“Thành phố hiện có rất nhiều nhà tồn tại trên đất nông nghiệp đã có quy hoạch, đặc biệt là ở các vùng ven, ngoại thành. Đối với loại đất này thì không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, cũng không thể cấp giấy phép xây dựng được. Trường hợp này dân bức xúc rất nhiều. TP đã báo cáo Thường vụ Thành ủy và được đồng ý cho xử lý để giải quyết quyền lợi cho người dân trong vùng quy hoạch, dù biết là vướng luật” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh tại cuộc họp về cấp phép xây dựng, ngày 28-5.
Tháo gỡ bức xúc cho dân
Ông Tín nêu ra trường hợp khu vực đất nông nghiệp đã có quy hoạch là công viên nhưng Nhà nước chưa có tiền thực hiện, Sở TN&MT cũng không thể cho chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Trong trường hợp này, cơ quan cấp phép xây dựng yêu cầu người dân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì mới cấp phép là điều không thể.
“TP có rất nhiều trường hợp tương tự khu bán đảo Bình Quới, Thanh Đa (quy hoạch treo hàng chục năm, người dân không được xây dựng nhà cửa - PV). Đây chính là vấn đề TP đang tập trung tháo gỡ để giải quyết bức xúc cho người dân” - ông Tín nói.
Việc cho xây dựng nhà tạm trên đất nông nghiệp sẽ tháo gỡ bức xúc cho dân trong một số trường hợp. Ảnh: HTD
Phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo đối với trường hợp nêu trên, người dân được cấp phép xây dựng tạm. Trong năm năm, nếu Nhà nước thực hiện quy hoạch thì người dân không được bồi thường. Nếu quá năm năm Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì phải bồi thường cho dân. Tuy nhiên, chính sách này chỉ giải quyết cho nhà ở riêng lẻ và người dân đã sinh sống ổn định, lâu dài (có xác nhận của địa phương) để tránh trường hợp lợi dụng xây dựng tràn lan, phân lô bán nền làm phá vỡ quy hoạch.
Trường hợp đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư, nhà trong lộ giới khi Nhà nước thực hiện quy hoạch cũng được giải quyết theo hướng trên. “Đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư thì quận, huyện phải rà soát và cho người dân được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Nếu người dân chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì cho ghi nợ” - ông Tín lưu ý.
Phần chưa bồi thường cũng được xây tạm
Với trường hợp nhà dân trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất và có quy hoạch 1/500, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Chủ tịch UBND quận 2 kiến nghị: Phần chưa được bồi thường cũng giải quyết cấp phép xây dựng tạm.
“Có rất nhiều người dân bị mắc kẹt trong các phần chưa được bồi thường còn lại của các dự án. Từ thực tế đó, quận kiến nghị TP cho phép người dân sửa chữa nhà theo hiện trạng hoặc được xây dựng tạm với quy mô tối đa một tầng, có tầng lửng trên nền nhà cũ” - ông Khiết nói.
Lãnh đạo quận 2 đề xuất thêm: Trường hợp nhà ở tạo lập trước ngày 1-7-2006 (thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực), chưa có giấy tờ hợp lệ, nằm trong khu vực đã có quy hoạch là công viên, đường dự phóng, công trình công cộng hoặc đã có quyết định thu hồi đất thì cũng được giải quyết như trên.
Đồng ý với đề xuất trên, ông Tín yêu cầu quận 2 phải rà soát tất cả dự án đã bồi thường trên 50%. Nếu đến 31-12-2013 chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện thì cho thu hồi dự án, đồng thời cấp giấy phép xây dựng tạm cho dân.
Hai bộ đã từng bác đề xuất của TP Thực tế tại TP nhiều khu vực đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư nên không thể tiếp tục làm nông nghiệp mà cũng không thể chuyển mục đích sử dụng sang đất ở do không phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất. Tháng 10-2012, TP từng kiến nghị trung ương cho cấp phép xây dựng tạm trên đất nông nghiệp trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch. Mục đích nhằm cải tạo, chỉnh trang môi trường đô thị và nâng cao điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT khẳng định công trình chỉ được xây dựng khi phù hợp mục đích sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật. ________________________________________________ Không thể cấp phép xây dựng trên đất nông nghiệp vì trái với Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Ngay cả giấy phép xây dựng tạm thì miếng đất cũng phải được công nhận là đất ở và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (do vướng quy hoạch nên không được cấp phép chính thức). Sở Xây dựng phân tích trong tờ trình gửi UBND TP Việc cho xây dựng trên đất nông nghiệp chắc chắn hợp ý muốn của nhiều người vì quyền lợi, nhu cầu của họ được đảm bảo. Nhưng nếu cho triển khai đại trà thì bỗng nhiên người dân được miễn trừ, không phải nộp tiền sử dụng đất và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Xét về mặt quản lý nhà nước, điều này không ổn. Cùng đó, yếu tố phải kiên quyết giữ quy hoạch sẽ không được đảm bảo. Một chuyên gia quy hoạch |