thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tất nhiên quy hoạch cũng phải tính sao cho hiệu quả kinh tế là cao nhất nhưng không làm giảm hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường.


Thông thường, để các cơ sở cần di chuyển có kinh phí di chuyển, xây dựng địa điểm mới thì "đất vàng" của địa điểm cũ phải được quy hoạch để sử dụng vào những mục đích đủ hấp dẫn, tức là những mục đích sử dụng tạo giá đất cao. Vậy ai có tiền để nhận chuyển nhượng được đất đó? Chắc chắn không ai khác ngoài các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có tiềm lực tài chính (còn hay gọi là các "đại gia" bất động sản). Vậy "đất vàng" tại địa điểm cũ rơi vào tay các "đại gia" bất động sản cũng là lẽ thường tình trong cơ chế thị trường.


Vấn đề là thủ trưởng cơ quan có "đất vàng" địa điểm cũ và "đại gia" bất động sản nhận "đất vàng" đó đều phải thực hiện đúng pháp luật, quy hoạch và cơ chế tài chính một cách minh bạch, không được vượt qua các quy định của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg và cũng không được dựng các kịch bản để che đậy phần "tư túi" bên trong.

GS.TS Đặng Hùng Võ

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.