Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia quy hoạch liên quan tới thực trạng đâu đâu cũng mọc lên cao ốc trên địa bàn nội đô.
Đe dọa an ninh xã hội, quốc phòng
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải khẳng định "41 khu "đất vàng" trụ sở của các cơ sở sản xuất trên địa bàn nội đô, sau di dời thì có tới 24 vị trí được chuyển sang làm nhà ở, văn phòng", Sở TNMT Hà Nội nói không biết là vô lý.
Về nguyên tắc, khi di dời trụ sở việc xây dựng gì trên đó tất cả phải theo quy hoạch và phải được cấp phép. Bởi vậy, những dự án này trước hết phải nằm trong quy hoạch và phải được thành phố Hà Nội phê duyệt, cấp phép.
“Người dân đập cái cửa, xây cái nhà chỉ sau vài chục phút đã thấy cơ quan quản lý đô thị có mặt, lập biên bản ngay. Nếu nói một tòa nhà cao ốc chọc trời mọc lên, mà không ai biết gì là vô lý. Càng vô lý hơn khi giải thích các cơ sở này tự chuyển đổi mục đích cho nhau. Nói vậy thì trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Ai cấp phép, ai cho xây dựng?", vị chuyên gia thẳng thắn đặt câu hỏi.
Nhưng cũng tự trả lời cho câu hỏi của mình, ông Thụ cho rằng có thể do vấn đề "tế nhị" nên không xử lý được hoặc nói chọn cách trả lời không biết giải pháp an toàn nhất hòng trốn tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Thụ cho rằng, sai phạm trong quy hoạch, cấp phép là nguyên nhân dẫn tới nhưng sai phạm nghiêm trọng khác.
"Khi tham nhũng đi cùng với lợi ích nhóm sẽ dẫn tới những hậu quả khó kiểm soát. Cụ thể ở đây là việc quản lý các trụ sở cũ, các khu vực nhạy cảm nếu làm không tốt sẽ dẫn tới tình trạng sang tên, chuyển nhượng, mua bán giữa người trong nước với chủ đầu tư nước ngoài để trục lợi.
Ngoài nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh xã hội; phá vỡ cảnh quan, phá vỡ quy hoạch còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc phòng. Đây là những yếu tố rất quan trọng cần phải lưu ý khi quy hoạch và quản lý các khu đất vàng", vị chuyên gia nhắc nhở.
The đó, ông đề xuất, đối với những khu "đất vàng" của các trụ sở sau khi chuyển đi nhà nước cần phải thu hồi, đưa vào diện quy hoạch chung hoặc xây dựng phục vụ mục đích công cộng.
Xử lý cao ốc phải như xử tham nhũng
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Chủ tịch Hội môi trường xây dựng Việt Nam cho biết thêm, theo quy hoạch của Thành phố từ năm 2030 tới 2050, các khu đất vàng thuộc các trụ sở cơ quan, doanh nghiệp nhà nước sau khi di dời sẽ được ưu tiên để xây dựng các công trình công ích như công viên, trường học, nhà trẻ, vườn hoa… là chủ trương rất đúng.
Tuy nhiên, thực tế thực thi thế nào? Ông cho biết, đây được xem là mâu thuẫn lớn giữa quy định pháp luật và diễn biến thực tế. Hay nói cách khác, quy hoạch không theo kịp được tín hiệu thị trường, dẫn tới trường hợp trụ sở chuyển đi, không đủ tiền xây mới.
Để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp hay các cơ sở sản xuất, chỉ còn cách biến trụ sở thành các dự án BĐS, xây dựng những khu phức hợp nhà ở, văn phòng, cao ốc nhằm giải quyết một phần vốn bù đắp cho doanh nghiệp cũng như tránh thâm thủng nguồn ngân sách.
"Tôi chắc chắn Hà Nội, ai cũng biết chủ trương là đúng đắn, nhưng thực thi lại không hề dễ dàng. Hà Nội không đủ giàu có để lấy tiền ngân sách mua lại trụ sở cũ của các cơ sở sản xuất này để phục vụ mục đích công cộng đơn thuần. Làm như vậy sẽ phải chi ra một khoản tiền rất lớn để hỗ trợ các cơ sở này xây dựng trụ sở, cơ sở hạ tầng để tiếp tục sản xuất và phát triển. Đây là cái khó của Hà Nội và cũng là nguyên nhân đâu đâu cũng mọc lên cao ốc, nhà cao tầng, không theo chuẩn quy hoạch nào", ông Đăng cho biết.
Nhất là những khu nội thành, những tòa nhà cao tầng, đồ sộ sẽ làm tăng mật độ dân số đi ngược với chủ trương giãn dân, giảm ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường… đi ngược với quy hoạch lâu dài của thành phố.
Chưa nói tới về mặt kiến trúc, việc quy hoạch bừa bãi sẽ dẫn tới phá vỡ hoàn toàn không gian, kiến trúc cổ của Pháp tại 4 quận nội thành Hà Nội.
“Đi qua các khu phố cổ có thể thấy bất cứ mảnh đất trống nào cũng có nhà cao tầng mọc lên, như vậy thì làm sao bảo tồn được di sản, kiến trúc cổ. Làm sao thu hút được du khách nước ngoài”, PGS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nói.
Chưa hết, vị chuyên gia còn chỉ ra hiện tượng hầu hết các tòa nhà cao ốc đều không đảm bảo thiết kế các công trình thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa nói tới hiện tượng thiếu trường học, bệnh viện, nhà trẻ… vì đầu tư vào đây chủ đầu tư nghiễm nhiên sẽ phải mất thêm một khoản chi phí không nhỏ.
Ngay ở những dự án của Công ty phát triển nhà ở Hà Nội, cũng không đảm bảo những yêu cầu này.
Trong khi đó, nếu tận dụng các diện tích này để cơi nới, xây thêm phòng, chồng thêm tầng chủ đầu tư có thể kiếm lợi cả trăm tỉ. Cuối cùng, thiệt hại chính thành phố và người dân phải gánh chịu.
“DN bao giờ cũng đặt lợi ích của họ lên đầu. Tôi đã nghe nhiều người nói DN dùng tiền mua nhà quản lý. Lẽ ra đáng được xây 10 tầng, nhưng chỉ cần mỗi phong bì 1 tỷ, DN lại được chồng thêm một tầng nữa. Như vậy, 1 tỷ đút phòng bì so với lợi nhuận cả 100 tỷ DN hưởng có đáng là bao nhiêu? Dù đây chỉ là những tin đồn nhưng thiết nghĩ các nhà quản lý cũng nên lưu tâm”, vị chuyên gia bức xúc.
Ông nói thẳng, trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý. Ông cho rằng, Hà Nội, khi phê duyệt quy hoạch cho tới kiểm tra, giám sát và cuối cùng tới khi hoàn thiện, đưa vào hoạt động đã được thực hiện như thế nào? Chính từ việc giám sát không nghiêm, thực thi thiếu trách nhiệm mới để những công trình không đủ tiêu chuẩn vẫn được tồn tại.
Dư luận hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ có yếu tố "đen" tại các dự án này", vì thế để thể hiện tính thượng tôn pháp luật PGS.TSKH Phạm Ngọc Đăng đề nghị Hà Nội phải rà soát toàn bộ các dự án và thực hiện các biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Ông cho rằng, xử lý cao ốc cũng giống xử lý tham nhũng vậy, cần phải làm tới nơi tới chốn. Nếu không nghiêm minh thì bất cứ giải pháp nào cũng là cơ hội cho tình trạng tham nhũng và lợi ích nhóm trục lợi. Vì vậy, đối với những dự án vi phạm cần tịch thu phục vụ mục đích công ích chứ không thể để tình trạng rút kinh nghiệm chung chung.