Đất rừng phòng hộ đặc dụng hóa đất nhà
Theo phê duyệt quy hoạch của UBND TP Hà Nội năm 1998, huyện Sóc Sơn có trên 6.600 ha đất lâm nghiệp bao gồm rừng đặc dụng và phòng hộ được giao cho Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển nông - lâm nghiệp Sóc Sơn (Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn) và UBND các cấp huyện Sóc Sơn quản lý.
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ suốt giai đoạn từ những năm 1990-2005, UBND H.Sóc Sơn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hàng trăm hộ dân nằm trên diện tích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong đó có cả những trường hợp cấp cho người nhận chuyển nhượng.
Với danh nghĩa là chuyển nhượng cây cối hay liên doanh, liên kết để sản xuất nhưng thực chất là mua bán rừng. Tại hầu hết các xã có rừng đều diễn ra tình trạng chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất rừng với diện tích lên tới hàng trăm héc ta nhiều trường hợp khi chuyển nhượng có xác nhận của UBND cấp xã.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết người nhận chuyển nhượng phần lớn là người ở TP Hà Nội với mục đích để làm trang trại, nhà hàng, nhà nghỉ cuối tuần. Sau khi nhận chuyển nhượng, nhiều hộ đã xây dựng nhà ở, kinh doanh ăn uống với những diện tích lên tới cả ngàn mét vuông. Việc mua bán, chuyển nhượng giữa các hộ dân thường chỉ bằng sổ lâm bạ, viết giấy chuyển nhượng xin xác nhận của xã, sau đó đã được cấp giấy chứng nhận thành đất ở có sổ đỏ. Cứ thế rừng phòng hộ đặc dụng bị “ăn” dần, “xẻ thịt” mọc lên những công trình nguy nga kiên cố.
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
Điều đáng nói là những vi phạm trong việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện trong kết luận của Thanh tra Sở TN-MT TP.Hà Nội thực ra không mới mà chỉ nhắc lại những nội dung đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006.
Từ tháng 4/2006, điều tra của Thanh tra Chính phủ đã kết luận có hơn 400ha đất rừng bị chuyển nhượng sử dụng trái phép với tổng số 548 hộ nhận chuyển nhượng. Trong đó có trên 650 hộ dân xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp.
Ngay sau kết luận, thủ tướng chính phủ đã có ý kiến gửi các cơ quan chức năng dừng ngay việc cấp sổ đỏ trên diện tích rừng phòng hộ, tổ chức ngăn chặn các trường hợp xây dựng trái phép, trình Thủ tướng phương án xử lý theo nguyên tắc thu hồi toàn bộ diện tích mua bán chuyển nhượng, mua bán trái pháp luật. Làm rõ sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng. Tuy nhiên, đến nay việc chấn chỉnh vẫn “chưa đến nơi đến chốn”.
Như tại phủ Thành Chương ngay từ năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ gia đình ông Nguyễn Thành Chương nhận chuyển nhượng đất rừng đặc dụng từ năm 2001 có xác nhận của UBND xã. Sau khi mua đất, ông Thành Chương đã xây dựng các công trình kiên cố nhưng chỉ 1 lần bị phạt hành chính 10 triệu đồng cho tồn tại và ông Chương tiếp tục xây dựng. Ghi nhận tại phủ Thành Chương, hiện vẫn đang có những hạng mục, công trình tiếp tục được xây dựng, tu sửa trên diện tích đến hơn 8.000m2.
Rõ ràng vấn đề “xẻ thịt” đất rừng đã trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trong suốt 7 năm qua. Nhưng 7 năm hiệu chỉnh, khắc phục dù biết rồi, nói mãi…vẫn sai thì cũng là nỗi băn khoăn lớn. “Thiếu kiểm tra, giám sát”, “buông lỏng quản lý” là những từ chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý được ghi trong kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường. Âu cũng đến lúc phải rạch ròi công – tội để đáp lại tiếng than núi rừng sau gần 7 năm dường như chỉ nói rồi để đấy.