Thu không đủ chi
Nghị trường cuộc họp HĐND TP. Đà Nẵng dường như trầm lắng hơn, nỗi lo lắng bắt đầu hiển hiện trên gương mặt đại biểu và quan chức lãnh đạo thành phố khi báo cáo thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2013 không có con số đẹp như những năm trước.
Nguyên nhân là do đất ế ẩm, nguồn thu ngân sách không còn như thời hoàng kim cách đây mấy năm.
Không phải đến bây giờ Đà Nẵng mới gặp khó khăn mà cách đây 2 năm, dấu hiệu suy thoái đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của thành phố đáng sống này.
Báo động thất thu từ nguồn khai thác quỹ đất khi ông Nguyễn Bá Thanh còn tại vị ở Đà Nẵng. Tại kỳ họp thứ 5 khóa VIII, hôm 4/12 năm ngoái, vấn đề nguồn thu ngân sách được các đại biểu phân tích và mổ xẻ nhằm tìm ra nguyên nhân để định hướng cho chiến lược phát triển Đà Nẵng trong tương lai.
2012 là năm mà Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước đối mặt với quá nhiều thách thức. Nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế mà thành phố đặt ra không đạt.
Tổng chi ngân sách năm 2012 là hơn 13.600 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách ước đạt 10.900 tỷ đồng, thất thu so với kế hoạch đặt ra hơn 3.600 tỷ đồng.
Nguồn thu đạt thấp so với kế hoạch là do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đặc biệt là việc đóng băng thị trường bất động sản khiến nhiều dự án dừng, bỏ triển khai dẫn tới nguồn thu từ đất giảm mạnh.
Con số báo cáo trong kế hoạch của TP. Đà Nẵng trong năm 2012 là thu 3.500 tỷ đồng từ đất. Nhưng đến cuối năm chỉ mới thu được gần 1.300 tỷ đồng.
Đó là chưa nói khoản 630 tỷ đồng TP. Đà Nẵng thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế do doanh nghiệp gặp khó khăn.
Như vậy, chỉ trong năm 2012, Đà Nẵng đã thất thu 2.830 tỷ đồng. Chính vì thế việc chậm lương cho cán bộ hành chính ở một số quận huyện diễn ra. May nhờ chính quyền TP. Đà Nẵng can thiệp kịp thời nên chấm dứt tình trạng này.
Tại cuộc họp của HĐND TP. Đà Nẵng hôm 11/7 vừa qua lại nóng lên câu chuyện tìm nguồn thu mới cho ngân sách, khi mà tổng thu ngân sách hơn 5,2 ngàn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013, đạt 44% dự toán do HĐND thành phố giao.
Thu không đạt, nhưng tổng chi ngân sách lên đến con số hơn 7,2 ngàn tỷ đồng, đạt 56,5% dự toán.
Buộc phải thắt chặt hầu bao
Ngoài thất thu từ nguồn khai thác quỹ đất, hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm 2012 cũng đang gặp khó khăn, giá trị ước đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tăng trưởng thấp so với kế hoạch. Nguyên nhân là do sức mua giảm, khan hiếm đơn hàng xuất khẩu dẫn tới hàng tồn kho nhiều, trong khi giá nguyên vật liệu, xăng dầu, lãi suất ngân hàng lại liên tục tăng cao.
Nguyên nhân tăng trưởng của Đà Nẵng không đạt kế hoạch vì quy mô nền kinh tế nhỏ, khi suy giảm kinh tế không đủ sức cạnh tranh. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, nguồn thu chính của Đà Nẵng là khai thác quỹ đất. Nhưng thị trường bất động sản đóng băng kéo dài nên thất thu là khó tránh.
Đà Nẵng thất thu vì thị trường bất động sản đóng băng kéo dài.
Trước đó nhiều năm, các chuyên gia kinh tế cũng như các đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng đã đưa ra cảnh báo nguồn thu ngân sách thành phố không thể mãi dựa vào khai thác quỹ đất. Bởi quỹ đất Đà Nẵng sẽ dần cạn kiệt. Sự tăng trưởng nóng của Đà Nẵng trong hơn chục năm qua dựa vào quĩ đất đã minh chứng cho sự tăng trưởng không bền vững.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã từng cảnh báo: Nếu Đà Nẵng phát triển chỉ dựa vào quĩ đất như của “hồi môn” thì chỉ tạo được sự hào nhoáng bên ngoài, rất “mong manh và dễ vỡ”.
Trước mắt, Đà Nẵng đã xin Chính phủ cho phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để bù vào nguồn ngân sách thâm hụt do thất thu nguồn thu từ quỹ đất và sản xuất đình trệ do khủng hoảng kinh tế.
Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đưa ra chương trình tăng nguồn thu ngay trong 6 tháng đầu năm 2013. Ông Chiến khẳng định: Việc mất nguồn thu từ bất động sản, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách như tăng cường thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh có dấu hiệu vi phạm, triển khai các biện pháp thu thuế phù hợp.
Thu ngân sách (không tính tiền thu từ sử dụng đất) có tăng trưởng so với cùng kỳ và theo hướng bền vững. Thu thuế từ DN FDI tăng 103% - ông Chiến trấn an. Ngoài ra, ông đưa ra quyết sách về việc Đà Nẵng thắt chặt chi tiêu. Nghĩa là bắt đầu thắt chặt hầu bao, rồi tính toán các khoản chi cho hợp lý, cho tiết kiệm.
Ngay việc tạm dừng chi tiền “dưỡng liêm” cho cảnh sát giao thông cũng tiết kiệm được khoản chi kha khá. Rồi nhiều thứ khác nữa như hạn chế hội họp, chi tiếp khách... nghĩa là cắt giảm tất cả những khoản chi không cần thiết.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Thuận Phước, còn cho rằng, đến bây giờ mới nghĩ đến chuyện thắt chặt chi tiêu và thu ngân sách ngoài tiền đất để bù vào là quá muộn.
Tìm lối thoát hiểm
Song hành với thắt chặt chi tiêu, một chiến lược phát triển kinh tế bền vững đang buộc Đà Nẵng phải đứng trước hai lựa chọn: Công nghiệp dịch vụ hay công nghiệp nặng?
Thật ra, ngay từ đầu, Đà Nẵng đã phải tính toán đến những ngành kinh tế mũi nhọn, có những doanh nghiệp lớn, tạo đột phá, gây được nguồn thu lớn. Ví dụ như Khánh Hòa có Khatoco, Quảng Nam có Trường Hải ô tô... , còn Đà Nẵng có gì? Không gì cả, chỉ là vài doanh nghiệp lẻ tẻ. Nguồn thu ngân sách chủ yếu bán đất, mà đất đang chạm đáy, lấy đâu ra nguồn thu - ông Lĩnh lắc đầu nói.
Nếu trong 3 năm 2003-2005, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt gần 26%/năm thì đến giai đoạn 2006-2013, dịch vụ đã bức phá khi duy trì mức tăng bình quân gần 20%/năm, cao hơn gấp hai lần so với giai đoạn 1997-2005.
Nguồn vốn bắt đầu chảy vào ngành dịch vụ với tỷ trọng 70% tổng lượng vốn đầu tư.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đà Nẵng được các chuyên gia kinh tế đánh giá như một quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 16%/năm khi lựa chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn.
Tổng lượng khách du lịch đến thành phố giai đoạn 2003-2013 ước đạt 16 triệu lượt khách, tăng 19,3%/năm; doanh thu du lịch thuần túy ước tăng 23,5%/năm với giá trị năm 2013 ước đạt 2.800 tỷ đồng.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói đã thu hút 60 dự án đầu tư vào du lịch có tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD.
Chủ tịch Văn Hữu Chiến khẳng định: “Phát triển khu vực dịch vụ nhanh và bền vững là ưu tiên tập trung trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế thành phố”.