Chuyện xảy ra gần 2 năm nay tại ấp 1 và ấp 5 xã Tân Lập 1 huyện Tân Phước tỉnh Tiền Giang: Hàng trăm hécta (ha) đất trồng khóm đã bị bỏ hoang, người dân quyết định không tiếp tục sản xuất nữa để phản đối việc UBND tỉnh Tiền Giang “hăm” lấy đất này làm sân golf, khu công nghiệp (KCN); trong khi đó KCN Long Giang (540 ha) ở ấp 4 đang bị bỏ hoang hóa từ năm 2008 đến nay.

Lấy đất trồng khóm làm KCN


Tháng 11-2007, Ban quản lý các KCN Tiền Giang đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Phát triển KCN Long Giang để làm KCN Long Giang tại ấp 4 xã Tân Lập 1 (tổng vốn đầu tư là 100 triệu USD, do một doanh nghiệp Trung Quốc làm chủ đầu tư). Đến tháng 5 năm 2008, KCN này chính thức triển khai xây dựng. Thế là 395 hộ dân trong vùng bị thu hồi đất phải giải tỏa, di dời đi nơi khác để nhường 540 ha đất trồng khóm cho KCN Long Giang. Thế nhưng, sau khi dân đi nơi khác thì từ năm 2008 đến nay phần lớn đất trong KCN này gần như bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.


Đất trồng bị quy hoạch thành sân golf, khu công nghiệp: Nông dân điêu đứng
Anh Xuân chỉ phần đất 1ha của mình ở ấp 5 bị bỏ hoang do nông trường cắt nước nên không thể tiếp tục trồng khóm

Ông Thanh, một trong những hộ dân bị thu hồi đất, chua chát nói: “Đất này trước đây tụi tôi trồng khóm, nhờ hợp thổ nên năng suất khá, trung bình mỗi ha cho khoảng 25 - 30 tấn trái. Chỉ tính giá 2.000 đồng/kg, thì mỗi ha thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng, trừ hết các chi phí cũng còn lời 30 - 35 triệu đồng/ha, gần gấp đôi làm lúa. Đất tốt như vậy, nhưng không hiểu sao mấy ổng đành đoạn lấy làm KCN, rồi lại bỏ cho cỏ mọc mấy năm nay, thật là uổng phí!”. Như ông Thanh, người dân ở đây ai cũng tiếc rẻ.


Theo tính toán của một cán bộ ở Tiền Giang: Tỉnh cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê 540 ha để làm KCN với thời hạn 50 năm. Do đất nằm trong vùng sâu vùng xa nên chủ đầu tư không phải trả tiền thuê đất, mà chỉ trả tiền đền bù cho dân. Do vậy, tổng số tiền họ đền bù cho 540 ha chỉ khoảng 123 tỷ đồng, tính ra họ lời chán. Còn tỉnh Tiền Giang thì gần như cho không 540 ha đất này! Bởi theo tính toán của vị cán bộ này, mỗi năm người trồng khóm ở đây tạo ra giá trị kinh tế từ mỗi ha đất trên dưới 50 triệu đồng. Đem số tiền này nhân với 540 ha, rồi nhân với 50 năm, nó cho ra con số 1.350 tỷ đồng. Một số tiền thu được rất lớn so với số tiền tỉnh Tiền Giang thu được từ doanh nghiệp Trung Quốc. Đó là chưa nói: sau 50 năm, doanh nghiệp Trung Quốc không thèm thuê đất nữa thì “tấm thảm bê tông” 540 ha ở vùng Đồng Tháp Mười này sẽ dùng để làm gì (!?).


Nông dân bỏ đất?


Việc tỉnh Tiền Giang lấy 540 ha đất chuyên trồng khóm ở ấp 4 xã Tân Lập 1 để giao cho nhà đầu tư Trung Quốc làm KCN Long Giang đã khiến người dân ở đây rất bức xúc. Họ không đồng tình việc tỉnh lấy vùng đất chuyên trồng khóm này để làm KCN (đến nay vẫn còn 16 hộ chưa chịu nhận tiền đền bù, nhiều hộ khác khiếu nại việc đền bù chưa thỏa đáng). Và họ càng bức xúc, tiếc rẻ hơn khi thấy nhà đầu tư bỏ hoang vùng “đất vàng” của họ cho cỏ mọc. Đã vậy, UBND tỉnh Tiền Giang lại tiếp tục thông báo sẽ quy hoạch lấy thêm 270 ha ở ấp 5 và 300 ha ở ấp 1 để làm sân golf và KCN Tân Phước 1.


Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Trưởng Ban quản lý KCN Tiền Giang, cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 204 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó có 69 lao động chưa có giấy phép. Hầu hết những lao động này là lao động phổ thông, được công ty mẹ ở nước ngoài đưa sang để lắp đặt thiết bị, nhà xưởng… Họ không có chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn và phần đông là người Trung Quốc.

Trước thông tin tỉnh tiếp tục thu hồi đất để làm sân golf và KCN, nhiều người dân ở đây quyết định bỏ đất luôn, không tiếp tục sản xuất nữa. Thế là hàng trăm ha đất trồng khóm bị bỏ hoang, dù người dân cũng nóng ruột bởi làm vậy thì một phần tiền không nhỏ bị bỏ phí hàng năm . Ông Cao Minh Tâm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Nói thu hồi 270 ha ở ấp 1 để làm sân golf là chưa đúng, bởi tỉnh Tiền Giang quy hoạch khu này thành khu nghỉ dưỡng phức hợp, gồm có sân golf 36 lỗ (gần 100 ha) và các khu vui chơi, nhà hàng, khách sạn… Hiện nay, khu nghỉ dưỡng phức hợp này, chủ đầu tư mới hoàn thành khâu quy hoạch chi tiết, và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư…”. Cũng theo ông Tâm, khi thông báo quy hoạch khu này cho dân biết, tỉnh cũng nói rất rõ: “Khi nào chưa có quyết định thu hồi đất thì dân cứ tiếp tục sản xuất, nhưng không hiểu vì sao dân không chịu sản xuất mà bỏ đất hoang. Ngay khu Nam kinh 2 ở ấp 1 cũng vậy, tỉnh nói chỉ mới quy hoạch KCN nên dân cứ an tâm sản xuất, nhưng không hiểu vì sao dân cũng không chịu sản xuất !?”.


Anh Xuân, một nông dân ở ấp 5 và nhiều bà con khác cho biết, để trồng khóm dân phải thuê máy móc đào mương, lên liếp…, chi phí cho mỗi ha khoảng 30 triệu đồng. Nếu làm nửa chừng mà nhà nước thu hồi đất thì ai chịu chi phí này, nên dân rất lo lắng, có muốn làm cũng không dám nên đành bỏ đất hoang. Cũng có nhiều người tiếc tiền muốn trồng khóm trở lại nhưng không được bởi nhiều người bỏ đất hoang, không đóng tiền bơm nước nên nông trường cắt nước luôn. Nhiều người phải chuyển sang trồng khoai mì vì chịu hạn tốt.


Làng quê xáo động


Tỉnh Tiền Giang quy hoạch làm KCN Long Giang ở ấp 4 xã Tân Lập 1, bà con nông dân ở đây đã một phen chộn rộn. Khi tiến hành giải tỏa, đền bù, nhiều người bị mất đất, phải một phen nháo nhào chạy đi tìm mua đất khác để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhiều người không nhận tiền đền bù thì lại tiếp tục khiếu kiện nhiều nơi, gây nên tình trạng bất ổn xã hội. Đó là chưa kể đến thực trạng nhiều người dân bị mất đất chưa ổn định được cuộc sống do giá tiền đền bù không đủ để sang nhượng lại phần đất tương đương ở nơi khác.


Thêm vào đó, khi KCN Long Giang bắt đầu xây dựng có nhiều công nhân người nước ngoài đến làm việc. Nhiều chị em đã có chồng, vì mê tiền nên “kết” với mấy công nhân người nước ngoài này, thế là gia đình tan nát. Như chị V., nhà ở ấp 4 xã Tân Lập 1 đã nhất quyết bỏ chồng để “cặp bồ” với một công nhân nước ngoài trong KCN Long Giang, dù anh chồng đã hết lời khuyên nhủ, can ngăn.

Theo Đăng Nguyên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.