25/07/2012 4:37 PM
“Đất không thể “đẻ” ra được mà chỉ có thể cải thiện bằng việc sử dụng đất cho hợp lý. Nếu không kiên quyết thì chúng ta cũng chỉ là “giơ cao đánh khẽ”, ông Đào Ngọc Nghiêm, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội trao đổi với Vland về vấn đề đất “vàng” bị bỏ hoang hiện nay.

Vấn đề phát triển quy hoạch của Thủ đô còn khá “xôi đỗ”

PV: Kết quả kiểm tra mới nhất về tình trạng các “khu đất vàng” bị bỏ hoang trên địa bàn 4 quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm cho thấy, trong tổng số 33 khu đất được kiểm tra với diện tích gần 500.000m2 có 19 khu đất trống, chưa sử dụng với diện tích khoảng 309.368m2. Những con số trên bước đầu được đưa ra cho thấy điều gì, thưa ông?

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm:

Trong phát triển đô thị hiện nay đất đai được xem là một tài nguyên rất đặc biệt. Đây không chỉ là một trong những động lực, là thuận lợi để phát triển đô thị mà còn để đánh giá đô thị có phát triển bền vững hay không, có thân thiện với môi trường hay không.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm
Riêng đối với Hà Nội – một đô thị đã có quá trình phát triển dài hàng nghìn năm, đặc biệt sau khi mở rộng vào năm 2008, Hà Nội có những tiềm năng mới nhưng cũng đứng trước một thách thức rất lớn là phải đảm bảo sự đồng bộ phát triển cả phần Hà Nội cũ lẫn mở rộng để tạo thành một cơ thể thống nhất.

Rất nhiều người đã cảnh báo môi trường của Hà Nội trong đó có vấn đề về khai thác sử dụng đất không hợp lý. Những con số cụ thể về 33 dự án tại 4 quận huyện chỉ là những con số ban đầu. Thời gian vừa qua, khi tiến hành kiểm tra, Hà Nội có khoảng hơn 8 triệu m2 đất đai sử dụng chưa hợp lý và cũng đã có đề xuất thu hồi hơn nhiều diện tích đất. Đó là những đề xuất rất mới.

Một thực tế là vấn đề phát triển quy hoạch của thủ đô còn khá “xôi đỗ”. Trong những năm vừa qua, Hà Nội đã triển khai tới gần 800 dự án phát triển nhà ở, đô thị nhưng sau quy hoạch chung thì nhiều dự án bị dừng lại. Chính vì vậy, vấn đề cần làm hiện nay là phải xây dựng đồng bộ hệ thống các quy hoạch.

Đây là thực trạng rõ ràng buộc chúng ta phải xem xét lại.




Nhiều khu “đất vàng” bị biến tướng mục đích sử dụng

PV: Theo ông, việc quản lý đất đai ở Hà Nội trong thời gian gần đây đã bộc lộ ra khá nhiều vấn đề. Vậy phải đánh giá như thế nào về vấn đề này?

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm:

Khi nhìn vào việc quản lý đất đai ở Hà Nội có thể thấy bên cạnh vấn đề quy hoạch sử dụng đất chuyển tiếp đất nông nghiệp sang đất phát triển đô thị thì cần phải khai thác lại đất đai có hiệu quả. Trong những năm vừa qua, bình quân một năm Hà Nội đã chuyển khoảng gần 2 nghìn ha đất nông nghiệp sang phát triển đô thị. Và trong những năm tới còn phải chuyển hơn 3 nghìn ha đất phục vụ cho việc phát triển đô thị.

Vấn đề là chúng ta chú trọng nhiều đến phát triển nhưng chưa chú trọng đến vấn đề bảo tồn.

Chúng ta quản lý chặt chẽ ở khâu giao đất nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất. Thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án. Chính vì vậy, nó tác động đến vấn đề kinh tế, an sinh xã hội.

Rất nhiều mảnh đất vàng chúng ta muốn quy hoạch phát triển đồng bộ như khu vực Cầu Giấy để tạo thành trung tâm mới của thủ đô Hà Nội thì lại để hoang hóa. Rõ ràng ở đây thiếu sự giám sát.

Hiện nay, vấn đề về thể chế, quản lý pháp lý cũng vẫn chưa có sự đồng bộ. Việc quy hoạch còn mang nhiều sự cứng nhắc chưa kế thừa những quy hoạch cũ đã được phê duyệt để điều chỉnh. Quy hoạch vẫn chưa đi trước được một bước trong sự phát triển của Thủ đô.

Không kiên quyết cũng chỉ là “giơ cao đánh khẽ”, “đánh trống bỏ dùi”

PV: Việc "đất vàng" bị bỏ hoang đã từng được TP. Hà Nội nhắc tới, với danh sách 30 dự án phải nhận tối hậu thư vì sự rề rà không triển khai. Thế nhưng, hành động này của TP. Hà Nội chỉ được coi là "đánh trống bỏ dùi" khi chưa nêu trúng và đủ những dự án vốn bấy lâu chỉ được thấy trên giấy?

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm:

Việc thu hồi đất đai đã được đặt ra rất nhiều lần và trong rất nhiều năm vừa qua nhưng thiếu sự quyết liệt trong xử lý thực hiện. Chính vì không kiên quyết trong giám sát và xử lý vi phạm nên mới tồn tại thực trạng những khu “đất vàng” đã bị bỏ hoang tới 2 – 3 năm, chính quyền biết nhưng lại chưa thực sự mạnh tay. Điều này gây ra sự lãng phí rất lớn.




Lô đất rộng hơn 5.000 m2 tại KĐT Cầu Giấy, Vietcombank phải đấu hơn 265 tỉ đồng rồi để hoang.

Trong thời gian này, với thời điểm Hà Nội đang vươn lên để hoàn thành công nghiệp hóa – hiện đại hóa đi trước cả nước, muốn nâng tầm thu nhập bình quân, tiếp tục phát triển kinh tế xã hội với tốc độ 12% GDP bên cạnh việc khai thác nguồn lực khác cần khẳng định nguồn lực từ việc khai thác đất hợp lý và hiệu quả.

Những con số về diện tích đất sử dụng sai mục đích được thông báo trong thời gian qua rõ ràng là một tiềm năng rất lớn. Và bài học của những lần qua là nếu không kiên quyết thì chúng ta cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ”.

Trong quy hoạch sử dụng đất hiện nay bên cạnh việc quy hoạch mới chuyển đổi chức năng thì cần phải rà soát lại các diện tích đất đã giao nhưng khai thác không hợp lý hoặc khai thác không đúng chức năng và đề ra được biện pháp hợp lý tránh thất thoát lãng phí tài nguyên.

Không có năng lực thì thu hồi

PV: Về sự lãng phí này, lý do được đưa ra là do kinh tế khó khăn nên nhiều dự án chậm tiến độ nhưng không loại trừ những trường hợp do năng lực chủ đầu tư có vấn đề. Vậy cần được giải quyết như thế nào, thưa ông?

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm:

Như lô đất rộng hơn 5.000m2 tại khu đô thị mới Cầu Giấy của Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), để trở thành chủ của lô đất này, Vietcombank đã phải đấu giá và bỏ ra hơn 265 tỉ đồng nhưng rồi lại để hoang. Đó là sự lãng phí cũng là sự thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Nhưng khi đã giao đất cho các doanh nghiệp là mong muốn doanh nghiệp góp phần thực hiện chủ trương về phát triển.

Đối với những khu đất vàng đang bị bỏ hoang hiện nay cần phải được rà soát, xem xét để thực hiện thu hồi, thay chủ đầu tư có năng lực đảm nhận chức năng của phần đất đã được phê duyệt. Cũng nên có cuộc trao đổi gắn kết giữa các nhà quản lý, lãnh đạo với các chủ đầu tư để thấy được khó khăn nhưng vấn đề vẫn là phải đặt lợi ích chung phát triển bền vững của cộng đồng.

Sẽ có rất nhiều cách để thực hiện, quan trọng là TP Hà Nội sẽ lựa chọn cách nào để xử lý và vấn đề đặt ra là cần sự kiên quyết, đồng nhất.

Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnamnet
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.