Cấp
chính quyền thì cho rằng, không có trách nhiệm phải đi... canh đất.
Các doanh nghiệp có dự án treo hoặc chậm tiến độ với nhiều lý do khác
nhau đã từ chối hoặc im lặng trước câu hỏi của phóng viên.
Tựu trung lại, có rất nhiều lý do để các chủ dự án chỉ thực hiện mỗi việc là cắm đất xí phần, còn đến đâu thì... chờ đã!?.
Bất cập từ quy hoạch
Sau
rất nhiều lần liên hệ với các doanh nghiệp có dự án treo hoặc dự án
chậm tiến độ không được hồi đáp vì lý do bận đi họp, hay thậm chí là
việc nhạy cảm xin không trả lời..., chúng tôi tìm đến ông Phạm Sĩ Liêm,
phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam để "bắt mạch" hiện tượng phung
phí "đất vàng" hiện nay.
Rất nhiều dự án bị bỏ hoang như thế này (ảnh minh họa).
Không chút do dự, ông Liêm chỉ rõ: " Chính quyền không phải chạy theo thị trường nơi muốn xây thế nọ, thế kia mà chính quyền phải điều khiển, điều tiết việc xây dựng đó bằng một quy hoạch rõ ràng. Họ cứ bảo phủ kín quy hoạch, thế nhưng thực tế chẳng thấy công trình xây dựng nào theo quy hoạch cả. Lúc thì họ bảo thế này, lúc hứng lên họ lại nói thế khác".
Thực
tế cho thấy, bất kỳ dự án nào muốn được phê duyệt và đi vào hoạt động
đều phải qua rất nhiều "cửa": Bước giới thiệu địa điểm (qua Sở Quy
hoạch - Kiến trúc), lập dự án (Sở Kế hoạch và Đầu tư), khâu xin giao
đất, cho thuê đất (Sở Tài nguyên và môi trường), rồi lại quay về Sở Quy
hoạch - Kiến trúc để làm quy hoạch chi tiết 1/500, tiếp đến là nộp
tiền sử dụng đất (Sở Tài chính) và kết thúc là bàn giao đất trên thực
địa (Sở Tài nguyên và môi trường) cùng UBND quận, huyện...
Tính ra, chủ đầu tư phải thực hiện hàng trăm thủ tục liên quan. Dự án càng lớn, số lượng thủ tục càng tăng và tỉ lệ thuận với nó là sự phức tạp, thời gian, kinh phí. Không biết có phải là vì các sở, ngành "thông cảm" với sự vất vả của chủ đầu tư hay không mà đến khi bàn giao đất trên thực địa đã buông lỏng khâu giám sát dự án, bỏ mặc tính khả thi và thực trạng sử dụng lô đất của chủ đầu tư?
Chính vì vậy, ông Liêm cho rằng: " Theo
luật thì giao đất có mục đích chứ không giao một miếng đất nào đó
không biết dùng vào việc gì. Do vậy, mục đích mà tôi đã giao cho anh mà
anh không thực hiện đúng thì phải thu hồi lại. Nhiều khả năng thực
hiện không đúng mục đích bởi doanh nghiệp nói một đằng, nhưng khi giao
đất, lại làm kiểu khác, có sự biến tướng đi hoặc được giao đất rồi lại
ôm để đấy.
Một
số trường hợp có thể chiếu cố nhưng phải qua khảo sát thực tế. Đơn vị
dự định làm nghiêm túc nhưng tình hình thị trường suy thoái, thiếu vốn
nên chậm trễ. Lẽ ra khu đất đó Nhà nước phải thu hồi nhưng trên thực
tế, doanh nghiệp cứ ôm mảnh đất đó mà không biết khi nào có tiền để
làm".
" Như vậy có rất nhiều nguyên nhân để dự án bị chậm trễ nhưng theo tôi, dự án đã có thời hạn cụ thể mà không triển khai, quá thời hạn phải thu hồi. Chúng ta cũng đã thấy Chính phủ và các địa phương thu hồi rất nhiều dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, đối với các doanh nghiệp trong nước cũng phải thực hiện nghiêm túc như vậy, phải thực hiện theo đúng luật lệ quy định", ông Liêm nhấn mạnh.
"Đất vàng"... hành dân
Trong
khi thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận được lời khẩn cầu từ những
người dân thuộc tổ dân phố số 22 (phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội),
phản ánh về số phận của họ đang bị "treo" như chính dự án trong KĐT
mới Định Công.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cuối năm 1996, UBND TP. Hà Nội có quyết định giao cho Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam xây dựng khu dân cư tập trung tại phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).
Nhận
được thông tin, người dân tại tổ dân phố 22 khấp khởi hy vọng cuộc
sống sẽ được thay đổi. Thế nhưng, sau khi chờ đợi tới hơn 15 năm, cái mà
người dân ở đây nhận được là cuộc sống nhếch nhác, tạm bợ không khác
gì khu ổ chuột.
Anh N.V.T, người dân trú tại khu vực bức xúc: "Đường sá, cơ sở hạ tầng xuống cấp, muốn chỉnh trang lại căn nhà cho đỡ dột nát thì người dân đều nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng là do liên quan tới dự án nên chưa thể cấp phép. Trong khi đó, chủ đầu tư thì lặn mất tăm".
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thắng, cán bộ thanh tra phường Định Công cho rằng: "Mặc dù rất thông cảm với nỗi khổ của người dân, nhưng để họ xây dựng nhà cửa trên đất đã giao cho dự án thì sai luật và thanh tra xây dựng phường không hoàn thành nhiệm vụ. Nói về việc thực hiện dự án, ông Giang Chí Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết: Trước những bức xúc của người dân, quận đã có văn bản gửi UBND TP về việc đốc thúc thực hiện dự án. Thế nhưng, đến nay, tất cả mới chỉ dừng trên giấy tờ, còn người dân thì vẫn phải tiếp tục chờ đợi".
Chưa
dừng lại, qua đường dây nóng, báo ĐS &PL tiếp tục nhận được thông
tin, tại quận Hà Đông, Hà Nội, mảnh đất vàng nằm ngay trên vị trí đắc
địa mặt đường Quang Trung, diện tích hàng nghìn mét vuông trước kia của
công ty may Hưng Thịnh nay được thu hồi biến thành mảnh đất bỏ trống
trong nhiều năm.
Hiện mảnh đất này đang được một số người quây thành những ô nhận trông giữ ô tô 24/24h cho thấy sự lãng phí rất lớn. Trong khi đó, việc thu hồi đất đã khiến cho hàng trăm công nhân, lao động của công ty may Hưng Thịnh rơi vào tình trạng mất việc làm mà trước đó đã từng được dư luận lên tiếng.
"Đất vàng" chỉ để trồng cỏ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo
ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: "Trách
nhiệm nói thì dễ, còn cái tại sao mới là quan trọng. Không ai dễ dàng
có được một thửa đất vàng ấy nếu không có việc "bôi trơn". Bây giờ nó
đã "bôi trơn" rồi mà không làm thì cái ông nhận cũng ngậm miệng, khó
nói.
Giả
sử ông trước nhận cái đó mà ông ta đi mất rồi, ông sau lên thì có khả
năng cương quyết bởi vì ông này không "dính". Thế nhưng, ông định cương
quyết thì nó lại quan hệ với ông, thế là lại im, cho nên nguyên nhân
đó rất dễ hiểu.
Nhân tiện lúc này, khi chúng ta đang nâng cao chất lượng đảng viên, sự lãnh đạo của Đảng, nếu thấy dấu hiệu tỏ rõ sự yếu kém cần phân tích làm rõ việc thu hồi đất với hiệu ứng về mặt kinh tế - xã hội, vừa là chấn chỉnh công tác Đảng, vì những cái đó đều là đảng viên đảm trách. Còn chỉ phê bình sẽ rất khó để làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc để đất vàng treo giữa thủ đô".
Vì thế, theo ông Liêm, việc thực hiện phải từ chính những cấp chính quyền gần dân nhất. Ông Liêm đề xuất thêm: " Không đủ thẩm quyền thì anh phải báo cáo với cấp trên và yêu cầu cấp trên phải giải quyết. Nếu cấp trên, cấp quận không giải quyết được thì báo cáo lên thành phố, không thể cứ nói, không phải việc của tôi, tôi không dính vào!".