Bên cạnh những thửa ruộng lúa xanh ngắt mới cấy vụ mùa là những diện tích bỏ hoang cỏ mọc um tùm, những mảnh đất trống xen kẹt nằm cạnh các dự án. Nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là một số huyện ven đô vẫn tồn tại tình trạng đất nông nghiệp bị hoang hóa nhiều năm, gây lãng phí lớn.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Đức Thượng bị bỏ hoang. Ảnh: Hải Yến

Tổng hợp sơ bộ đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có khoảng 6.000ha đất lúa bị bỏ hoang. Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều năm tập trung ở các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Đông Anh, Từ Liêm... và quận Hà Đông. Hoài Đức là huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều dự án, kéo theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn. Tại một số xã, sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu chính song người nông dân không mặn mà với cây trồng, để đất hoang cho cỏ mọc... Điển hình là các xã Đức Thượng, Đức Giang, Kim Chung… hàng trăm hécta đất bị bỏ hoang, không trồng cấy trong nhiều năm. Riêng xã Đức Thượng có tới 11,2ha đất màu mỡ vốn chuyên canh 2 vụ lúa đã bị bỏ hoang hóa nhiều năm. Ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thượng khẳng định, cán bộ xã đã nhiều lần đi vận động, khuyến khích các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc chuyển sang làm VAC, song bà con vẫn để nhiều diện tích đất nông nghiệp hoang hóa. Bà con lý giải, đất của họ nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, đô thị, chưa biết thu hồi lúc nào nên ngại, không muốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.

Với tâm lý chờ đợi dự án, các hộ dân thôn Bác Lãm, phường Phú Lương, quận Hà Đông cũng để hàng chục hécta đất chuyên trồng lúa cho cỏ mọc um tùm. Ngay sát diện tích đất thu hồi cho dự án Khu đô thị Thanh Hà có nhiều cánh đồng bỏ hoang nhiều năm, người dân chỉ đợi dự án được triển khai để bán đất hoặc mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ. Không chỉ Hoài Đức và Hà Đông, những cánh đồng vốn trồng lúa trước kia của xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm từ nhiều năm nay cũng trở thành những ruộng bèo, cỏ mọc um tùm. Bà Nguyễn Thị Oanh, xã Đại Mỗ cho rằng, bây giờ cấy lúa kém hiệu quả, phần lớn đàn ông trong gia đình đi ra ngoài làm thuê hay làm các nghề dịch vụ khác nên chẳng mấy hộ trong xã thiết tha với nghề trồng lúa. "Ruộng cứ để đó thôi chứ biết làm gì, công cấy, gặt bây giờ đắt đỏ mà thu nhập từ cấy lúa được là bao" - bà Oanh giãi bày.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, đặc biệt là tâm lý ôm đất chờ dự án… nhưng để đất canh tác hoang hóa là lãng phí nguồn tài nguyên. Để xảy ra tình trạng trên là do chính quyền địa phương không nắm rõ thực trạng đất canh tác, không vận động người dân canh tác hết ruộng. Trước mắt, lãnh đạo TP yêu cầu các huyện, xã kiểm tra thực tế đồng ruộng, có phương án khắc phục, nếu hộ nào không canh tác phải vận động để giao đất cho người khác, vận động các tổ chức, đoàn thể như đoàn thanh niên, hội nông dân đứng ra canh tác tạo nguồn thu, lập quỹ. UBND TP sẽ giao cho Sở NN&PTNT rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp trên toàn TP, qua đó sẽ chỉ đạo các địa phương có phương án đôn đốc để chấm dứt tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang gây lãng phí lớn như hiện nay.

Theo HNM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.